Truy cập hiện tại

Đang có 69 khách và không thành viên đang online

Phản hồi dư luận

Kết quả giải quyết, phản hồi dư luận xã hội tháng 01/2022

(TGAG)- Ngày 10/01/2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành Báo cáo số 165-BC/BTGTU về kết quả phản hồi tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội. Tuyên giáo An Giang đăng toàn văn.

Sau khi nhận được báo cáo tình hình dư luận xã hội (DLXH) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh, làm rõ và báo cáo kết quả giải quyết, phản hồi dư luận xã hội như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1.1. Vấn đề “giá cả các mặt hàng phân bón, nguyên liệu đầu vào tăng cao; giá cả, việc tiêu thụ hàng hóa nông sản bấp bênh”.
Tình hình giá cả phân bón trong nước diễn biến phức tạp, một số quốc gia cấm xuất khẩu nguyên liệu đầu vào (sản xuất phân bón) làm cho thị trường phân bón trong nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Giá mặt hàng phân bón tại An Giang hiện đang ở mức rất cao. Riêng mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật do nguồn cung từ Trung Quốc, Ấn Độ hạn chế về lượng, tăng về giá, một số hoạt chất thuốc BVTV khan hiếm toàn cầu nên giá biến động theo. Đến thời điểm hiện tại giá các mặt hàng này đều tăng giá từ 15 – 50%, nhiều nhất là nhóm thuốc trừ cỏ.

Trước tình hình vật tự nông nghiệp tăng giá như trên, ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm góp phần để bình ổn giá như: tăng cường khuyến cáo nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp một cách hợp lý, áp dụng triệt để tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục thanh tra, kiểm tra mặt hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trước áp lực tăng giá như hiện nay.

1.2. “Giá heo hơi nhiều lúc xuống thấp, tuy nhiên giá thịt heo ngoài thị trường, nhất là tại các chợ, siêu thị, các cửa hàng thực phẩm… vẫn ở mức cao”.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc đi lại khó khăn; đồng thời do việc nhập heo hơi và heo thịt từ bên ngoài nên làm giá heo hơi giảm mà giá thịt tại các chợ vẫn ở mức cao so với giá heo hơi tại các hộ chăn nuôi. Một phần là do dịch bệnh nên chi phí vận chuyển, test nhanh, các chi phí khác tăng nên giá thịt heo không giảm nhiều.

Để giải quyết vấn đề này, trước mắt Sở NN&PTNT sẽ đánh giá lại tình hình sản xuất, tiêu thụ trong chuỗi chăn nuôi để khơi thông tất cả các quy trình trong chuỗi, tạo điều kiện thông suốt trong khâu vận chuyển, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập heo hơi và thịt heo thì trong thời gian tới giá heo hơi sẽ tăng trở lại.

Thị trường cung - cầu vẫn chưa cân bằng dẫn đến sự chênh lệch rất lớn giữa giá heo hơi và giá bán lẻ thịt heo đến tay người tiêu dùng. Để giải quyết vấn đề này, đơn vị sẽ phối hợp với sở ngành liên quan kiểm soát, quản lý về giá bán thịt heo trên thị trường; các doanh nghiệp tham gia thực hiện bình ổn thị trường, giảm giá bán thịt heo ở mức tương xứng với giá heo hơi nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân; khơi thông các khâu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ bị đứt gãy trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh…. (Theo Công văn số 33-CV/ĐUSNNPTNT của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 19/11/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

1.3. Liên quan phản ánh “thời tiết chuyển mùa dư luận người dân lo lắng sẽ xuất hiện nhiều dịch bệnh trên động vật (Trâu, bò, heo, gia cầm...). Hiện nay, tình hình dịch bệnh tả heo Châu Phi đang diễn biến rất phức tạp và có nguy cơ tiếp tục lây lan trên diện rộng. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh của người dân, mà còn ảnh hưởng đến việc cung cầu hàng hóa, thực phẩm nhất là vào thời điểm cuối năm, tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến. Dư luận mong các ngành chức năng có biện pháp hạn chế; tăng cường thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo người dân để phòng ngừa”:

