Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch
Tết ở biên thùy
- Được đăng: Thứ hai, 27 Tháng 1 2020 16:30
- Lượt xem: 1878
(TGAG)- Vùng biên thùy An Giang chủ yếu có bốn dân tộc sinh sống là Kinh, Hoa, Chăm, Khmer với những nét văn hóa đặc thù, nhưng trong sinh hoạt cộng đồng hòa hợp khá gắn bó và thân thiện.
An Giang là vùng sông nước, nhưng đặc biệt ở phía biên giới Tây Nam có dãy Thất Sơn với gần bốn mươi ngọn núi lớn nhỏ mọc lên giữa đồng bằng bao la bát ngát. Cặp theo biên giới có một số nơi thị tứ, mua bán sầm uất như thành phố Châu Đốc, thị trấn Nhà Bàng, thị trấn Tịnh Biên, thị trấn Long Bình... Các thị trấn, thành phố nầy cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho người dân xung quanh kéo về vui chơi trong những ngày lễ, tết.
Đầu tháng chạp, khi những ngọn bấc se lạnh ùa về khắp các ngõ quê, trên bầu trời xanh chim én giăng cánh trong ngọn gió giao mùa. Cuộc sống như trở mình với những gian hàng tết đầy ắp bánh mứt, trái cây, quần áo... Nổi bật nhất là con đường hoa kiểng sặc sỡ sắc màu thu hút người chiêm ngưỡng, mua bán tấp nập. Không khí đón tết lan truyền ra tận các vùng xa. Các chợ miền núi như Tri Tôn, Ba Chúc, Vĩnh Trung, Nhà Bàng, Tịnh Biên, Chi Lăng, Tà Đét, Ba Xoài… nhộn nhịp khác thường. Trái cây, rau rừng ở các chợ nầy rất ngon, phong phú và đa dạng. Những nơi xa chợ, có xe đẩy bán đủ đồ tiêu dùng trong ba ngày tết vào tận các ngõ ngách làng quê.
Người Kinh và người Hoa ăn tết Nguyên đán cùng ngày và có một số tập tục tương đồng nên dễ dàng hòa nhập. Tết là dịp đoàn tụ gia đình nên các thành viên dù có đi làm ăn xa cũng thu xếp trở về quê chung vui với họ hàng, gia tộc. Kể cả người đã khuất, ngày 30 tết cũng được mời về ăn tết với gia đình qua lễ cúng gọi là rước ông bà. Người Kinh và người Hoa có cùng quan điểm là năm mới cái gì cũng mới, bụi bặm của năm cũ phải quét dọn đi. Nhà cửa sửa sang, trang hoàng cho mới và đẹp, chưng bày hoa quả sặc sỡ. Người Hoa thích dùng liễn đối trang trí trong nhà cũng như ngoài ngõ. Ngày mùng một mặc quần áo mới, lì-xì tiền mới, mừng tuổi người lớn, chúc tụng cho nhau những lời may mắn, tốt đẹp nhất. Người Kinh còn có tục đi viếng mộ người thân trong ba ngày tết. Điểm giống nhau là nhà người Kinh và người Hoa đều chưng mai vàng trong những ngày đầu xuân, đây là biểu tượng của sự may mắn và màu vàng của hoa mai làm cho ngôi nhà thêm sáng sủa, ấm cúng như nắng ban mai. Nhà nào có tiền thì mua những cây mai lớn, dáng đẹp, nhiều hoa và hoa thì phải nhiều cánh, để trong chậu lớn chưng giữa nhà. Nhà nghèo có thể mua một nhánh mai để trong bình bông mà chưng, cũng rực rỡ trong mấy ngày xuân, vì hoa mai lâu tàn, từng đợt nụ tiếp nối nhau đua nở. Ngày xưa có những đám mai rừng mọc hoang trên núi, không ai chăm sóc, khô khan cằn cỗi, nhưng đến mùa mưa là vụt tốt tươi, để cuối đông rụng lá và giáp tết nẩy lộc đâm chồi, hoa nở vàng rực cả một góc trời. Người dân cứ lên đó, lựa nhánh nào tốt, nhiều nụ nhiều hoa và vừa tầm nở rộ đúng tết là chặt vác về nhà chưng. Bây giờ thì không còn nữa, người ta đã tận dụng đất núi để trồng cây ăn trái hoặc làm rẫy. Những cây mai rừng bị bứng đi, trở thành những gốc mai cổ thụ để dân chơi cây kiểng hét giá. Ngoài mai là loại hoa không thể thiếu trong những ngày tết của người miền Nam, người Kinh và người Hoa còn thích chưng hoa vạn thọ, cúc vàng; cây sung, cây hạnh sai trái… Đĩa trái cây thường là bốn, năm loại hoặc nhiều hơn, có nhà chọn theo tên trái cây lấy hên như mãng cầu, dừa (hiểu là vừa), đu đủ, xoài (hiểu là xài); ráp lại là cầu vừa đủ xài. Ước vọng rất khiêm tốn là cầu cho năm mới ăn nên làm ra, thu nhập vừa đủ để tiêu xài mà thôi, nhưng tiêu xài thì biết bao nhiêu cho đủ! Hầu như nhà nào cũng chưng quả dưa hấu, càng to càng tốt, theo sự tích An Tiêm, và đây là loại trái xanh vỏ đỏ lòng, màu xanh tượng trưng cho niềm hi vọng, sự an lành; màu đỏ là sự may mắn, thắng lợi.
