Truy cập hiện tại

Đang có 144 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Chuyện người quản trang ở Nghĩa trang Dốc Bà Đắc

(TGAG)- Tôi đã mấy lần đi ngang nghĩa trang Dốc Bà Đắc (huyện Tịnh Biên). Lần nào như lần ấy, hình ảnh người lính đá vọng kèn vào trời xanh khơi gợi nên trong tâm cảm người ta một bản tráng ca về người lính. Cái kèn rướn về phía những anh hùng đã nằm xuống phía bên kia như gọi dậy một thời lẫy lừng ngang dọc.

Tháng Bảy và những ngày mưa, bắt đầu những ngày tri ân những người đã cống hiến xương thịt, thậm chí là sinh mạng mình cho Tổ quốc. Nghĩa trang lúc cũng đông đúc, lúc cũng lác đác người. Điều đó tạo cho tôi cái không khí để ghé vào góp nén nhang cho người đã khuất mà ngày thường một mình cũng có chút ái ngại khi bước vào. Nhờ vậy mà cũng có phát hiện, có hứng thú tò mò, tọc mạch về cái nghề quản trang. Cái nghề hay cái nghiệp thì tùy cảm nhận, nhưng những câu hỏi ma mị đầy hứng thú nó đẩy tôi đến tìm hiểu và ghi lại được chút ít nhằm thỏa cái tính tò mò.
 
 
Ông Nguyễn Văn Phúc đã có thâm niên hơn hai mươi năm gắn bó với nghĩa trang này. Từng ngôi mộ chí, từng cái tên khắc trên bia đá ông đều nhớ thuộc lòng. Cơ duyên gì đã gắn kết ông với cái nghề này? Rất đơn giản là vì ông tri ân những người đã nằm xuống để đổi lấy cuộc sống bình yên cho hôm nay. Trong những người đã ngả xuống ấy có cha, bác, chú của ông. Hơn ai hết ông thắm thía cái ý nghĩa của sự hy sinh ấy và luôn nhắc nhở thế hệ sau, cụ thể hơn là hai đứa con gái của mình về lịch sử hào hùng của ông cha ngày trước. Kết quả là đứa lớn đã tốt nghiệp cao đẳng có việc làm ổn định, đứa nhỏ quyết tâm theo đuổi chí hướng ông cha luyện thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân.
   
Câu hỏi đầu tiên của tôi với hi vọng khơi ra nhiều chuyện ly kỳ, ảo diệu là: “Lúc mới đến đây làm, chú có sợ không? Hay yếu bóng vía có mơ mộng gì không?”. Câu trả lời làm tôi thất vọng nhưng chân chất: “Chú thấy bình thường! Có sợ sệt gì đâu, người ta cũng như mình.” Rồi ông nói thêm: “Chú làm ở đây vì chú thích!” rồi chú kể về những kỉ niệm khi gắn bó với nghĩa trang. Những lần khóc ké cùng thân nhân các liệt sĩ. Có người từ Bắc gọi điện vào hỏi tên liệt sĩ được ông báo có từ mấy năm trước đến nay mới tìm vào thăm, hỏi ra mới biết là do dành dụm lộ phí và tiền vé máy bay. Đến nơi cả gia đình ôm nhau khóc, chẳng nói được lời gì, khóc cả buổi làm cho mình cũng rớt nước mắt theo, nước mắt chia li đã đau đớn, hôm nay nước mắt đoàn viên càng đau đớn hơn. Thế mới biết chiến tranh nó tàn nhẫn đến mức nào, những người con của chính nghĩa đã hy sinh cho chiến thắng như thế nào. Dần dà ông nghiện luôn những câu chuyện do người thân liệt sĩ sẻ chia lúc ngơi nước mắt. Những người nằm đây có người ngoan ngoãn, có người ương ngạnh, có người giàu, có người nghèo, có người có học thức, có người chỉ một chữ cắn đôi, có người là con thứ, con trưởng, con một, có người có vợ con, có người chưa… rồi rốt cuộc họ về chung một nơi là đất mẹ. Họ đã bảo vệ “mẹ đất” khỏi đạn xới, bom cày và hôm nay đất mẹ dang vòng tay bao la ôm lại những đứa con đã cống hiến đời mình cho bình yên Tổ quốc. Khi được đề nghị kể lại một câu chuyện hay nhất thì ông nói: Câu chuyện nào cũng như câu chuyện nào đều hay, đều ý nghĩa như nhau nhưng chú nghe nhiều đến nỗi chuyện này lẫn vào chuyện kia. Hôm nào chú kể cho chú em nghe chơi để làm văn học thì được chứ để lên báo thì chú không tin cái trí nhớ của mình, do chú cũng gần về hưu rồi.
   
Tôi ghé nghĩa trang vào thứ bảy, chỉ vì thấy có người viếng nên ghé, không có lịch trình, không thông báo trước đến khi gặp và hỏi mới biết chú làm luôn thứ bảy và chủ nhật mặc dù không có lương cho hai ngày nghỉ cuối tuần. Nếu nghỉ thì lại thấy buồn buồn, nên đi làm cho vui, do mình chớ do ai mà đòi hỏi, hai mươi năm cũng đủ để hình thành một thói quen, một tập tính của con người. Chắc có lẽ vậy mà người ta đổ thừa cho cái duyên. Vắng một ngày không đi làm tâm trạng nó thấy bồn chồn thì cũng phải.
   
Trong hai mươi năm với cái nghề giữ mộ, thì theo ông có gần mười lăm năm ông một mình cô đơn ở đây. Vừa nói xong ông trớ lại: Nói cô đơn cũng không đúng vì còn có hàng ngàn anh hùng liệt sĩ ở đây nữa mà! (cười). Theo ông thì ở làm việc đây có ba người nhưng do ông ít chữ nên thường trực suốt ở đây còn hai người nữa được Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện rút về phục vụ công việc bộn bề ở đó. Hơn nữa ông cho biết nếu không mần ở đây thì chú xin nghỉ chứ cũng không chịu chuyển đi chỗ khác rồi thở dài: “Âu cũng là duyên số!”. Lâu lâu cũng có những niềm vui nhỏ là anh em chính quyền đoàn thể địa phương các cấp đến viếng các anh hùng, liệt sĩ rồi ông cũng được thăm ké. Hay những lúc gia đình các liệt sĩ đến đây và ở lại đến ngày hai, ngày ba thì ông cũng có dịp để nghe, để dồn vào cái đầu hữu hạn của mình những câu chuyện tưởng chừng như vô hạn, đầy ý vị và thú vị về những người con khắp mọi miền Tổ quốc. Câu chuyện về chính những người đang nằm đây chia sẻ và lắng nghe đời tư của đồng đội mình một cách say sưa và im lặng thông qua lời kể đủ giọng Bắc, Trung, Nam âm vang trong không gian u tịch giữa màn đêm tháng Bảy.
   
Với những việc làm đó, ông Nguyễn Văn Phúc đã được Bộ Quốc phòng và Quân khu 9, tặng nhiều bằng khen, cùng những thành tích trong quá trình tham gia với đội K90 và K93 tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để quy tập về với đồng đội, về với quê hương. /.

La Lam
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37164415