Để góp phần kiểm soát tốt và thực hiện chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm không để dịch bệnh xảy ra diện rộng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đảm bảo công tác phòng chống dịch có hiệu quả trong thời gian tới, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhầm tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Đồng thời, Sở cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh An Giang trong năm 2022. (Theo báo cáo số 2860/SNNPTNT-VP của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 24/12/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

2.1. Phản hồi dư luận liên quan đến nội dung: “Năm học mới đã triển khai gần 2 tháng bằng hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, trong dư luận vẫn còn ý kiến băn khoăn, lo ngại về chất lượng, hiệu quả của phương pháp này. Có ý kiến cho rằng việc học bằng phương pháp online không hiệu quả, phần lớn học sinh không tiếp thu được kiến thức, không hiểu bài… Đối với các em học sinh lớp 1 nói riêng, học sinh tiểu học nói chung không quen học trên máy tính, trên ti vi nên dễ nhàm chán, giáo viên không thể giám sát, nhắc nhở như dạy học trực tiếp tại lớp; học sinh sử dụng các thiết bị thông minh trong quá trình học tập dễ nghiện game và tiếp xúc với các văn hóa độc hại, ảnh hưởng đến thị lực của các em… Các bậc phụ huynh mong ngành giáo dục cần thường xuyên theo dõi, đánh giá chất lượng dạy và học định kì để có điều chỉnh, thay đổi kịp thời phù hợp hơn, qua đó giúp học sinh học tập tốt hơn”. Sở GD & ĐT phản hồi như sau:

Việc dạy học linh hoạt (trực tuyến, qua truyền hình, xem video clip, giao nhiệm vụ học tập...) là yêu cầu tất yếu mà ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) cần phải thích nghi trong điều kiện học sinh không thể đến trường do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Mặc dù các hình thức dạy học linh hoạt không thể nào đạt chất lượng bằng dạy học trực tiếp, nhất là đối với học sinh tiểu học. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học, ngành GDĐT đã chủ động hướng dẫn các đơn vị tổ chức dạy học linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh nhằm phát huy tối đa hiệu quả dạy học (như lựa chọn nội dung cốt lõi để cung cấp cho học sinh, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, không tạo áp lực cho học sinh...), đồng thời, đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học trực tuyến (như hướng dẫn học sinh cách sử dụng thiết bị, dụng cụ học tập để đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị điện, tư thế ngồi, không gian, địa điểm học để đảm bảo sức khỏe, tâm lý và chất lượng học tập, ...). Thời gian học tập được bố trí phù hợp với tâm lý từng độ tuổi học sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh. Việc duy trì hoạt động dạy học linh hoạt này là cơ hội để học sinh giao tiếp, làm quen với thầy cô, bạn bè trong thời gian không thể đến trường.

Sở GDĐT cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn trường tiểu học, sau đó, các trường đã tổ chức tập huấn lại cho tất cả giáo viên. Thông qua khóa tập huấn, các giáo viên được nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến để đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đáp ứng mục tiêu giáo dục. Song song đó, Sở đang tổ chức biên soạn lại chương trình GDPT ở cấp tiểu học với thời lượng 22/35 tuần nhằm chuẩn bị khi học sinh có thể trở lại trường sẽ tổ chức thực hiện cho phù hợp.

Ngoài ra, Sở đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo tập huấn, giao ban với các trường nhằm hỗ trợ, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh kịp thời những vướng mắc tại các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện. Chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học có biện pháp khảo sát nắm tình hình về chất lượng, hiệu quả sau thời gian tổ chức dạy học trực tuyến (mức độ đạt được của học sinh về kiến thức và kỹ năng); thường xuyên dự họp với tổ chuyên môn và giáo viên để nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc, định hướng điều chỉnh phù hợp; tuyệt đối không tạo áp lực cho giáo viên và học sinh.

Nhằm đảm bảo sức khỏe, giảm áp lực căng thẳng cho giáo viên và học sinh tiểu học sau 9 tuần dạy và học trực tuyến, ngày 23/11/2021, Sở đã ban hành văn bản tạm dừng dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình từ ngày 29/11/2021 đến hết ngày 05/12/2021 (như tuần nghỉ giữa học kỳ I).

