Truy cập hiện tại

Đang có 80 khách và không thành viên đang online

An Giang: Những kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội năm 2022

(TUAG)- Năm 2022, là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Trong bối cảnh tình hình chung của tỉnh còn khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh, sạt lở bờ sông… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh và chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang đã tích cực bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, tranh thủ được sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Công tác bảo trợ xã hội năm 2022 của tỉnh hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó, thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ đạt kết quả như sau:

Thực hiện chính sách trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng

Trong năm, toàn tỉnh thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho 95.947 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí trên 617 tỷ đồng. Trong đó, có 76.423 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng; hỗ trợ kinh phí chăm sóc cho 9.332 lượt đối tượng tại cộng đồng; tiếp nhận 471 lượt đối tượng vào nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội và hỗ trợ chi phí mai táng cho 9.721 trường hợp hộ gia đình/cá nhân/tổ chức mai táng cho đối tượng bảo trợ chết.

Chính sách về y tế: 100% đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng được cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí.  

Công tác trợ giúp đột xuất: Trong năm, toàn tỉnh thực hiện trợ giúp đột xuất cho 163 hộ gia đình gia đình/cá nhân bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, mưa giông, sạt lở..., kinh phí trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm tỉnh thực hiện trợ giúp xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho 172.312 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và hộ có đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng, với tổng kinh phí thực hiện 87,486 tỷ đồng.

Công tác quản lý, chi trả trợ cấp hàng tháng: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Bưu điện tỉnh tổ chức chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và mai táng phí cho 95.476 đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí trên 611 tỷ đồng.

Công tác quản lý, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội: Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 07 cơ sở trợ giúp xã hội: 02 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang; Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang); 01 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc UBND thành phố Châu Đốc (Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Châu Đốc); 02 cơ sở trợ giúp xã hội trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh (Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn thành phố Long Xuyên; Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi Châu Đốc) và 02 cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (Cơ sở trợ giúp xã hội Phan Thị Kim Sáng và Cơ sở trợ giúp xã hội Chùa Bửu Ân). Các cơ sở này đã tiếp nhận và nuôi dưỡng trên 471 đối tượng là trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng…, kinh phí trên 6 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ chi phí mai táng cho 50 đối tượng chết, kinh phí 900 triệu). Riêng, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận và nuôi dưỡng trên 324 lượt đối tượng, kinh phí trên 4 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách đối với người cao tuổi:

Tỉnh An Giang có khoảng  269.000 người người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên, chiếm 14,08 % trên tổng dân số toàn tỉnh (1.909.506 dân, theo số liệu của điều tra dân số trung bình của Cục Thống kê tỉnh năm 2021). Trong đó nhóm tuổi: từ 80 tuổi trở lên 38.669 người; đủ 90 tuổi là 1.377 người; đủ 100 tuổi là 88 người.

Trong năm, tỉnh thực hiện trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho trên 48.825 người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, kinh phí chi trả trên 307 tỷ đồng; tổ chức chúc thọ cho 29.419 lượt người cao tuổi, kinh phí trên 23 tỷ đồng. Hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho người cao tuổi được các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Tính đến cuối năm 2022 có 416 câu lạc bộ văn hóa, thể dục, thể thao dành cho người cao tuổi và có trên 7.740 người cao tuổi tham gia (trong đó có 29 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, có trên 1.430 người cao tuổi tham gia sinh hoạt).

Thực hiện chính sách đối với người khuyết tật:

Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 44.968 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội (khuyết tật đặc biệt nặng là 9.497 người, khuyết tật nặng 35.471 người), kinh phí thực hiện 355 tỷ đồng; hỗ trợ 40 chiếc xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, kinh phí trên 75 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí cho 04 lượt người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí thuộc hộ gia đình khó khăn, nghèo đi điều trị duy trì phục hồi chức năng, kinh phí trên 19 triệu đồng (từ “Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh An Giang; Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh An Giang).

Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể và các tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh cũng quan tâm chăm lo cho người khuyết tật, cụ thể như: Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh An Giang đã vận động hỗ trợ 608 xe lăn, xe lắc và khung tập đi với số tiền trên 1.596 triệu đồng cho người khuyết tật để làm phương tiện đi lại, kiếm sống hàng ngày; Hội nạn Nhân chất độc màu da cam/dioxin, Hội Người mù cũng rất chú trọng đến công tác chăm lo đời sống cho người khuyết tật. Các Hội này vận động và hỗ trợ trên 1.618 phần quà và tiền mặt cho người khuyết tật với số tiền trên 982 triệu đồng/năm.

Trong năm 2023, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội do Chính phủ và UBND tỉnh đã ban hành. Đảm bảo tất cả đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật… được trợ cấp thường xuyên đầy đủ kịp thời đúng theo quy định; tổ chức cứu trợ kịp thời cho các đối tượng, khó khăn khi có thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh xảy ra. Đảm bảo 100% đối tượng BTXH được: trợ cấp xã hội hàng tháng đầy đủ và đúng đúng thời gian quy định; cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; trợ giúp kịp thời khi gặp thiên tai, hỏa hỏa, dịch bệnh...  Tổ chức thực hiện đầy đủ các chương trình, dự án, kế hoạch thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội đã được ban hành.

Để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu trên trong năm 2023, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Đảm bảo trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng yếu thế. Thực hiện cứu trợ đột xuất kịp thời và hiệu quả. Tiếp tục rà soát bổ sung các đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của Chính phủ, phân bổ kinh phí kịp thời cho các địa phương chi trả cho đối tượng.
Đồng thời tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách bảo trợ xã hội cấp cơ sở nhằm nâng cao năng lực chuyên môn để tiếp cận kịp thời các chính sách mới ban hành. Thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án: Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau năm 2023; Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai năm 2023 trên địa bàn tỉnh An Giang; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2023 trên địa bàn tỉnh An Giang...

Bên cạnh đó, rà soát cập nhật, theo dõi việc trợ cấp thường xuyên, hỗ trợ giáo dục, cấp thẻ BHYT.., cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định; triển khai việc kết nối, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội và hệ thống thông tin quản lý BTXH và giảm nghèo với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh./.

Nguyễn Hùng
_________
Nguồn: Báo cáo số 149/BC-SLĐTBXH
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36726578