Truy cập hiện tại

Đang có 205 khách và không thành viên đang online

Nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1932 - 1935

(TGAG)- Những năm 1930 - 1931, thực dân Pháp khủng bố, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng. Hàng chục vạn người bị giam giữ, hàng ngàn chiến sĩ cộng sản và quần chúng trung kiên bị bắt, giết, truy lùng. Nhưng sự tàn bạo của thực dân Pháp không thể lung lay ý chí của những người cách mạng và quần chúng yêu nước. Đảng vẫn tiếp tục sứ mệnh. Đảng viên dựa vào sự che chở, đùm bọc của quần chúng, bí mật tiếp tục hoạt động, củng cố và phát triển tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng. Trong nhà tù thực dân, đảng viên tổ chức đấu tranh bảo vệ lập trường, quan điểm của Đảng, thành lập chi bộ nhà tù, tổ chức vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng...

Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1932 - 1935, chúng ta cần thể hiện các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, trình bày chính sách hai mặt của thực dân Pháp sau cao trào cách mạng 1930 - 1931: Khủng bố (cụ thể âm mưu và hành động của địch) và cải cách lừa bịp về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; tác động đối với địa phương. Tinh thần cách mạng của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội và sự căm thù bọn thực dân xâm lược.

Thứ hai, trình bày quá trình Đảng bộ địa phương lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của của Đảng. Trong phần này, cần đề cập đến ba nội dung chính:

Nội dung thứ nhất: Trình bày khái quát đường lối, chủ trương của Đảng trong những năm 1932 - 1935. Trong đó cần thể hiện các nội dung chủ yếu như: Năm 1932, Trung ương ban hành Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1933, Chấp ủy Nam kỳ ra thông cáo bỏ cấp Xứ bộ, thành lập địa phương bộ, cử Chấp ủy địa phương. Các địa phương Chấp ủy thành lập xong thì phải giải tán các Đặc ủy và thành lập Tỉnh ủy, Thành ủy. Năm 1934, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập. Năm 1935, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc), đã phân tích và đánh giá tình hình, đề ra nhiệm vụ cách mạng của Đảng. Đại hội Đại biểu lần thứ nhất đánh dấu mốc quan trọng, hệ thống tổ chức Đảng từ trung ương đến địa phương được khôi phục, các tổ chức quần chúng dần được phục hồi, phát triển...

Nội dung thứ hai: Trình bày khái quát sự lãnh đạo của Đảng bộ An Giang trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Cần thể hiện các sự kiện chủ yếu sau: Tháng 1/1932, Đặc ủy Long - Châu - Rạch - Hà mở hội nghị củng cố bộ máy lãnh đạo và đề ra nhiệm vụ cụ thể, xuất bản báo “Cùng khổ” (tháng 11/1933 đổi tên thành “Lao khổ”). Cuối năm 1932, lập lại Lâm thời Đặc ủy. Năm 1933, Ban Chấp ủy lâm thời tỉnh Châu Đốc được thành lập, ra báo “Bạn nghèo” làm cơ quan tuyên truyền của “Địa phương tự trị Châu Đốc”. Bên cạnh tổ chức Đảng, Nông hội, Công hội cũng được bí mật tổ chức lại. Giữa năm 1934, Đặc ủy Long - Châu - Rạch - Hà giải tán. Ban Cán sự miền Tây Nam kỳ được thành lập do Nguyễn Chánh Nhì làm Bí thư, ra báo “Lao Nông”, sau đó được đổi thành “Mặt trận đỏ”. Tháng 1/1932 - 7/1932, ở An Phong (tổng Phong Thạnh Thượng) đã tổ chức nhiều cuộc mít-tinh lớn kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Ngày Thế giới chống chiến tranh 1/8, kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga 7/11... Trong một đêm tháng 7/1932, nhiều xã thuộc tổng Phong Thạnh Thượng tổ chức cuộc mít-tinh huy động gần 1.000 quần chúng tham gia tại Cây Gòn (An Phong). Ngày 14/7/1933, nổ ra cuộc đấu tranh lớn của tù làm đá Núi Sam...

Nội dung thứ ba: Trình bày cụ thể sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng bộ cấp trên, của Trung ương Đảng. Quá trình khôi phục tổ chức Đảng cần thể hiện: Việc tổ chức Đảng bị đánh phá, phục hồi (cụ thể số lần bị đánh phá và phục hồi), thời gian, địa điểm, họ và tên bí thư, cấp ủy, đảng viên (nếu là người nơi khác đến thì ghi rõ quê quán, chức vụ) và các cơ sở. Sự liên lạc giữa cấp trên và cấp dưới. Các tổ chức bí mật và công khai của quần chúng cách mạng được xây dựng, củng cố và phát triển (tên tổ chức; thời gian, địa điểm thành lập; lượng người tham gia; ai lãnh đạo). Công tác huấn luyện, đào tạo đảng viên. Công tác tuyên truyền giáo dục chính trị cho quần chúng (nội dung, hình thức, hiệu quả). Phong trào đấu tranh của quần chúng. Phong trào đấu tranh trong các nhà tù, trại giam, nơi tạm giam.

Thứ ba, nêu ý nghĩa và bài học kinh nghiệm từ phong trào cách mạng 1932 - 1935 của Đảng bộ địa phương.

Để nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1932 - 1935, chúng ta cần tham khảo nhiều nguồn tài liệu. Trong đó, cần tham khảo những ấn phẩm lịch sử tiêu biểu như: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam - tập 1 (1930 - 1945) (Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương), Văn kiện Đảng toàn tập - tập 4 và tập 5 (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2001), Hồ Chí Minh toàn tập - tập 3 (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2000)...; các ấn phẩm lịch sử địa phương như: Địa chí An Giang (Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, 2013), Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang - tập 1 (1927 - 1954) (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang, 2007), Truyền thống công tác Tuyên giáo tỉnh An Giang (1930 - 2005) (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, 2005)...; lịch sử Đảng bộ cấp trên trực tiếp và lịch sử Đảng bộ các địa phương lân cận./.

P.LLCT&LSĐ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36723608