Toàn ngành GDĐT đã và đang từng ngày cố gắng nỗ lực phấn đấu bằng tất cả các biện pháp để có thể nâng cao chất lượng học tập của học sinh, duy trì việc kết nối giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên và phụ huynh, hướng dẫn học sinh quen dần với các hình thức dạy học linh hoạt. Ngành GDĐT mong muốn được sự đồng hành, chia sẻ của phụ huynh học sinh và toàn xã hội trong điều kiện dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh trở lại trường học trực tiếp, nhà trường sẽ tiến hành bổ sung kiến thức, tổ chức phụ đạo cho học sinh những nội dung còn hạn chế trong quá trình học trực tuyến, trong đó tập trung quan tâm rèn kĩ năng đọc - viết cho học sinh lớp 1. (Theo báo cáo số 3560/SGDĐT-VP của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngày 24/11/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

2.2. Liên quan đến bài viết của Báo Giáo dục Việt Nam đăng ngày 27/11/2021 với tựa đề “Nhiều thầy cô giáo ở An Giang lo lắng vì không có bằng cử nhân phù hợp”. Phản ánh tình trạng hàng ngàn giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật đang lo lắng về chuyện dù có bằng đại học nhưng không đạt chuẩn trình độ, không đáp ứng yêu cầu văn bằng phù hợp theo Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các giáo viên này mong muốn ngành giáo dục có hướng dẫn cụ thể để giáo viên “nâng chuẩn” cho phù hợp và yên tâm công tác.

Những năm 2009 và 2010, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong ngành giáo dục tỉnh khá nhiều. Sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm ra trường không được tuyển dụng vào các trường để dạy đúng chuyên môn. Lý do: Các trường học không có nhu cầu hoặc có nhu cầu ít đối với giáo viên dạy các môn khoa học xã hội cấp THCS và THPT, số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường có nguyện vọng công tác trong ngành giáo dục ngày càng nhiều; trong khi đó nhu cầu giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục cấp tiểu học tương đối lớn, nhưng lại không có nguồn tuyển.

Để khắc phục trình trạng trên nhằm nâng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm ra trường được phân công giảng dạy, Sở GDĐT tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm các môn Văn, Sử, Địa, GDCD … vào giảng dạy cấp tiểu học đối với các môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục (gọi tắt các môn chuyên), Tổng phụ trách Đội … và các giáo viên này được tham gia bồi dưỡng các lớp ngắn hạn với thời lượng từ 350 tiết đến 400 tiết tại Trường Đại học An Giang để có chứng chỉ bồi dưỡng dạy các môn chuyên này nhằm phần nào đáp ứng được tình trạng thiếu giáo viên ở cấp tiểu học và giảm tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm ra trường chưa có việc làm.

Vừa qua, theo Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực 01/7/2020), quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên dạy tiểu học phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Qua thống kê toàn ngành hiện nay có 161 giáo viên có trình độ đại học thuộc các môn khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, GDCD) nhưng lại dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục; các giáo viên này đã đủ chuẩn về trình độ đào tạo nhưng dạy chưa đúng môn được đào tạo. Do đó, các giáo viên này không thuộc đối tượng phải nâng chuẩn trình độ đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay toàn ngành có 25 giáo viên có trình độ cao đẳng thuộc các môn khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, GDCD) nhưng lại dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục và các trường hợp này thuộc đối tượng phải nâng chuẩn trình độ đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP. Do đó, đối với 25 trường hợp này, trong thời gian tới Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh nâng chuẩn trình độ đào tạo cho phù hợp với vị trí việc làm. Hiện các giáo viên này vẫn duy trì tham gia giảng dạy theo phân công của đơn vị (vì các giáo viên này đã có chứng chỉ bồi dưỡng đủ điều kiện dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục ở tiểu học). (Theo báo cáo số 4003/SGDĐT-TCCB của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngày 29/12/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

3. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

“Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, dự luận mong ngành chức năng có phương án phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong và ngoài tỉnh khi đến địa phương tham quan du lịch”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo phản hồi như sau:

