Truy cập hiện tại

Đang có 122 khách và không thành viên đang online

Chuyên mục bầu cử

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và công tác bầu cử

(TUAG)- Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), một trong những công việc khẩn cấp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ phải tập trung giải quyết “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, Tập 4, tr 8).



“... Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ: tự do, phổ thông, bỏ phiếu kín... Vì vậy, Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam...”. (Lời phát biểu tại Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I, kỳ họp thứ 6 - Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, Tập 8, tr287 - 289).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội càng nhiều cử tri tham gia bỏ phiếu càng tốt. Trong một số bài viết trước ngày tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 6-1-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”, “Hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử”; “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết”.

Năm 1953 trong các bài viết về “Thường thức chính trị” đăng trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đề cập đến vấn đề quyền bầu cử của nhân dân. Người viết: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về việc mở rộng cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc củng cố chính quyền nhân dân. Quan niệm đó một mặt vẫn giữ được bản chất giai cấp của Nhà nước ta là Nhà nước của giai cấp công nhân, mặt khác, đáp ứng được yêu cầu của Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đó là phải thực hiện đại đoàn kết dân tộc để chống thù trong giặc ngoài, thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Do có những quan niệm đúng đắn về vấn đề bầu cử của Hồ Chí Minh và dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên (khóa I) ngày 6-1-1946 đã có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Có thể nói, việc thành lập Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là kết quả tất yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề quyền lực thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước của Quốc hội không phải tự Quốc hội định ra cho mình mà là do nhân dân ủy quyền.

Trong hoàn cảnh thực dân Pháp đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và sự chống đối của các thế lực thù địch ngày càng gia tăng ở miền Bắc thì kết quả của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên thật là một kỳ tích, khẳng định được sức mạnh to lớn của chính quyền nhân dân.



* Quốc hội đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân và quyết định những công việc quan trọng nhất


Trong Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I đọc ngày 18-12-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tính chất Nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp. Những vấn đề này không chỉ là lý luận mà còn được đúc kết từ thực tiễn những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, kiểm nghiệm về tính chất của một số nghị viện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội mà không có thực quyền thì không thể đại diện cho Nhân dân.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Quốc hội chỉ có thể phát huy được vai trò của một thiết chế dân chủ khi nó có thực quyền và mới đại diện cho lợi ích cho nhân dân, của một nước có độc lập. Do đó để có được một Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân, thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Theo Người “... Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương.

... Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, Tập 9, tr 586, 590 - 591).

Quan niệm Quốc hội quyết định những công việc quan trọng nhất của Nhà nước một mặt đề cao vai trò của Quốc hội, mặt khác cho thấy nhân dân còn có thể thực hiện quyền lực của mình thông qua các thiết chế chính trị khác. Trong rất nhiều tác phẩm, bài viết khi điểm lại những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cập đến vai trò của Đảng - Quốc hội - Chính phủ - Mặt trận như một thể thống nhất.

Quan điểm “Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước” cho thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh việc xác định địa vị pháp lý của Quốc hội có phần nổi trội hơn so với các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước. Mặt khác, quan niệm này cũng nói lên rằng: Quyền lực Nhà nước muốn được thực hiện tốt phải có sự phân công. Quốc hội không thể làm tất cả mà chỉ quyết định những vấn đề quan trọng nhất. Những vấn đề quan trọng khác của địa phương thì do cơ quan có thẩm quyền của địa phương quyết định. Quan niệm Quốc hội là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước có ý nghĩa to lớn về lý luận và thực tiễn. Một là, Quốc hội không bị sa đà tranh luận giải quyết những vấn đề cụ thể; Hai là, Quốc hội không thể là cơ quan tập trung toàn bộ quyền lực. Tập trung toàn bộ quyền lực vào một cơ quan hay một cá nhân là điều không có trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hoạt động lập pháp là một trong những công việc quan trọng nhất của mỗi đất nước. Mỗi bước phát triển trong hoạt động lập pháp là sự thể hiện bước phát triển của chế độ. Điều đó lý giải vì sao, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vai trò của Quốc hội trong việc làm Hiến pháp và làm luật. Chính Người đã nhận xét là sau khi thông qua Hiến pháp 1946, “Quốc hội đã thu được kết quả làm vẻ vang cho đất nước”. Đánh giá ý nghĩa của Luật cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “vì đạo luật cách mạng đó mà đồng bào nông dân sẽ đời đời ghi nhớ sự nghiệp to lớn của Quốc hội”. Khi viết bài “Quốc hội ta vĩ đại thật” đăng trên báo Nhân dân ngày 10-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Những việc quan trọng nhất Quốc hội khóa I đã làm là: tuyên bố kháng chiến cứu nước, thông qua Luật cải cách ruộng đất, thông qua Hiến pháp mới”. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh vấn đề lập hiến, lập pháp luôn luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quốc hội.

Bên cạnh chức năng lập pháp, trong nhiều tác phẩm, bài viết, bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập tới những công việc Quốc hội đã làm như thông qua ngân sách, thông qua kế hoạch Nhà nước. Đặc biệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề nghị Quốc hội ra các tuyên bố chính trị biểu dương thành tích to lớn của quân dân hai miền Nam - Bắc. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội còn là một diễn đàn chính trị thể hiện ý chí thống nhất quyết tâm giành độc lập tự do không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam.

Trong mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ, người đứng đầu Nhà nước cũng phải do Quốc hội bầu ra. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ và những cá nhân khác giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước luôn luôn phải có sự tín nhiệm từ phía Quốc hội và chịu sự kiểm soát của Quốc hội.

* Đại biểu Quốc hội phải là người có đức, có tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình của thế giới từ cách mạng tư sản châu Âu, châu Mỹ đến Cách mạng tháng Mười Nga. Vì vậy, Người rất hiểu vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng nói chung và vai trò của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nói riêng. ĐBQH là chủ thể giữ vai trò then chốt nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong việc thực hiện quyền lực nhà nước của Quốc hội - cũng tức là thực hiện quyền lực do nhân dân uỷ quyền bằng một cuộc bầu cử trực tiếp.

Về tiêu chuẩn của người ĐBQH Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nêu rất cô đọng mà đầy đủ các đặc điểm cần và đủ của người cán bộ cách mạng: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, Tập 1, tr.438). Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi ích chung, quên lợi riêng”; "Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.

Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, ĐBQH còn phải là người “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”. Sau này, trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II, Hồ Chí Minh nên rõ hơn về phẩm chất của người ĐBQH: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, Tập 10, tr.177).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Quốc hội thể hiện sự vận dụng sáng tạo các quan điểm của nhà dân chủ kinh điển và các nhà mácxít kinh điển vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Những luận điểm của Người là ngọn đuốc soi sáng con đường đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng./.

H.B
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
40535669