Truy cập hiện tại

Đang có 68 khách và không thành viên đang online

Nghiêm trị sự xuyên tạc về tự do ngôn luận

(TUAG)- Do mang dã tâm chống phá mù quáng, Nguyên Anh đã cho đăng bài viết “Ngón nghề của Đảng: Tung hỏa mù định hướng dư luận” nhằm xuyên tạc quyền được thông tin và tự do tiếp cận thông tin của người dân ở nước ta. Hắn cho rằng, Đảng luôn “ngăn chặn người dân tiếp cận được luồng thông tin chính thống từ nước ngoài, nếu có đưa tin về những sự kiện thế giới cũng đều được kiểm duyệt và phát ra thông tin một chiều nhằm có lợi cho Đảng”.

Đây là sự vu khống trắng trợn!

Tháng 12/1920 tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận…; chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm…, bọn thực dân tìm mọi cách để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng rượu”. Vì thế, sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, trong Chương trình Việt Minh, Người đã chủ trương: “Ban bố các quyền tự do dân chủ cho Nhân dân: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản,…”. Và khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hiến pháp 1946 đã nói rõ: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản,… ”. Gần đây nhất, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin”.

Cả nước đang có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động, 258 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình với hơn 75 kênh truyền hình nước ngoài, cung cấp đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… Hiện hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi.
Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển Internet hàng đầu khu vực. Qua Internet, người dân có thể tiếp cận thông tin của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới. Riêng Facebook: Năm 2020 có khoảng 69.280.000 người dùng, chiếm 70,1% toàn bộ dân số, so với năm 2019 đã tăng 53,3%, xếp thứ 7 trên thế giới (chỉ sau Ấn độ – Mỹ – Indonesia – Brazil – Mexico – Philippine).

Từ năm 1977, sau khi trở thành thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam đã từng bước tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người; đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Việt Nam: “Thừa nhận rằng, theo Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người thì chỉ có thể đạt được lý tưởng về con người tự do không phải chịu sợ hãi và thiếu thốn, nếu tạo được những điều kiện để mỗi người có thể hưởng các quyền dân sự và chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội văn hoá của mình”…

Vì lẽ đó nên Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009), thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 - 2016), thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội (nhiệm kỳ 2016  - 2018), thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (nhiệm kỳ 2015 - 2019). Tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam nhận được 192/193 phiếu ủng hộ (vượt xa mốc tối thiểu là 129 phiếu) trúng cử vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020  - 2021. Đây chính là những sự khẳng định mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về kết quả thực hiện quyền tự do dân chủ nói chung, tự do ngôn luận nói riêng ở nước ta.

Chỉ có ai thiếu lương tri mới bịa đặt, vu cáo về việc hạn chế quyền được thông tin và tự do tiếp cận thông tin ở Việt Nam. Những tổ chức, cá nhân nào lợi dụng dân chủ để xuyên tạc phải bị lên án và xử lý nghiêm minh./.
                            
Sự thật
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39942325