Diễn biến phức tạp của đại dịch trong thời gian qua đã tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch của địa phương. Đa số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh doanh dịch vụ du lịch đơn lẻ nên không đủ năng lực duy trì hoạt động trước tình hình dịch bệnh kéo dài gần 2 năm qua. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh từ tháng 4 năm 2021 đến cuối tháng 10 năm 2021, hầu hết doanh nghiệp lữ hành và hơn 2/3 số cơ sở lưu trú đã tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu phát triển du lịch và nhiệm vụ của ngành. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu triển khai các văn bản của cấp trên về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong thời gian tới, triển khai thực hiện Kế hoạch số 692/KH-UBND ngày 16/11/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch của tỉnh, Sở phối hợp chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch An Giang trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch bệnh trong đó tập trung xây dựng các phương án phù hợp để đón khách an toàn trong giai đoạn bình thường mới và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. (Theo báo cáo số 3885 /SVHTTDL-TCPC của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, ngày 24/12/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

4. Sở Y tế

4.1. Liên quan đến phản ánh “việc triển khai tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 trên địa bàn đang được các ngành, các địa phương tăng cường triển khai thực hiện, được dư luận hoan nghênh, đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên trong quá trình tiêm, tại một vài nơi đã xảy ra tình trạng tập trung đông người, thứ tự không rõ ràng… dẫn tới một số người dân không hài lòng, có phản ứng, tạo dư luận không tốt. Dư luận mong ngành chức năng kịp thời chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 vừa qua được ngành y tế quán triệt đến các cơ sở y tế trong tỉnh tăng cường đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, nhằm sớm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng, góp phần có hiệu quả công tác đẩy lùi dịch bệnh thời gian tới. Tuy nhiên, do nhân lực hạn chế, dù địa phương đã có phân chia thời gian theo địa bàn dân cư, nhưng người dân đến điểm tiêm đông, nên một số điểm tiêm xảy ra tình trạng tập trung đông người. Sở Y tế đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra tại 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh về công tác tổ chức buổi tiêm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, đã nhắc nhỡ và hướng dẫn địa phương tổ chức thêm điểm tiêm, phân luồng và phân bố thời gian hợp lý, thực hiện giãn cách đảm bảo nguyên tắc 5K, an toàn cho người dân.

4.2. Theo phản ánh của dư luận một số trường hợp người bị bệnh hiểm nghèo: Ung thư, chạy thận nhân tạo… phải thường xuyên đến các bệnh viện điều trị hiện đang rất lo ngại việc test nhanh COVID-19, mỗi lần như vậy phải tốn thêm nhiều kinh phí. Người dân mong ngành y tế nên nghiên cứu và có biện pháp tiếp tục hỗ trợ cho các bệnh nhân này để giảm bớt khó khăn cho họ.

Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đã có tình trạng bệnh xâm nhập vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thời gian gần đây, qua công tác sàng lọc bệnh nhân trước khi vào khám, điều trị tại các bệnh viện cũng đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính. Do đó, việc xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trước khi vào khám, điều trị là cần thiết.

Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BYT ngày 08/11/2021 quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2. Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh cho phép tạm thời áp dụng mức giá quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BYT để sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh, mức giá cho một lần xét nghiệm nhanh là 109.700 đồng (giảm rất nhiều so mức giá trước đây là 238.000 đồng). Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế xem xét từng trường hợp cụ thể để có biện pháp hỗ trợ cho các bệnh nhân gặp khó khăn. (Theo báo cáo số 4125/SYT-NVY của Sở Y tế, ngày 25/11/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

5. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

Liên quan đến phản ánh “việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhất là các đối tượng lao động tự do... tiếp tục được các ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo phản ánh, việc hỗ trợ vẫn còn chậm, trong quá trình thực hiện có nơi vẫn còn phát sinh vấn đề (nhiều ý kiến phản ánh tình trạng bỏ sót đối tượng thụ hưởng, có trường hợp đưa vào danh sách không đúng đối tượng...) gây bức xúc cho dư luận. Một số người đã sử dụng mạng xã hội để bày tỏ, chia sẻ gây dư luận không tốt trên cộng đồng mạng. Dư luận mong ngành chức năng quan tâm”. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo giải trình như sau:

Liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do):

Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức hỗ trợ… để ban hành chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác. Sở đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, trong đó có quy định rõ đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ để các ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Căn cứ Quyết định, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, triển khai chính sách rộng rãi trên địa bàn và tiến hành rà soát, thẩm định, lập danh sách người lao động đúng đối tượng, đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh việc yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Quyết định số 1856/QĐ-UBND cho người dân; khẩn trương triển khai thực hiện việc rà soát, lập, thẩm định, phê duyệt danh sách; Sở còn đề nghị các địa phương nhanh chóng tổ chức việc cấp phát kinh phí đến người lao động đã được phê duyệt. Tính đến ngày báo cáo, trên cơ sở rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách của các địa phương, Sở đã tổng hợp, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt kinh phí đối với 209.589 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 314.383.500.000 đồng. Hiện các địa phương đã và đang khẩn trương tiến hành hỗ trợ (164.379/209.589 người).

