Truy cập hiện tại

Đang có 693 khách và không thành viên đang online

Góp phần nâng cao chất lượng công tác nắm bắt dư luận xã hội

 
(TGAG)- Nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 41-CT/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác nghiên cứu dư luận xã hội”
 

và xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu dư luận xã hội của Đảng bộ tỉnh trước yêu cầu mới” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội, góp phần tăng cường sức chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả của công tác tư tưởng trong tình hình mới.
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo nắm bắt dư luận xã hội, đưa công tác này trở thành nhiệm vụ thường xuyên. Việc nắm và phản ánh dư luận xã hội được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất, thông qua hệ thống đội ngũ cộng tác viên. Qua đó tiến hành thu thập, xử lý thông tin về tâm trạng, thái độ, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trước những vấn đề xã hội; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý trên phương diện khoa học và thực tiễn.

Các cấp ủy Đảng tăng cường củng cố mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội và thành lập Tổ Nghiên cứu Dư luận xã hội cấp huyện có từ 20 đến 30 thành viên, do Phó trưởng Ban Tuyên giáo làm tổ trưởng; cấp xã có từ 10 đến 15 đồng chí, do Trưởng ban Tuyên giáo làm tổ trưởng. Nhiều đơn vị, địa phương đã tổ chức được các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên; qua đó góp phần nâng cao nhận thức và những kỹ năng cơ bản trong việc nắm bắt dư luận xã hội, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, kịp thời giải quyết những vấn đề đặt ra.

Định kỳ hằng quý, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức điều tra xã hội học nhất là việc sơ tổng kết các chủ trương mới của tỉnh và các vấn đề mà nhân dân quan tâm. Từ năm 2010 đến nay, đã tổ chức 19 cuộc điều tra xã hội học; phối hợp thực hiện 12 cuộc điều tra xã hội học; hỗ trợ tốt về chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, phối hợp với Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội Trung ương triển khai nhiều đợt điều tra xã hội học với nội dung, chủ đề khác nhau. Kết quả điều tra xã hội học luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng. Đó là cơ sở, là căn cứ quan trọng để cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Công tác nắm bắt dư luận xã hội đã trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng phục vụ tốt công tác định hướng tư tưởng; phòng ngừa và xử lý các điểm nóng xã hội; hình thành dư luận xã hội tích cực; tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tham mưu cấp ủy trong công tác tuyên truyền và phản tuyên truyền, xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề nảy sinh về tư tưởng; tăng cường đấu tranh phản bác và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, công tác nắm bắt dư luận xã hội ở một số nơi chưa được cấp ủy quan tâm đúng mức; việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chưa được thường xuyên; việc xây dựng, củng cố kiện toàn mạng lưới cộng tác viên còn chậm; công tác phản ánh dư luận xã hội ở cơ sở chưa đầy đủ và toàn diện; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội còn hạn chế.

Những hạn chế, yếu kém trong công tác dư luận xã hội có nhiều nguyên nhân, trong đó, có những nguyên nhân chủ quan như: một số nơi cấp ủy chưa quan tâm đúng mức, còn giao khoán cho ngành Tuyên giáo; thành viên của Tổ Nghiên cứu Dư luận xã hội chủ yếu là kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực dự báo, phản biện xã hội trong nghiên cứu, nắm dư luận xã hội còn hạn chế; lực lượng cộng tác viên không ổn định, thiếu và yếu về năng lực trình độ; chế độ chính sách trợ cấp, kinh phí hoạt động của lực lượng cộng tác viên ở cơ sở còn hạn chế...

Nhìn lại kết quả đạt được và tồn tại hạn chế để từ đó có cách nhìn mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội. Các cấp ủy Đảng phải nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác nghiên cứu dư luận xã hội, từ đó có kế hoạch chỉ đạo việc xây dựng lực lượng cộng tác viên đủ về số lượng và nâng cao chất lượng. Đảm bảo chế độ chính sách, chế độ ưu đãi, tiền lương, kinh phí hoạt động cho lực lượng công tác nghiên cứu dư luận xã hội ở cơ sở. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức kịp thời cho lực lượng cộng tác viên nghiên cứu dư luận xã hội để làm tốt công tác nghiên cứu phản biện xã hội ở cơ sở. Thường xuyên củng cố, nâng chất tổ chức bộ máy và đổi mới phương thức hoạt động của đội ngũ cộng tác viên nghiên cứu dư luận xã hội ở cơ sở. Lực lượng cộng tác viên cần đi sâu, đi sát vào đời sống nhân dân để phản ánh đúng thực chất tình hình, kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo thực hiện các giải pháp định hướng tốt tư tưởng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh.

Trúc Hồ

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36707693