Truy cập hiện tại

Đang có 87 khách và không thành viên đang online

Nhà tư tưởng vĩ đại

(TUAG)- Các Mác (Karl Marx) sinh ngày 05/5/1818 ở thành phố Trier-là một thành phố cổ của Đức. Mùa thu 1835, Mác viết luận văn tốt nghiệp trung học với đề tài "Suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề". Cậu thanh niên 17 tuổi đã viết: "Lịch sử gọi những con người tự làm cho mình trở nên cao quý bằng việc cống hiến cho sự nghiệp chung, là những con người vĩ đại; kinh nghiệm ca ngợi con người đem lại hạnh phúc cho hầu hết mọi người, là con người hạnh phúc nhất". "Nếu một người chỉ lao động vì mình thôi, thì người đó có thể trở nên một nhà bác học nổi tiếng, một nhà thông thái lớn, một nhà thơ tuyệt vời, nhưng người đó không bao giờ có thể trở thành một con người thật sự hoàn thiện..."; còn, "nếu chúng ta chọn được một nghề mà chúng ta có thể cống hiến nhiều nhất cho nhân loại, thì chúng ta sẽ không cảm thấy gánh nặng của nghề ấy"; và “…hạnh phúc của chúng ta sẽ được nhân lên gấp bội vì nó không chỉ là của chúng ta nữa mà nó thuộc về hàng triệu người…”.


Tháng 10/1835, Mác đi học đại học. Ngay từ lúc này, ông đã bắt đầu nghiên cứu triết học. Ngày 15/4/1841, Mác nhận bằng Tiến sĩ khi mới 23 tuổi. Trong tư tưởng của mình, từ rất sớm, Mác kịch liệt chống mê tín, dị đoan và mọi thứ triết học phản động phục tùng lợi ích của tôn giáo. Tháng 02/1942, ông đã viết một bài báo sắc sảo đăng trên Tờ Rheinische Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh), nội dung chống lại sự kiểm duyệt báo chí của chế độ chuyên chế Phổ, nhân đó lên án gay gắt các thể chế nhà nước Phổ; phê phán mạnh mẽ chế độ chuyên chế Phổ và những nhà tư tưởng bênh vực cho chế độ này. Mấy tháng sau, Mác trở thành người lãnh đạo tờ báo nói trên. Nhưng cũng chỉ sau mấy tháng, Chính phủ Phổ ký lệnh đình bản tờ báo. Từ thời điểm này vấn đề chủ yếu mà Mác quan tâm là vấn đề cách mạng, bản chất, nguyên nhân và động lực của nó. Qua thực tiễn, thế giới quan của Mác từng bước đã thay đổi, chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật và từ chủ nghĩa dân chủ - cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản.

Lần đầu tiên, Các Mác gặp Phriđơrich Ăngghen vào cuối tháng 11/1842, khi Ăngghen trên đường sang Anh và ghé thăm Bộ Biên tập tờ Rheinische Zeitung. Mùa hè năm 1844, Ăngghen đến thăm Mác ở Paris. Trong 10 ngày ở Paris, Mác và Ăngghen đã có nhiều cuộc nói chuyện cởi mở và từ cuộc gặp gỡ này hai ông đã trở thành những người bạn cùng chung lý tưởng và quan điểm.

Năm 1844. Mác viết  “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”, thực chất là những phôi thai rất quan trọng mà sau này được phát triển thành các nguyên lý, quy luật trong bộ Tư bản. Tháng 2/1845, cuốn “Gia đình thần thánh” của Mác và Ăngghen viết chung đã ra đời. Mác và Ăngghen còn hợp sức viết quyển “Hệ tư tưởng Đức” (1845 - 1846). Năm 1947 Mác viết cuốn Sự bần cùng của triết học.

Năm 1848 được sự ủy nhiệm của Đại hội II Liên đoàn những người cộng sản, Mác và Ăngghen đã soạn thảo “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - một văn kiện mang tính chất cương lĩnh soi sáng cho giai cấp công nhân toàn thế giới con đường đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa thông qua cách mạng vô sản.

Tháng Sáu năm 1859, công trình thiên tài “Góp phần phê phán môn chính trị kinh tế học” ra đời. Tác phẩm viết về tiền tệ và lưu thông tiền tệ. Quan trọng hơn đây là lần đầu tiên trình bày học thuyết Mác xít về giá trị, cơ sở của toàn bộ học thuyết kinh tế của Mác. Năm 1867, Bộ Tư bản (tập I) - tác phẩm chủ yếu của ông được xuất bản.

Mác đã để lại cho nhân loại một kho tàng tri thức lý luận rất đồ sộ. Ăngghen đánh giá: "Giống như Ðác-uyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người... Nhưng không phải chỉ có thế thôi. Mác cũng tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra. Với việc phát hiện ra giá trị thặng dư trong lĩnh vực này thì lập tức một ánh sáng đã hiện ra trong khi tất cả các công trình nghiên cứu trước đây của các nhà kinh tế học tư sản cũng như của các nhà phê bình xã hội chủ nghĩa vẫn đều mò mẫm trong bóng tối". "Người nào mà có được một phát minh như vậy thì hẳn là đã hạnh phúc lắm rồi! Nhưng, Mác đã có những phát minh khác hẳn nhau trong mỗi lĩnh vực mà Ông đã nghiên cứu…”.

Từ khi học thuyết Mác ra đời đã gặp phải nhiều sự chống đối điên cuồng, nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ. Mặc dù vậy, nhiều tác giả vẫn đứng về phía Mác. Fredrie Jamoson trong cuốn “Hệ tư tưởng của học thuyết”, xuất bản năm 2008 ở London đã khẳng định: “Chủ nghĩa Mác dứt khoát đúng!”. Còn trong cuốn “Tại sao Mác đúng?” của Terry Eagleton - giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaste Vương quốc Anh viết và được Alex Callinices, Philip Carperter, Ellen Meiksins Wood - là những giáo sư chính trị của Anh, Mỹ đọc và góp ý; được trường Đại học Tổng hợp Yale, một trường đại học danh tiếng của Mỹ xuất bản năm 2011. T.Eagleton cũng khẳng định rằng: “… sự phê phán của Mác đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa đến nay vẫn còn nguyên giá trị”. Ông còn chứng minh, học thuyết Mác không phải là sự mơ mộng về một tương lai tốt đẹp, mà đã đưa ra cách giải quyết những mâu thuẫn đang cản trở cho sự xuất hiện một tương lai tốt đẹp hơn. Mác đã phác thảo ra một tương lai mà hình ảnh thật sự của tương lai chính là sự thất bại của hiện tại…

Mác quan niệm hạnh phúc là đấu tranh; đau khổ là sự khuất phục! Ông đã dành trọn đời cho lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng loài người thoát khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công và mọi sự tha hóa.

TRUNG THÀNH
TTCTTT số 05-2021
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40419691