Truy cập hiện tại

Đang có 111 khách và không thành viên đang online

Diện mạo mới ở vùng nông thôn Chợ Mới

(TGAG)- Nghị quyết số 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 05/8/2008, ra đời đến nay hơn 8 năm, đã thật sự đi vào cuộc sống, làm thay da đổi thịt vùng đất cù lao Chợ Mới vốn dĩ là một vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang.

Lợi thế của Chợ Mới là có nền tảng từ các tiểu vùng đê bao ngăn lũ và những tuyến đường liên xã đã được xây dựng hoàn thành từ những ngày đầu của năm 2000, nên khi có Nghị quyết 26 của Trung ương ra đời về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn như làn gió mới làm cho sản xuất nông nghiệp ở đây trở nên phát triển nhanh và bền vững hơn. Nhiều giống lúa mới với năng suất chất lượng cao xuất hiện, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo chương trình ứng dụng công nghệ cao ra đời, chăn nuôi gia súc, gia cầm; ươm giống và nuôi thủy sản, lập vườn… đã không ngừng cải thiện đời sống của người nông dân mà chính từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều hộ nông dân hằng năm nắm bạc tỷ trong tay.

Có dịp về Chợ Mới mới thấy cuộc sống của nông dân đổi thay từ ngay trong bữa ăn hằng ngày với nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng cao, nhà cửa khang trang, trình độ tiếp thu khoa học của người nông dân nhanh nhạy, họ tự lai tạo giống, tự chế ra các nông cụ trên cùng một thiết bị, vừa đem lại lợi nhuận giá thành trong sản xuất, vừa giải phóng sức lao động của người nông dân - xóa hẳn cái viễn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”; không còn phải đối phó với nắng lũ hằng năm mà câu thành ngữ ông bà hay nhắc đến: “Nửa năm đạp đất đồng khô, sáu tháng đi trên mặt nước”. Vì sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, các thiết bị máy móc được đưa vào thay thế. Con số được thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy năm 2008 đến nay, kinh tế nông nghiệp tăng gấp 3 lần so với mới triển khai Nghị quyết, từ 3.665 tỷ đồng lên 9.011 tỷ đồng. Huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển, xây dựng mới 99 trạm bơm điện thay thế trạm bơm dầu, nâng tổng số trạm bơm lên 428 trạm đảm bảo cho việc tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng giảm dần diện tích lúa, năm 2015, tổng diện tích trồng lúa canh tác hằng năm giảm còn 43.552 (giảm 6.967 ha), giá trị sản xuất đạt 106 triệu đồng/ha, trong khi đó diện tích canh tác màu là 34.073 ha (tăng 6.239 ha) giá trị đạt bình quân 368 triệu đồng/ha - gấp 3 lần trồng lúa; diện tích trồng cây ăn quả 4.658 ha (trong đó diện tích trồng xoài chiếm  84 ha), giá trị sản xuất cây ăn quả đạt lợi nhuận 250 triệu đồng/ha. Nhờ đó, các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao ngày càng được nhân rộng: Điển hình như từ năm 2008 - 2015, sản lượng đàn bò là 14.590 con tăng lên 29.010 con, diện tích trồng bắp cũng từ đó tăng từ 4.298 ha lên 11.328 ha với mô hình trồng bắp nuôi bò. Mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở 3 xã Cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân) với diện tích quy hoạch 700 ha, mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Phước Xuân) 7,5ha; sản xuất ươm cây con trong nhà màng với diện tích, sản xuất rau màu trong nhà lưới…

Cũng chính nhờ chủ trương phù hợp lòng dân và cũng chính từ nông nghiệp trực tiếp góp phần hỗ trợ cho thương mại - dịch vụ; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển, gắn với thị trường tiêu thụ các sản phẩm làm ra, nên đã đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 32,3 triệu đồng/người (tăng 14,2 triệu đồng so với năm 2008), số hộ thoát nghèo vươn lên khá giàu ngày càng nhiều đạt 48,4% (tăng 4,17%); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ngày càng được nâng cao, đạt trên 39%, từ đó đã giải quyết việc làm cho 36 ngàn lao động nhàn rỗi, góp phần giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 6,2%. Ông Nguyễn Văn Sanh - Trưởng phòng Nông nghiệp đã nêu bật sự tác động của sản xuất nông nghiệp làm cho cuộc sống đổi thay: “Đến nay, điện lưới phủ kín 100% địa bàn, cầu, đường, trường học xây dựng mới, chợ mua bán luôn được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới… phục vụ thiết thực đời sống nhân sinh”.

Rõ ràng từ chương trình "Tam nông" đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và thực sự đi vào cuộc sống, với sự đồng thuận cao, chung tay của các tầng lớp nhân dân, diện mạo các vùng nông thôn được thay đổi theo hướng khang trang, văn minh hơn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được cải thiện nhanh. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững. Từ đó, tạo tiền đề cho Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, sôi nổi. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng lên, trình độ và vị thế chính trị của giai cấp nông nhân được nâng cao, tạo điều kiện để người nông dân tham gia đóng góp cũng như hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình đất nước ngày càng đổi mới. Với sự năng động, sáng tạo trong công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, toàn huyện đã phát huy tối đa mọi nguồn lực, trong đó lấy Nhân dân làm chủ thể. Năm năm qua (2011-2015), toàn huyện đã đầu tư trên 1.507 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó, nguồn vốn do Nhân dân đóng góp trên 202 tỷ đồng. Từ đó, mức độ đạt các chỉ tiêu, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đều tăng lên hàng năm. Đến nay, huyện hiện có 2 xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới là Long Điền A và Long Điền B, 11 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 3 xã còn lại đạt từ 8-9 tiêu chí.

Tuy nhiên, Bí thư huyện ủy Nguyễn Thanh Phong - người mà trước đây đã từng gắn bó với nông dân trên cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh còn băn khoăn: “Nói chung Nghị quyết 26 ra đời không chỉ đúng mà trúng vào tâm lý, tình cảm của người nông dân mới tạo ra những thành quả to lớn như vậy. Nhưng đề nghị những người làm công tác vĩ mô sớm điều chỉnh bổ sung để thực hiện nghị quyết bằng những cơ chế chính sách mới phù hợp; người nông dân vẫn còn sản xuất manh mún, rủi ro cao, giá cả nông thủy sản đầu ra bấp bênh lệ thuộc thị trường tiêu thụ, đời sống thu nhập nông dân còn thấp và khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị còn xa…”.

Phải tháo gỡ và có chính sách kịp thời như lời phát biểu của Bí thư huyện ủy Chợ Mới vừa nêu tin rằng chủ trương tam nông: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ là bệ phóng cho huyện cù lao Chợ Mới khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có, từ đó người nông dân sẽ giàu và mảnh đất này mới xứng danh với vùng cù lao trù phú./.

Bài: Mai Thanh - Thái Sơn
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40541983