Điều tra nắm bắt dư luận xã hội - nhiệm vụ quan trọng của công tác Tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay
- Được đăng: Thứ ba, 30 Tháng 12 2014 13:28
- Lượt xem: 11698
(TGAG)- Công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần rất quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nói chung và nhiệm vụ công tác Tuyên giáo nói riêng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Lấy ý kiến nhân dân tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu.
Trong nhiều năm qua, thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang thường xuyên tổ chức nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội để nắm bắt, phân tích tổng hợp những diễn biến tư tưởng và dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và những vấn đề chính trị, xã hội mang tính thời sự, bức xúc trên địa bàn, từ đó đề xuất các giải pháp, biện pháp nhằm định hướng dư luận xã hội một cách đúng đắn, kịp thời.
Thời gian qua, công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Có được kết quả đó là nhờ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chú trọng việc nắm bắt tâm trạng, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân qua công tác điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội; chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề nảy sinh về tư tưởng; tăng cường đấu tranh phản bác và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của Thường trực Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức thực hiện.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội nên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã từng bước tổ chức, kiện toàn và xây dựng mạng lưới nắm dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, đặc biệt là thường xuyên tổ chức định hướng, hướng dẫn các biện pháp nắm bắt và phản ánh DLXH cũng như định hướng DLXH trong toàn ngành do đó việc theo dõi, nắm bắt và phản ánh DLXH đã từng bước đi vào nề nếp, phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác tham mưu, định hướng dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các cuộc điều tra, nắm bắt dư luận xã hội về những vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của người dân. Từ năm 2007 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức hàng chục cuộc điều tra xã hội học với hàng ngàn phiếu điều tra trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt là tổ chức điều tra thành công về Chương trình “Cải cách hành chính nhà nước” trên địa bàn tỉnh - vấn đề được nhiều người dân quan tâm, góp phần tích cực vào công tác phân tích nguyên nhân, nhận định, đánh giá tình hình, đề xuất các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tăng cường cải cách thủ thủ tục hành chính. Trong năm 2013, Ban cũng đã triển khai điều tra về tình hình và kết quả sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Qua tổng hợp, phân tích kết quả thu nhận được từ cuộc điều tra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp để tham mưu góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đã đề ra… Các mẫu phiếu điều tra được thiết lập một cách khoa học, hướng vào từng chủ đề cụ thể và triển khai phù hợp cho từng đối tượng. Phương pháp tổng hợp và xử lý số liệu cũng được xử lý số hóa theo các chương trình hiện đại, bằng phần mềm SPSS. Kết quả xử lý, tổng hợp mẫu điều tra đảm bảo các số liệu thu được mang tính lượng hóa cao và điển hình cho những đánh giá của các tầng lớp nhân dân.
Ngoài nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội thông qua các cuộc điều tra xã hội học, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã tăng cường nắm bắt DLXH thông qua hệ thống tuyên giáo các cấp; các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể; đặc biệt là thông qua hệ thống thông tin đại chúng và lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở… Trên cơ sở đó, hằng tháng đều có báo cáo tổng hợp phản ánh tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội phục vụ Hội nghị định hướng công tác tuyên truyền…
Cùng với công tác điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội và hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng rất quan tâm thực hiện các biện pháp công tác tư tưởng khác, như tăng cường công tác thông tin định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua việc tổ chức các hội nghị báo cáo viên, giao ban công tác tuyên giáo định kỳ và đột xuất; thông qua các bản tin định kỳ như Thông tin Công tác tư tưởng; Thông tin chuyên đề... để thông tin tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách lớn, những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế đang được dư luận quan tâm nhằm giúp các địa phương, đơn vị và đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp chủ động trong tham mưu định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Thông qua phát huy hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp đã góp phần quan trọng trong định hướng tư tưởng, giải thích thông suốt dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời tăng cường thực hiện sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhờ đó đã tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng, dư luận xã hội nảy sinh ngay trong từng chủ trương, chính sách, dự án và ngay từ cơ sở.
Tuy đã đạt được những kết quả như trên, song công tác nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: việc nắm bắt tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân và dự báo tình hình chưa kịp thời, chưa đi vào nền nếp, nhất là thực hiện chế độ về giao ban, báo cáo, phản ánh và dự báo dư luận xã hội chưa đầy đủ, chính xác, thông tin thu được còn chậm; chưa có cơ chế và chính sách hợp lý cho hoạt động của đội ngũ cộng tác viên cơ sở nên chưa phát huy được hiệu quả hoạt động… Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu dư luận xã hội còn thiếu và yếu. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác nghiên cứu, nắm bắt và phản ánh DLXH…
Xuất phát từ yêu cầu thực tế tình hình hiện nay, các cấp uỷ Đảng cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH, đưa hoạt động nghiên cứu, nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để góp phần nghiên cứu, đề xuất các biện pháp định hướng và hình thành dư luận xã hội tích cực, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phước Hòa