Liên quan đến những bức xúc của người dân liên quan đến quá trình triển khai thực hiện:

Do mỗi tỉnh, thành đều có chính sách hỗ trợ riêng đối với lao động không có giao kết hợp đồng theo điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, vì vậy có sự không đồng nhất về đối tượng, mức hỗ trợ; dẫn đến người dân không hiểu rõ nên phát sinh nhiều thắc mắc. Sở đã có văn bản gửi các địa phương quan tâm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin về chính sách hỗ trợ; tiếp nhận các thắc mắc, phản ánh của người dân, có hướng dẫn và giải đáp cụ thể, người dân nắm, liên hệ khi cần thiết.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Sở cũng đã nhận được nhiều phản ánh, đề xuất của dư luận, cơ quan, đơn vị… đề nghị tỉnh xem xét bổ sung thêm các công việc, đối tượng chưa được hỗ trợ. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này tỉnh đã phải cố gắng cân đối nguồn kinh phí rất lớn (dự kiến trên 350 tỷ đồng) để hỗ trợ cho người lao động trong khi ngân sách tỉnh đang rất khó khăn, tập trung cho công tác phòng chống dịch thời gian qua. Sở ghi nhận và sẽ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định dựa trên tình hình điều kiện thực tế và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. (Theo báo cáo số 2989/SLĐTBXH-LĐVL của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, ngày 26/11/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Dư luận người dân vui mừng, ghi nhận, đánh giá rất cao ngành chức năng trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh. Thời gian gần đây, đã triệt phá nhiều vụ buôn lậu lớn, nhỏ phần nào làm cho người dân cảm thấy rất an tâm, tin tưởng. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp; đối tượng buôn lậu hàng hóa, thuốc lá, kim loại quý, ma túy… thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động hơn. Dư luận mong ngành chức năng tiếp tục phát huy, tăng cường các biện pháp để hạn chế. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phản hồi như sau:

Từ đầu năm đến nay, đơn vị luôn quan tâm quán triệt và chấp hành nghiêm túc các chỉ thị, công văn, công điện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành cấp trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, ma túy, xuất nhập cảnh trái phép…

Đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng, phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương biên giới triển khai hàng trăm tổ, chốt với hàng ngàn đồng chí trên toàn tuyến biên giới, tổ chức tuần tra, giám sát siết chặt biên giới 24/24h; đồng thời, tổ chức rào cản những đường mòn, kênh gạch qua biên giới; thực hiện nghiêm nhiệm việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu. Tính từ 01/1/2021 đến 10/11/2021, các Đồn Biên phòng đã bắt giữ, xử lý hàng ngàn vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy, nhập cảnh trái phép, mua bán người…

Tuy nhiên, do đường biên giới quản lý dài, địa hình có nhiều điểm phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động hơn nên tình hình buôn lậu vẫn còn diễn biến phức tạp ở một vài nơi như dư luận người dân phản ánh.
Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng duy trì các tổ, chốt, chốt chặn kiểm soát chặt chẽ biên giới, tăng cường công tác tuần tra, nhất là tại các khu vực trọng yếu; đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đấu tranh với hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép…  (Theo báo cáo số 2409/BCH-CT của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, ngày 23/11/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

7. Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh

Phản hồi nội dung: “Dư luận mong lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới. Nhiều công nhân, người lao động từ TP. HCM, Bình Dương có nguyện vọng tìm kiếm việc làm tại địa phương, dư luận mong các ngành chức năng quan tâm, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có chủ trương chính sách để thu hút, tạo việc làm cho người lao động địa phương”; Ban Quản lý Khu kinh tế báo cáo, giải quyết một số nội dung dư luận như sau:

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh và để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới; Ban Quản lý Khu kinh tế đã khẩn trương triển khai thực hiện các Kế hoạch, giải pháp của UBND tỉnh về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang” , phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; trong đó, xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thường xuyên, đồng thời triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. Qua đó, Ban Quản lý Khu kinh tế đã phối hợp với các ngành liên quan có các văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chức năng thuộc khu kinh tế cửa khẩu nhằm kịp thời xử lý, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động cũng như an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo các điều kiện và tiêu chí về an toàn phòng chống dịch. Giải quyết kịp thời, nhanh chóng về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động.

