Công tác dân vận - mặt trận - đoàn thể
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ làm đòn bẩy để An Giang phát triển
- Được đăng: Thứ tư, 23 Tháng 9 2015 14:02
- Lượt xem: 11378
Hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020”
(TGAG)- Là tỉnh nông nghiệp, muốn phát triển bền vững, giải pháp tối ưu nhất là phải dựa trên sự phát triển và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ mà đặc biệt là ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống. Xây dựng nền tảng phát triển nông nghiệp hiện đại, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu.Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đánh giá: Trong nhiệm kỳ 2010-2015, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ đóng góp tích cực cho phát triển sản xuất. Các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến được doanh nghiệp đưa vào áp dụng, thực hiện, nhất là các tiêu chuẩn quốc tế.
Dự thảo báo cáo xác định, trong nhiệm kỳ 2015-2020, với mục tiêu phát huy vai trò của khoa học và công nghệ, xem khoa học và công nghệ là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Trong đó, khâu đột phá là đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Xây dựng chiến lược thị trường nội địa và xuất khẩu cho hai sản phẩm chủ lực và các sản phẩm lợi thế của tỉnh.
Để làm được điều này, tỉnh xác định nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới là phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho khoa học - công nghệ thực sự là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Chú trọng phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch với quy mô công nghiệp. Tăng cường hàm lượng khoa học - công nghệ trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo nhiều sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, dược liệu; khuyến khích phát triển các loại hình công nghiệp chế biến có hàm lượng khoa học, công nghệ nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đều qua chế biến trước khi ra thị trường. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn và tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề của địa phương.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, công nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chuyển từ tư duy phát triển theo diện tích, năng suất, sản lượng sang tư duy về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất, từ đó cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp theo thị trường và lợi thế so sánh theo nội dung Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Tập trung 04 nhóm sản phẩm chiến lược của tỉnh là gạo, cá, rau màu và cây dược liệu, trong đó, cấu trúc lại cây lúa, con cá để thích ứng với thị trường. Xây dựng trung tâm giống lúa, cá, rau màu tầm khu vực.
Tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp, các trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, khu (vùng) nông nghiệp công nghệ cao và khu công nghiệp - nông nghiệp. Hoàn thiện, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (chiều dọc và ngang) để có mối liên kết bền vững; nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn” trên nhiều sản phẩm.
Thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu, khoán kinh phí theo kết quả đảm bảo đầu ra nhưng phải công khai, minh bạch. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ. Thực hiện tốt cơ chế chính sách thúc đẩy xã hội hóa hoạt động khoa học - công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập các quỹ về phát triển khoa học - công nghệ, tham gia phát triển các liên kết, hợp tác công - tư trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ. Bảo hộ và xử lý nghiêm các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng các nhà khoa học; phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó rà soát, bổ sung cơ chế chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng nguồn lực cho Quỹ đầu tư phát triển hỗ trợ doanh nghiệp. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút mạnh đầu tư của các doanh nghiệp. Có chính sách và hỗ trợ về kiến thức giúp các doanh nghiệp chủ động nắm bắt, hội nhập kinh tế quốc tế, đổi mới mô hình quản trị, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu cạnh tranh có hiệu quả khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Với những giải pháp tối ưu trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học -công nghệ trong nhiệm kỳ 2015-2020, khoa học và công nghệ sẽ là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ sau, tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang đạt mức trung bình của cả nước, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY
_____________
Biên soạn theo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang khóa IX, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X