Truy cập hiện tại

Đang có 83 khách và không thành viên đang online

Từ một chữ được lần đầu viết hoa trong Hiến pháp

Hiến pháp lần này viết hoa chữ Nhân dân và đã diễn đạt khái quát với tầm sâu về mối quan hệ hữu cơ giữa Nhà nước ta, Đảng ta với Nhân dân ta ở nhiều điểm trong Hiến pháp, nhất là ở Chương I về chế độ chính trị.
                                                                             
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992) đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28-1-2013, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới (Ảnh: VPQH)
Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới

Có rất nhiều điểm mới, cơ bản được sửa đổi, bổ sung trong các chương, mục, nhưng có một chữ lần đầu tiên được viết hoa trong Hiến pháp mới này – đó là chữ Nhân dân! Đây hoàn toàn không đơn thuần về mặt hình thức trình bày; càng không phải viết để “mị dân” như một số người xấu suy diễn, mà trên thực chất là sự thể hiện bước chuyển nhận thức toàn diện hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn của Đảng, Nhà nước ta về vai trò to lớn và sức mạnh vĩ đại của nhân dân ta trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn của ông cha ta, đã viết những điều chí lý: chế độ ta là chế độ dân chủ, do dân làm chủ; bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân… Việc gì có lợi cho dân thì nên làm; việc gì có hại cho dân thì nên tránh. Đề cập sức mạnh dời non lấp biển của nhân dân, Bác Hồ nhắc lại câu tổng kết của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình trong những năm chống Mỹ, cứu nước: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Kết thúc bài nói chuyện với các cán bộ chủ chốt về phương thức vận động, tập hợp quần chúng để thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bác Hồ căn dặn:
“Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

84 năm qua, kể từ ngày thành lập Đảng, dựa vào dân, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình giải phóng dân tộc và phát triển đất nước đã phát động nhiều phong trào cách mạng rộng lớn, huy động tối đa sự đóng góp sức người, sức của, tài năng, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, nhờ vậy cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Một trong năm bài học kinh nghiệm khi tổng kết 25 năm đổi mới, Đại hội X của Đảng nhấn mạnh vai trò to lớn của nhân dân trong việc đồng tình, ủng hộ và trực tiếp thực thi Cương lĩnh đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Song, điều đáng tiếc là, bài học “lấy dân làm gốc” chưa được thấm sâu vào đội ngũ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý từ Trung ương tới địa phương, do vậy, đã xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng tham nhũng, quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm trước những bức xúc, bất hạnh, thậm chí là oan trái của nhân dân. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm niềm tin vào Đảng và chế độ, trực tiếp triệt tiêu động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, gây ra những rào cản và sự trì trệ xã hội không đáng có…

Nhận thức sâu sắc thực trạng đó, Hiến pháp lần này viết hoa chữ Nhân dân và đã diễn đạt khái quát với tầm sâu về mối quan hệ hữu cơ giữa Nhà nước ta, Đảng ta với Nhân dân ta ở nhiều điểm trong Hiến pháp, nhất là ở Chương I về chế độ chính trị. Dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao khoản 2, Điều 4, ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Toàn bộ chữ Nhân dân ghi trong bản Hiến pháp này xuất phát từ cội nguồn nhận thức quan trọng đó.

Nhân dân ta đặt nhiều kỳ vọng vào những dòng trang trọng và thiêng liêng ấy với hy vọng Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống!./.

Hồng Vinh (BTGTW)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37019937