Truy cập hiện tại

Đang có 103 khách và không thành viên đang online

Phường Long Sơn - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

(TGAG)- Phường Long Sơn thuộc thị xã Tân Châu, phía Đông giáp sông Tiền, bên kia bờ sông là Long Thuận (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), phía Tây giáp xã Phú Long (huyện Phú Tân) và phường Long Phú, phía Nam giáp xã Long Hòa (huyện Phú Tân), phía Bắc giáp phường Long Thạnh.

Với truyền thống yêu nước nồng nàn, quân và dân Long Sơn luôn đoàn kết vượt qua khó khăn, gian khổ. Trong cuộc kháng chiến giải phóng quê hương, Long Sơn là nơi ra đời chi bộ đầu tiên của Tân Châu, là căn cứ của Tỉnh ủy, Huyện ủy; là nơi đặt trạm giao liên của Xứ ủy Nam bộ trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ và là địa bàn hoạt động của lực lượng vũ trang tỉnh, huyện.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Long Sơn đã cùng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện lập nhiều thành tích, nổi bật, tiêu biểu như:

Lợi dụng việc địch tìm người xây dựng hệ thống chính quyền, chi bộ Long Sơn đưa nhiều cơ sở vào hàng ngũ địch, vào tổ chức thanh niên, phụ nữ cộng hòa. Lực lượng nội tuyến thường xuyên cung cấp địch tình, kịp thời thông báo cho cách mạng biết các cuộc hành quân của địch. Nhờ vậy, lực lượng bảo vệ Huyện ủy hoạt động an toàn, các cuộc họp được bảo mật; nhiều cán bộ của huyện, tỉnh có được giấy tờ hợp pháp.

Long Sơn là một trong những địa bàn đứng chân của Tỉnh ủy, Huyện ủy trong suốt thời kỳ đấu tranh chính trị như Văn phòng Huyện ủy Tân Châu, Văn phòng Tỉnh ủy Châu Đốc. Xứ ủy xây dựng trạm giao liên Long Sơn tiếp đón và bảo vệ các đồng chí Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Lê Toàn Thư, Phạm Thái Bường, Phạm Văn Lầu... về tạm trú một thời gian rồi đưa qua biên giới Campuchia an toàn.

Ngày 20/7/1955, đồng bào Long Sơn cùng các xã Long Thuận, Long Phú, Thường Phước... gần 3.000 người kéo đến Ủy hội quốc tế ở Tân Châu biểu tình có băng cờ, khẩu hiệu và đưa kiến nghị đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi trọn vẹn, gây tiếng vang trong cả nước. Ngày 2/9/1955, nhân dân Long Sơn tiếp tục cùng các xã Long Thuận, Phú Lâm, Phú Thuận tập trung thành đoàn khoảng 3.000 người, giương băng cờ, hô vang khẩu hiệu đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Cuộc biểu tình lần 2 đã gây tiếng vang, thể hiện nguyện vọng, biểu dương lực lượng của quần chúng.

Đêm 24/3/1960, giao liên huyện đưa các đồng chí thuộc tiểu đoàn 510 bằng ghe từ xã Vĩnh Hòa kết hợp với nội tuyến trong dân vệ Long Sơn và tự vệ mật đánh đồn số 7. Lực lượng d.510 đi đánh chỉ với 2 khẩu súng. Lực lượng tự vệ mật làm nhiệm vụ cảnh giới, rải truyền đơn. Kết quả ta đã lấy được đồn, thu 11 súng và rút 2 nội tuyến. Đây là một trong những trận đánh của lực lượng vũ trang An Giang dùng nội tuyến kết hợp bên ngoài, nhổ đồn bót địch để lấy vũ khí bổ sung cho lực lượng vũ trang tỉnh, huyện. Trận đánh thắng lợi đã làm nức lòng những người kháng chiến và quần chúng địa phương.

Thực hiện chủ trương phá trò hề bầu cử tổng thống của Ngô Đình Diệm, đêm ngày 7/4/1961 du kích Long Sơn đốn cây, phá lộ, rải truyền đơn và tấn công phòng bỏ phiếu, gây tác động mạnh để nhiều đồng bào không đi bỏ phiếu. Trong năm 1961, du kích Long Sơn đã tổ chức 3 lần đánh đồn và 1 trận chống càn, diệt một số tên ác ôn đồng thời kết hợp du kích Phú Lâm 3 lần phá kềm, diệt ác.

Năm 1963, địch xây dựng ấp chiến lược, đưa nhiều tên ác ôn kềm kẹp nhân dân, chi bộ Long Sơn liên tục đấu tranh chính trị sôi nổi, tổ chức 26 cuộc kéo lên xã, quận đòi dân sinh dân chủ. Mỗi lần đấu tranh có từ 50 đến 100 người tham gia, chủ yếu là chị em phụ nữ, gia đình binh lính.

Ngày 17/7/1965, khi phát hiện cảnh sát quận Tân Châu bắt tra tấn đến chết anh Bảo ở Long Sơn rồi quăng xác xuống sông để phi tang. Ngày 18/7, chi bộ vận động bà con các xã Long Sơn, Long Phú trên 300 người đấu tranh. Ngày 20/7, bà con khiêng xác anh đến dinh quận, bao vây chi cảnh sát đòi thường mạng. Trước khí thế của quần chúng, ngụy quyền phải đứng ra tổ chức lễ tang cho anh và bồi thường thiệt hại cho gia đình cũng như trừng trị kẻ giết người. Ngày 21/7, lễ đưa tang biến thành cuộc biểu tình tuần hành vòng quanh quận lỵ Tân Châu 2 lần, có tới 5.000 người tham dự, trong đó có hàng ngàn đồng bào Long Sơn. Đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu “Đả đảo bọn cướp của giết người”, kéo đến chi cảnh sát, tràn vào phá trụ sở, gỡ bảng hiệu, rượt đuổi cảnh sát, xé sổ sách, giấy tờ... Kết quả cảnh sát Tân Châu bị hạ uy thế, không dám lộng hành như trước.

Rạng sáng ngày 24/3/1968, trong lúc địa phương quân huyện Tân Châu pháo kích vào chi khu Tân Châu, một đại đội bộ binh của ta triển khai lực lượng tại cây số 5 và cây số 8 cùng lực lượng xã Long Sơn bứt rút đồn phòng vệ dân sự số 8, thu được một số súng và bắn phá quyết liệt với địch tại đồn số 8. Đến ngày 26/3, lực lượng võ trang tuyên truyền rút quân về căn cứ. Trong đợt này, kết hợp trừ gian, ta diệt tên Bửu phòng nhì (tình báo) chi khu Tân Châu.

Vào sáng ngày 01/5/1975, lực lượng tại xã Long Sơn kết hợp với lực lượng vũ trang của tỉnh giải phóng xã nhà, đồng thời tham gia cùng lực lượng của tỉnh, huyện kéo xuống giải phóng huyện Phú Tân.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Long Sơn đã đóng góp sức người sức của cho cách mạng, tổ chức trên 500 trận đánh lớn nhỏ, diệt khoảng 100 tên địch, thu nhiều vũ khí đạn dược... có trên 130 cuộc đấu tranh chính trị, huy động 5.000 lượt quần chúng tham gia, đưa trên 100 thanh niên tham gia vào lực lượng huyện, tỉnh.

Với những thành tích đã đạt được, ngày 29/1/1996, Chủ tịch Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Long Sơn (nay là phường Long Sơn) đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nguyễn Trúc Linh



Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36981710