Điểm khác nhau là người Kinh ăn tết phải có bánh tét, còn người Hoa thường cúng bánh tổ, bánh in, bánh gáo chiên mè. Người Kinh thích hái lộc trong thời khắc giao thừa, người Hoa thường xin lộc trong chùa. Vùng biên thùy An Giang có rất nhiều chùa, miếu; những ngày tết người ta đi viếng chùa lễ Phật để cầu bình an, đại lợi; nên chùa, miếu nào cũng đông nghịt người đến cúng bái.
Người Chăm và người Khmer có những tết cổ truyền riêng của dân tộc mình. Tết mừng năm mới của người Khmer gọi là Chol chnam thmây, diễn ra vào các ngày 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch của người Khmer, tức khoảng tháng ba âm lịch của người Kinh. Tết nầy có nhiều nghi thức truyền thống, riêng tục đắp núi (bon nùm bon) người Khmer vùng Thất Sơn đều đắp núi lúa, không đắp núi cát hoặc núi đất như một số nơi khác. Suốt ba ngày tết, có nhiều chương trình vui chơi giải trí được tổ chức như thi đấu thể thao, liên hoan văn nghệ và hầu hết các chùa đều có sân khấu để biểu diễn ca múa nhạc dân tộc.
Người Chăm theo đạo Hồi nên ngày tết gắn liền với ngày lễ của tôn giáo. Lễ Roya Phik Trok là ngày tết của người Chăm bắt đầu từ 1 tháng 10 theo Hồi lịch, có khi trước hoặc sau và cũng có năm trùng với tết Nguyên đán của người Kinh. Lễ Roya tiếp nối lễ Ramadan là tháng ăn chay, tức là tháng nhịn ăn diễn ra từ ngày 1 đến 30 tháng 9. Người Chăm cũng ăn tết khoảng ba ngày, từ ngày 1 đến 3 tháng 10. Trong ba ngày này, nhà nào cũng chuẩn bị cơm, bánh để đãi khách. Người ta đi lễ ở thánh đường, viếng mộ người thân. Sau đó, đi chúc mừng nhau, xin xóa lỗi cho nhau. Nếu trong năm qua có gì xích mích thì sang năm mới cùng xóa bỏ để sống hòa thuận, đoàn kết trong tình làng nghĩa xóm.
Người Chăm và người Khmer ở vùng biên thùy luôn tham gia tết Nguyên đán của người Kinh và người Hoa rất vui vẻ. Người dân tộc cũng mặc quần áo mới, ra đường hòa vào không khí náo nhiệt vui tết của người Kinh. Kéo nhau đi xem các buổi biểu diễn văn nghệ, ca nhạc cổ truyền, hội thi thể dục thể thao, múa lân sư rồng… và cũng theo người Kinh đi chùa, ăn cơm chay, leo núi ngoạn cảnh, chụp ảnh lưu niệm... Các ngọn núi là những nơi thu hút đông đảo khách đi chơi tết do có không khí trong lành, cảnh đẹp, nhiều di tích văn hóa và lịch sử như núi Sam, núi Két, núi Cấm, núi Dài, Cô Tô…
Những năm gần đây, nhiều thanh niên Kinh, Khmer và Chăm đi làm ăn xa, nhất là làm công nhân cho các khu công nghiệp, các công ty ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… chỉ được nghỉ phép vào dịp tết Nguyên đán nên khi trở về quê với số tiền lương, tiền thưởng rủng rỉnh trong túi, tham gia vui tết rất hào hứng, thoải mái và… hoành tráng./.
