Truy cập hiện tại

Đang có 137 khách và không thành viên đang online

Một số kết quả về công tác nhân quyền của tỉnh thời gian qua

(TGAG)- Những năm qua, nước ta đã có nhiều thành tựu lớn trong công tác đấu tranh, bảo vệ quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhìn lại những thành tựu quan trọng của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền, có thể khẳng định, ở nước ta hiện nay các quyền của con người được phát huy và bảo đảm vững chắc bởi các thể chế Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Một trong những bước phát triển lớn nhất là những quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 với 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Nội dung của các điều luật này đã nêu được hầu hết các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được ghi nhận trong Luật Nhân quyền quốc tế. Đồng thời, Quốc hội thông qua nhiều bộ luật và các luật, trong đó có những bộ luật lớn trực tiếp bảo đảm các quyền con người như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Trẻ em, Luật Tín ngưỡng tôn giáo...

Đối với An Giang, xác định công tác đấu tranh, bảo vệ nhân quyền là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để thực hiện tốt công tác nhân quyền, cấp ủy, chính quyền các cấp đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình hành động, kế hoạch, đề án, chỉ thị, nghị quyết từ Trung ương đến địa phương phục vụ tốt cho công tác nhân quyền trong tỉnh, đặc biệt là việc ban hành Kế hoạch số 06-KH/TU, ngày 24/01/2011 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số số 44-CT/TW, ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Định kỳ hằng quý, năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức họp mặt với đại diện nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo, Việt kiều... để thông tin tình hình kinh tế xã hội, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Toàn tỉnh luôn thực hiện đầy đủ các chính sách đối với dân tộc, tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con các dân tộc, tín đồ tôn giáo tham gia sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo theo đúng pháp luật; được hưởng các chế độ, chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách an sinh xã hội, được vay vốn tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo... Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thường xuyên được quan tâm thực hiện. Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung thực hiện chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế -xã hội của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao rõ nét đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc, tôn giáo như Chương trình 134, 135, Quyết định 167 và nhiều chương trình có hiệu quả khác, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc giảm qua từng năm (cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 5.950 hộ, chiếm 22,70% đến năm 2015 còn 3.237 hộ, tỷ lệ 11,55%); đặc biệt, tỉnh không còn hộ đói, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc cũng luôn được quan tâm. Bản sắc văn hóa của các dân tộc được bảo tồn, phát huy, hầu hết các cơ sở thờ tự đều được hỗ trợ kinh phí trùng tu, sửa chữa; các hoạt động sinh hoạt, học tập theo phong tục tập quán, tín ngưỡng được tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi; các lễ hội dân tộc, tôn giáo truyền thống được tổ chức thường xuyên, trở thành ngày hội thật sự, tạo nên nét văn hóa đặc trưng, đa dạng, phong phú; đem lại không khí vui tươi, phấn khởi trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức tốt việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng, chống tội phạm mua bán người, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em; thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em, công tác bình đẳng giới; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách về lao động - việc làm - dạy nghề; công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công cách mạng, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ... qua đó tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được thực hiện các quyền cơ bản của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Trong thời gian qua, thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch luôn lợi dụng các vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc... để xuyên tạc, vu khống, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt từ sau năm 1991 đến nay, lợi dụng sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch ngày càng gia tăng sử dụng các vấn đề trên để chống phá, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN, hướng nước ta đi theo chế độ tư bản chủ nghĩa. Với những thành tựu đã đạt được của công tác nhân quyền thời gian qua, đã minh chứng, phản bác lại sự xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền để thực hiện ý đồ chống phá.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác nhân quyền trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần phải luôn quan tâm, tăng cường thực hiện công tác bảo vệ nhân quyền; nâng cao nhận thức của nội bộ và nhân dân để tăng cường đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, phản bác, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền để vu khống, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta./.

THANH KHOA
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40006539