Ban Quản lý Khu kinh tế rất quan tâm, thường xuyên phối hợp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu rà soát, tổng hợp số lượng, nhu cầu tuyển dụng lao động, đào tạo nghề trong thời gian tới, làm cơ sở để Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trường cao đẳng nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, đào tạo lao động góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. (Theo báo cáo số 2693/BQLKKT-VP của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, ngày 25/11/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

8. Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên

8.1. Liên quan đến phản ánh tại ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hòa Hưng vừa qua, xảy ra một vụ sạt lở ao nuôi cá gần bờ sông gây thiệt hại hàng chục tấn cá của một hộ dân. Một số người dân bức xúc cho rằng nguyên nhân là do tình trạng khai thác cát gần bờ sông gây ra. Trước đó, khu vực này có một số ghe đậu, hút cát gần bờ, sau đó sạt lở diễn ra. Người dân mong địa phương phối hợp ngành chức năng tăng cường tuần tra, xử lý, hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép không đúng nơi quy định để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Vấn đề này, UBND thành phố trả lời như sau:

Từ ngày 03 – 22/10/2021, tại xã Mỹ Hòa Hưng đã xảy ra 02 vụ sạt lở bờ sông thuộc phạm vi chỉnh trị dòng chảy của Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang được UBND tỉnh cấp phép khai thác. Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã đã phối hợp cử đoàn khảo sát các vị trí sạt lở, trong đó có vụ sạt lở tại khu vực tổ 13, ấp Mỹ Thuận làm đứt 01 đoạn đê khoản 7m (nằm trong khu vực khai thác của Công ty) gây thiệt hại 01 ao nuôi cá (khoảng 90 tấn). Hiện Công ty đã kịp thời hỗ trợ thiệt hại cho người dân và tiến hành gia cố lại đoạn đê bị sạt lở.

Để hạn chế tình trạng sạt lở trong thời gian tới, UBND thành phố đã đề nghị các ngành chuyên môn của tỉnh tiến hành khảo sát, đánh giá tác động môi trường tại khu vực thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang. (Theo báo cáo số 283/BC- UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên, ngày 26/11/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

8.2. Trả lời phản ánh “hiện nay nhu cầu sử dụng của người dân đối với các loại thuốc xông, cồn, vật dụng y tế trong phòng chống dịch đang tăng cao, dư luận kiến nghị các ngành các cấp tăng cường kiểm tra đối với việc mua bán để tránh tình trạng lợi dụng tăng giá”.

Phòng Y tế thành phố đã ban hành văn bản về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, trong đó có yêu cầu các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thành phố tuân thủ đúng các quy định trong kinh doanh thuốc, đặc biệt các sản phẩm liên quan đến phòng, chống dịch (cồn, thuốc xông, vật dụng y tế…). Trong thời gian tới, Phòng Y tế thành phố sẽ tiến hành giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh dược, khám chữa bệnh…trên địa bàn; xử lý hoặc đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi nâng giá, găm hàng các loại thuốc, vật tư y tế. (Theo báo cáo số 356/BC- UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên, ngày 28/12/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

9. Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành

Về việc giải quyết, phản hồi dư luận xã hội với nội dung: “Người dân trên địa bàn lo lắng khi dịch bệnh gia tăng, nhất là liên quan đến các công ty, doanh nghiệp (Khu công nghiệp Bình Hòa). Hiện người dân có tâm lý e ngại, kỳ thị, sợ tiếp xúc với những người công nhân mang đồng phục của các công ty, doanh nghiệp có dịch (Công ty Samho). Dư luận mong ngành chức năng có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh; đồng thời, cần thông tin, tuyên truyền để người dân biết, đồng cảm, tránh tâm lý kỳ thị”, Ủy ban nhân dân huyện trả lời phản hồi như sau:

Thời gian qua, số ca nhiễm tại khu công nghiệp tăng cao (Công ty Samho) dẫn đến người dân có tâm lý, e ngại, kỳ thị, sợ tiếp xúc với những người công nhân. Từ tâm lý e ngại, kỳ thị, sợ tiếp xúc đó UBND huyện đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, hệ thống chính trị trên toàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân các biện pháp tự bảo vệ bản thân và cộng đồng để người dân nắm được tình hình và diễn biến của dịch trong giai đoạn vừa phải chống dịch, vừa phải sản xuất an toàn trong tình hình mới để người dân đồng cảm, tránh tâm lý kỳ thị.

Trước tình hình trên, thời gian tới UBND huyện tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch cụ thể như: Phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện kiểm soát lây lan dịch, giảm số ca mắc trong quá trình sản xuất; tuyên truyền trực tiếp đến người dân và công dân thực hiện các biện pháp “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế và tích cực tham gia tiêm ngừa Vacxin đủ liều để tạo miễn dịch cộng đồng; chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, hệ thống truyền thanh huyện, xã tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. (Theo báo cáo số 1348/UBND-TH của Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, ngày 27/12/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

10. Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới

10.1. “Phản ánh tình hình giá cả một số mặt hàng nông sản giảm mạnh và khó tiêu thụ...”, UBND huyện trả lời như sau:
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là thời gian huyện Chợ Mới cũng như các huyện, tỉnh khác áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến việc sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ, lưu thông nông sản trong nội huyện cũng như giữa huyện Chợ Mới với các huyện khác trong tỉnh. Nhu cầu thu mua giảm nên một số mặt hàng nông sản giá giảm sâu và khó tiêu thụ. Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các đoàn thể, cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn cập nhật hàng ngày các chủng loại, sản lượng nông sản khó khăn trong tiêu thụ để giới thiệu đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái xem xét đến thu mua, đồng thời báo cáo các Sở ngành tỉnh hỗ trợ kêu gọi đối tác tiêu thụ.

Đến nay, tỉnh đã ban hành các văn bản tạo thuận lợi trong việc đi lại, do đó việc sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản cơ bản có bước chuyển biến tích cực, giá cả nông sản ổn định và có tăng lên. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp, công ty kết nối tiêu thụ nông sản của huyện, cập nhật và báo cáo hàng ngày về tình hình sản xuất, tiêu thụ và nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các tổ phản ứng nhanh ở các xã, thị trấn để báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để được hỗ trợ kịp thời cho người dân.

10.2. Liên quan“Giá phân bón và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao ảnh hưởng đến đời sống người dân...”.

Trên địa bàn huyện có 10 cửa hàng Bách hóa xanh đã đăng ký Sở Công thương tỉnh An Giang thực hiện công tác bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân nhằm góp phần ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn lợi dụng tình hình dịch bệnh, mua gom hàng hóa để thực hiện đầu cơ, tăng giá bất hợp lý thu lợi bất chính trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp các ngành liên quan, Đội Quản lý Thị trường Số 5 thực hiện công tác tuyên truyền, giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, phân bón,...

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn theo dõi diễn biến tình hình thị trường, vận động, khuyến khích các hộ kinh doanh chủ động nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá, đảm bảo hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân trong tình hình hiện nay đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu (gạo, thực phẩm,….).

10.3. Vấn đề “hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như lao động tự do, thợ hồ, buôn bán nhỏ lẻ,... vẫn còn chậm. Dư luận mong ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền, có biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng”.

Thực hiện Kế hoạch số 437/KH-UBND Ngày 19/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch trên địa bàn tỉnh; theo đó, UBND huyện tập trung rà soát, thẩm định, lập danh sách người bán vé số lưu động trên địa bàn huyện. Đã chi xong kinh phí hỗ trợ người bán lẻ vé số lưu động cho 2.215/2.245 người với kinh phí 3.322,5 triệu đồng. Đối với kinh phí hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tư do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, huyện đã hỗ trợ cho người dân đạt 94,86% và đang tiếp tục triển khai thực hiện để người dân nhận được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. (Theo báo cáo số 2632/BC-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới, ngày 26/10/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

11. Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn
    
Một số trường hợp F0 thể nhẹ đang cách ly, điều trị tại Phòng khám nhân đạo huyện Tri Tôn (được UBND huyện quyết định trưng dụng làm khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19) rất bức xúc trước tình trạng bác sĩ được phân công phụ trách tại đây thờ ơ, không quan tâm đến bệnh nhân, nhiều ngày không vào thăm khám, hỏi thăm tình trạng sức khỏe bệnh nhân, thậm chí đứng ở ngoài hàng rào ném thuốc vào cho bệnh nhân, làm cho bệnh nhân rất bức xúc, phản ứng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Dư luận kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện và lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trên, quan tâm chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, để họ yên tâm điều trị bệnh.  