An Giang là vùng sông nước, nhưng đặc biệt ở phía biên giới Tây Nam có dãy Thất Sơn với gần bốn mươi ngọn núi lớn nhỏ mọc lên giữa đồng bằng bao la bát ngát. Cặp theo biên giới có một số nơi thị tứ, mua bán sầm uất như thành phố Châu Đốc, thị trấn Nhà Bàng, thị trấn Tịnh Biên, thị trấn Long Bình... Các thị trấn, thành phố nầy cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho người dân xung quanh kéo về vui chơi trong những ngày lễ, tết.
Đầu tháng chạp, khi những ngọn bấc se lạnh ùa về khắp các ngõ quê, trên bầu trời xanh chim én giăng cánh trong ngọn gió giao mùa. Cuộc sống như trở mình với những gian hàng tết đầy ắp bánh mứt, trái cây, quần áo... Nổi bật nhất là con đường hoa kiểng sặc sỡ sắc màu thu hút người chiêm ngưỡng, mua bán tấp nập. Không khí đón tết lan truyền ra tận các vùng xa. Các chợ miền núi như Tri Tôn, Ba Chúc, Vĩnh Trung, Nhà Bàng, Tịnh Biên, Chi Lăng, Tà Đét, Ba Xoài… nhộn nhịp khác thường. Trái cây, rau rừng ở các chợ nầy rất ngon, phong phú và đa dạng. Những nơi xa chợ, có xe đẩy bán đủ đồ tiêu dùng trong ba ngày tết vào tận các ngõ ngách làng quê.
Người Kinh và người Hoa ăn tết Nguyên đán cùng ngày và có một số tập tục tương đồng nên dễ dàng hòa nhập. Tết là dịp đoàn tụ gia đình nên các thành viên dù có đi làm ăn xa cũng thu xếp trở về quê chung vui với họ hàng, gia tộc. Kể cả người đã khuất, ngày 30 tết cũng được mời về ăn tết với gia đình qua lễ cúng gọi là rước ông bà. Người Kinh và người Hoa có cùng quan điểm là năm mới cái gì cũng mới, bụi bặm của năm cũ phải quét dọn đi. Nhà cửa sửa sang, trang hoàng cho mới và đẹp, chưng bày hoa quả sặc sỡ. Người Hoa thích dùng liễn đối trang trí trong nhà cũng như ngoài ngõ. Ngày mùng một mặc quần áo mới, lì-xì tiền mới, mừng tuổi người lớn, chúc tụng cho nhau những lời may mắn, tốt đẹp nhất. Người Kinh còn có tục đi viếng mộ người thân trong ba ngày tết. Điểm giống nhau là nhà người Kinh và người Hoa đều chưng mai vàng trong những ngày đầu xuân, đây là biểu tượng của sự may mắn và màu vàng của hoa mai làm cho ngôi nhà thêm sáng sủa, ấm cúng như nắng ban mai. Nhà nào có tiền thì mua những cây mai lớn, dáng đẹp, nhiều hoa và hoa thì phải nhiều cánh, để trong chậu lớn chưng giữa nhà. Nhà nghèo có thể mua một nhánh mai để trong bình bông mà chưng, cũng rực rỡ trong mấy ngày xuân, vì hoa mai lâu tàn, từng đợt nụ tiếp nối nhau đua nở. Ngày xưa có những đám mai rừng mọc hoang trên núi, không ai chăm sóc, khô khan cằn cỗi, nhưng đến mùa mưa là vụt tốt tươi, để cuối đông rụng lá và giáp tết nẩy lộc đâm chồi, hoa nở vàng rực cả một góc trời. Người dân cứ lên đó, lựa nhánh nào tốt, nhiều nụ nhiều hoa và vừa tầm nở rộ đúng tết là chặt vác về nhà chưng. Bây giờ thì không còn nữa, người ta đã tận dụng đất núi để trồng cây ăn trái hoặc làm rẫy. Những cây mai rừng bị bứng đi, trở thành những gốc mai cổ thụ để dân chơi cây kiểng hét giá. Ngoài mai là loại hoa không thể thiếu trong những ngày tết của người miền Nam, người Kinh và người Hoa còn thích chưng hoa vạn thọ, cúc vàng; cây sung, cây hạnh sai trái… Đĩa trái cây thường là bốn, năm loại hoặc nhiều hơn, có nhà chọn theo tên trái cây lấy hên như mãng cầu, dừa (hiểu là vừa), đu đủ, xoài (hiểu là xài); ráp lại là cầu vừa đủ xài. Ước vọng rất khiêm tốn là cầu cho năm mới ăn nên làm ra, thu nhập vừa đủ để tiêu xài mà thôi, nhưng tiêu xài thì biết bao nhiêu cho đủ! Hầu như nhà nào cũng chưng quả dưa hấu, càng to càng tốt, theo sự tích An Tiêm, và đây là loại trái xanh vỏ đỏ lòng, màu xanh tượng trưng cho niềm hi vọng, sự an lành; màu đỏ là sự may mắn, thắng lợi.
