Truy cập hiện tại

Đang có 224 khách và không thành viên đang online

Công tác nội chính

An Giang: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

Mười năm qua, các cấp ủy đảng, các ngành tỉnh An Giang đã tổ chức quán triệt cho 1.505 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” thông qua các buổi họp giao ban, họp đảng bộ, chi bộ, sinh hoạt Ngày Pháp luật… Qua triển khai thực hiện, đã kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo trong công tác quản lý điều hành, kịp thời đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi và thay thế.
 
    Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh có chuyển biến tích cực, thiết thực, thể chế hóa đầy đủ các văn bản của Trung ương và Tỉnh ủy. Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 13.138 văn bản (12.372 nghị quyết, 597 quyết định, 169 chỉ thị). Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao chất lượng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và bám sát định hướng chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý xã hội,  giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hội nhập kinh tế quốc tế.
 
    Trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp được đảm bảo đúng quy định; chất lượng thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh nhiều đối tượng, lĩnh vực phức tạp như an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bồi thường hỗ trợ tái định cư… đều được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và được tổ chức thẩm định, khảo sát thực tế ngay từ ban đầu xây dựng dự thảo. Qua đó, hạn chế sai sót và vi phạm thủ tục ban hành văn bản, không xảy ra tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây phản ứng. 
 
    Sở Tư pháp đã tổ chức rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh với 905 văn bản gồm 157 nghị quyết, 594 quyết định, 154 chỉ thị. Năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiến hành tổng rà soát văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành từ năm 1977 đến năm 2014. Đã ban hành danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực 246 văn bản (55 nghị quyết, 126 quyết định, 65 chỉ thị); sửa đổi, bổ sung, thay thế 154 văn bản (20 nghị quyết, 119 quyết định, 15 chỉ thị); bãi bỏ 13 văn bản (01 nghị quyết, 06 nghị quyết, 62 quyết định, 11 chỉ thị); văn bản hết hiệu lực một phần 12 văn bản (02 nghị quyết, 10 quyết định).
 
    Việc áp dụng văn bản pháp luật của cán bộ, công chức các ngành với chất lượng được nâng lên rõ rệt, các văn bản đã được cán bộ, công chức nghiên cứu, nắm bắt những nội dung cơ bản và được áp dụng vào công tác chuyên môn. Trong quá trình xử lý công việc chuyên môn, cán bộ, công chức, viên chức đã cụ thể hoá những chủ trương, quy định của các văn bản có liên quan để đề xuất phương hướng xử lý, góp phần loại bỏ được những quy định lỗi thời, mâu thuẫn hoặc đề xuất bổ sung, sửa đổi kịp thời những văn bản bất cập.
 
    Ngành Tòa án có số lượng biên chế là 292 người, trong đó thẩm phán 120 đồng chí; thư ký, thẩm tra viên là 143 đồng chí. So với năm 2005 tăng 48 thẩm phán, 81 thư ký và thẩm tra viên. Về chuyên môn hiện có 07 thẩm phán có trình độ thạc sĩ luật (tăng 07 so với năm 2005); 252 thẩm phán có trình độ cử nhân luật (tăng 144 đồng chí so với năm 2005); cử nhân chính trị 16 đồng chí, cao cấp lý luận chính trị 37 đồng chí (tăng 03 đồng chí so với năm 2005), trung cấp lý luận chính trị 54 đồng chí (tăng 27 đồng chí).
 
    Tổng số kiểm sát viên hai cấp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang là 115 kiểm sát viên (trung cấp 42 và sơ cấp 73). Về trình độ độ nghiệp vụ, lý luận chính trị của lực lượng kiểm sát viên hai cấp, năm 2005 chỉ có 56,82% kiểm sát viên có trình độ cử nhân luật, đến nay có 100% kiểm sát viên có trình độ cử nhân luật trở lên (04 thạc sỹ luật, 111 cử nhân luật); 106/115 Kiểm sát viên hai cấp có trình độ cử nhân, cao cấp, trung cấp chính trị (38 cử nhân, cao cấp và 68 đồng chí trung cấp).
 