Nhận được thông tin phản ánh, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện xác minh, làm rõ. Qua xác minh được biết, Trung tâm Y tế huyện có phân công cho một bác sĩ phụ trách Khu điều trị F0 (Phòng khám nhân đạo huyện), qua làm việc với bác sĩ, do lần đầu nhận nhiệm vụ mới chưa có kinh nghiệm và số lượng bệnh nhân cần điều trị nhiều nên bị áp lực dẫn đến hành động không đúng mực, bác sĩ đã nhìn nhận khuyết điểm và xin khắc phục. Ban Giám đốc Trung tâm cũng đã họp bàn thống nhất phê bình nghiêm túc bác sĩ và tập thể Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, đề ra phương hướng khắc phục trong thời gian tới. (Theo báo cáo số 323/BC-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn, ngày 25/11/2021 về báo cáo phản hồi DLXH).

12. Bưu điện Thị xã Tân Châu

Dư luận người dân tại thị xã Tân Châu bức xúc việc cấp phát giấy căn cước công dân của Bưu điện các xã, phường, cho rằng trong quá trình làm thủ tục giấy căn cước công dân, bên phía Bưu điện có thu phí dịch vụ giao giấy căn cước công dân và cung cấp số điện thoại, khi nào có giấy sẽ liên hệ cấp phát, tuy nhiên, đến nay, việc cấp phát rất chậm trễ, còn tồn đọng ở bưu điện; đa số người dân phải đến Bưu điện xã, phường hoặc người làm dịch vụ cho Bưu điện để liên hệ tìm kiếm, lấy giấy căn cước công dân. Dư luận đề nghị ngành chức năng cần phối hợp, xem xét, chấn chỉnh kịp thời vấn đề này không chỉ tại địa bàn thị xã Tân Châu mà còn ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Nhận được phản ánh, Bưu điện thị xã Tân Châu có ý kiến trả lời như sau:

Từ tháng 8/2021 đến tháng 10/2021 Công an thị xã Tân Châu tiếp nhận từ Bộ Công an 77.707 thẻ CCCD, trong đó có đăng ký chuyển phát qua Bưu điện 58.760 thẻ CCCD, tuy nhiên trong thời gian dịch bệnh Công an Thị xã không phát được cho người dân vì tập trung phòng chống dịch, hạn chế người dân đến Công an Thị xã nhận CCCD, nên nhờ Bưu điện chuyển phát 18.947 thẻ CCCD không đăng ký chuyển phát qua Bưu điện.

Lãnh đạo Bưu điện Tân Châu đã thực hiện chỉ đạo của Bưu điện tỉnh, quán triệt, huy động tất cả nguồn lực, khắc phục khó khăn, từ khâu tiếp nhận đến phân chia khu vực tập trung phát nhanh nhất đến tay người dân.

Với số lượng CCCD cần phát rất lớn, cộng thêm dịch bệnh, phần CCCD không đăng ký chuyển qua Bưu điện thông tin phát không rõ ràng, không số điện thoại phải tìm kiếm, hỏi địa phương khóm/ấp nên Bưu điện chuyển khai phát CCCD đến người dân chưa kịp thời, một mặt vì bà con nôn nóng muốn nhận CCCD liền nên mới đến Bưu điện, Bưu cục xã nhận.

Đến nay công việc chuyển phát đã hoàn tất. Bưu điện Tân Châu rút kinh nghiệm về sau cho những đợt tiếp nhận phát CCCD và các thủ tục hành chính công ngày càng tốt hơn. (Theo phúc đáp số 10/PĐ-BĐTC của Bưu điện thị xã Tân Châu, ngày 23/12/2021).
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
40689652