Điểm khác nhau là người Kinh ăn tết phải có bánh tét, còn người Hoa thường cúng bánh tổ, bánh in, bánh gáo chiên mè. Người Kinh thích hái lộc trong thời khắc giao thừa, người Hoa thường xin lộc trong chùa. Vùng biên thùy An Giang có rất nhiều chùa, miếu; những ngày tết người ta đi viếng chùa lễ Phật để cầu bình an, đại lợi; nên chùa, miếu nào cũng đông nghịt người đến cúng bái.
Người Chăm và người Khmer có những tết cổ truyền riêng của dân tộc mình. Tết mừng năm mới của người Khmer gọi là Chol chnam thmây, diễn ra vào các ngày 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch của người Khmer, tức khoảng tháng ba âm lịch của người Kinh. Tết nầy có nhiều nghi thức truyền thống, riêng tục đắp núi (bon nùm bon) người Khmer vùng Thất Sơn đều đắp núi lúa, không đắp núi cát hoặc núi đất như một số nơi khác. Suốt ba ngày tết, có nhiều chương trình vui chơi giải trí được tổ chức như thi đấu thể thao, liên hoan văn nghệ và hầu hết các chùa đều có sân khấu để biểu diễn ca múa nhạc dân tộc.
Người Chăm theo đạo Hồi nên ngày tết gắn liền với ngày lễ của tôn giáo. Lễ Roya Phik Trok là ngày tết của người Chăm bắt đầu từ 1 tháng 10 theo Hồi lịch, có khi trước hoặc sau và cũng có năm trùng với tết Nguyên đán của người Kinh. Lễ Roya tiếp nối lễ Ramadan là tháng ăn chay, tức là tháng nhịn ăn diễn ra từ ngày 1 đến 30 tháng 9. Người Chăm cũng ăn tết khoảng ba ngày, từ ngày 1 đến 3 tháng 10. Trong ba ngày này, nhà nào cũng chuẩn bị cơm, bánh để đãi khách. Người ta đi lễ ở thánh đường, viếng mộ người thân. Sau đó, đi chúc mừng nhau, xin xóa lỗi cho nhau. Nếu trong năm qua có gì xích mích thì sang năm mới cùng xóa bỏ để sống hòa thuận, đoàn kết trong tình làng nghĩa xóm.
Người Chăm và người Khmer ở vùng biên thùy luôn tham gia tết Nguyên đán của người Kinh và người Hoa rất vui vẻ. Người dân tộc cũng mặc quần áo mới, ra đường hòa vào không khí náo nhiệt vui tết của người Kinh. Kéo nhau đi xem các buổi biểu diễn văn nghệ, ca nhạc cổ truyền, hội thi thể dục thể thao, múa lân sư rồng… và cũng theo người Kinh đi chùa, ăn cơm chay, leo núi ngoạn cảnh, chụp ảnh lưu niệm... Các ngọn núi là những nơi thu hút đông đảo khách đi chơi tết do có không khí trong lành, cảnh đẹp, nhiều di tích văn hóa và lịch sử như núi Sam, núi Két, núi Cấm, núi Dài, Cô Tô…
Những năm gần đây, nhiều thanh niên Kinh, Khmer và Chăm đi làm ăn xa, nhất là làm công nhân cho các khu công nghiệp, các công ty ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… chỉ được nghỉ phép vào dịp tết Nguyên đán nên khi trở về quê với số tiền lương, tiền thưởng rủng rỉnh trong túi, tham gia vui tết rất hào hứng, thoải mái và… hoành tráng./.
TRỊNH BỬU HOÀI