    Tổng biên chế của cơ quan điều tra là 535 cán bộ, chiến sĩ, trong đó: có 38 đồng chí là thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, 147 điều tra viên, 96 cán bộ điều tra, 171 cán bộ trinh sát và 83 cán bộ giữ các chức danh khác. Về bậc điều tra viên hiện có: 05 đồng chí là điều tra viên cao cấp, 56 đồng chí là điều tra viên trung cấp và 87 đồng chí là điều tra viên sơ cấp. Về trình độ nghiệp vụ công an: có 89 đồng chí có trình độ đại học trở lên, 39 đồng chí có trình độ cao đẳng, trung cấp, 19 đồng chí có trình độ đại học ngoài ngành và 04 đồng chí có trình độ cao đẳng, trung cấp ngoài ngành.
 
    Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành văn bản đôi lúc còn chậm, chất lượng một số văn bản chưa cao, chưa sát với thực tiễn; một số văn bản sau khi ban hành đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bị bãi bỏ. Hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phong phú, sinh động; chưa sát và phù hợp với nhận thức của quần chúng nhân dân. Đội ngũ cán bộ tư pháp ở hầu hết các cấp còn thiếu về số lượng, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, năng lực một bộ phận cán bộ có chức danh tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình hiện nay. Một số bộ phận còn biểu hiện quan liêu, hách dịch, sa sút về phẩm chất, vi phạm pháp luật. Cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng và thực thi pháp luật ở các cơ quan tư pháp.
 
    Từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 48, tỉnh An Giang kiến nghị các cơ quan Tư pháp Trung ương sớm có định hướng về mô hình tổ chức, bộ máy và hoạt động của toà án, viện kiểm sát nhân dân và sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật tổ chức thực hiện và hệ thống pháp luật hình sự, dân sự... đồng bộ đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp. Đề nghị tăng kinh phí đảm bảo cho hoạt động xét xử của cả hai ngành Tòa án và Kiểm sát. Có chính sách đãi ngộ và cải cách tiền lương, các chế độ chi đặc thù cho ngành Tư pháp. Có chính sách thu hút đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần cải tiến, nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kiểm sát viên chuyên sâu trên các lĩnh vực nghiệp vụ, nhất là lĩnh vực tội phạm mới phát sinh. Trước mắt, đào tạo đối với lớp nghiệp vụ kiểm sát viên và bồi dưỡng đối với kiểm sát viên nghiệp vụ về kỹ năng hùng biện và tranh tụng tại phiên tòa. Cần đổi mới và cải cách về quy trình bổ nhiệm, tái bổ nhiệm các chức danh tư pháp (nhất là đối với đội ngũ thẩm phán), do quy trình hiện tại kéo dài và gây khó khăn cho việc kiện toàn đội ngũ chức danh tư pháp. Cần có những quy định cụ thể về chính sách đãi ngộ, kinh phí hoạt động cho các đoàn hội thẩm nhân dân và các vị hội thẩm. Kiến nghị Bộ Tư pháp phân cấp cho Cục Thi hành án dân sự về: công tác tiếp nhận, điều động, tuyển dụng, luân chuyển nhằm đảm bảo tính chủ động trong công tác tổ chức cho cơ quan thi hành án. Công tác khám nghiệm hiện trường tử thi còn chậm do phụ thuộc vào giám định viên pháp y, trong khi đó giám định viên pháp y chỉ tổ chức ở cấp tỉnh, số lượng lại ít không đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, đề nghị cho thành lập các bộ phận giám định viên pháp y khu vực hoặc ở cấp huyện. Hoạt động của cơ quan điều tra theo mô hình tổ chức điều tra hình sự 2004 như hiện nay chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, kiến nghị cơ quan Trung ương cần thay đổi mô hình tổ chức hệ thống cơ quan điều tra trong lực lượng công an nhân dân theo hướng chuyên trách ở cả các cấp.

Phan Xuân Quí
(Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang)
Nguồn: noichinh.vn
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36709310