Truy cập hiện tại

Đang có 46 khách và không thành viên đang online

Ngày Quốc khánh 2/9/1945 ở Nam bộ

(TGAG)- Khi Thế chiến thứ II bùng nổ, Nguyễn Ái Quốc ở Moscow đã có dự đoán thiên tài: Nếu Thế Chiến thứ I đã cho ra đời một nước xã hội chủ nghĩa thì Thế Chiến thứ II sẽ cho ra đời nhiều nước xã hội chủ nghĩa, vì thế mà cách mạng sẽ thành công ở nhiều nước. Do đó Nguyễn Ái Quốc tìm mọi cách về nước để chuẩn bị thời cơ khởi nghĩa. 

Ngày 08/02/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc số 108 biên giới Việt Trung trở về tổ quốc sau gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Ngày 10/5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 được triệu tập do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì với sự tham gia của Trường Chinh và đại biểu của xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Tại Hội nghị này, ngày 19/5, theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, chuẩn bị tập hợp lực lượng, khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân.

Từ đó, với sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, lực lượng cách mạng phát triển mạnh mẽ. Ngày 13/8/1945, lệnh tổng khởi nghĩa được phát động. Ngày 16/8 Đại hội quốc dân ở Tân Trào, rồi Cách mạng Tháng Tám đã nhanh chóng thành công ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ từ ngày 17 đến 24/8/1945.

Ở Nam bộ tình hình rất khác. Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 thất bại, Pháp đã tăng cường đàn áp và khủng bố trắng. Lực lượng cách mạng gần như tan rã, chưa kịp phục hồi, lại ở xa Trung ương. Do đó, những chủ trương từ Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Xứ ủy Nam bộ không nắm được, lại còn bị chia rẽ trong nội bộ Đảng (có 2 Xứ ủy, Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải Phóng). Tuy nhiên, với tinh thần đảng viên cộng sản, sau khi nghe tin Cách mạng Tháng Tám đã thành công ở Bắc bộ và Trung bộ, cả 2 Xứ ủy đều đã nhanh chóng lãnh đạo khởi nghĩa ở các tỉnh thuộc Nam bộ, đến ngày 28/8/1945 Tổng khởi nghĩa Tháng Tám cũng hoàn thành ở toàn Nam bộ.

Chiều ngày 2/9, cùng một lúc với các tỉnh, thành trên cả nước, Xứ ủy và Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ tổ chức Lễ Độc lập tại Sài Gòn.

Nhà báo Trần Tấn Quốc tường thuật (trên báo Việt Thanh): “Cuộc lễ Độc lập cử hành đúng 14 giờ (2 giờ chiều). Tuy nhiên, mới 12 giờ trưa, dưới mặt trời đứng bóng, các đoàn thể quần chúng, các toán dân quân lũ lượt từ trong các trụ sở ở châu thành, từ các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Cộng Hòa (tức đại lộ Norodom vừa đổi tên) tập trung sau nhà thờ Đức Bà”. Còn Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky kể lại (trong Hồi ký Thoáng nhớ một thời): “Có thể nói là hầu hết người dân Sài Gòn đều đổ ra đường. Đúng là cả một biển người chưa từng thấy từ lâu lắm rồi ở thành phố này”.

Theo dự kiến, Ban Tổ chức lễ sẽ tiếp sóng bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc trên làn sóng của Đài Phát thanh Bạch Mai (Hà Nội). Thế nhưng, do đài phát (ở Hà Nội) và máy thu (ở Sài Gòn) đều quá cũ, nên việc tiếp sóng không thực hiện được. Do đó, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu lên lễ đài ứng khẩu phát biểu với nhân dân Sài Gòn.

Như vậy, Nhân dân Sài Gòn, Nhân dân Nam bộ không được nghe trực tiếp bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong ngày 2/9/1945. Nhưng Nhân dân Sài Gòn, Nhân dân Nam bộ với 3 đặc điểm:

Một là, mặc dù dân Nam bộ là dân lưu tán, ít học nhưng vẫn hiểu rằng mình là người Việt, một dân tộc hình thành lâu đời. Có khi chưa rành về sử nhưng di truyền trong tâm thức nguồn gốc ấy. Người Việt là người không chấp nhận sự đồng hóa từ phương Bắc. Tinh thần bất khuất nuôi dưỡng tâm hồn người Việt và qua lòng ngưỡng mộ tổ tiên, họ chuyển cái nền tảng thiêng liêng như thế vào công cuộc khai phá Nam bộ.

Hai là, cuộc phát triển đại quy mô ở Nam bộ diễn ra vào lúc đất nước chia hai - Đàng Ngoài và Đàng Trong - trải qua nhiều năm tháng đánh nhau, một hình thức “nồi da xáo thịt” mà những người Việt có đạo lý và lương tri không thể chấp nhận. Vào Nam bộ khai phá và sinh sống, lưu dân canh cánh bên lòng sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và đó là ước mong của thế hệ này sang thế hệ khác.

Ba là, vào Nam bộ ngót 250 năm (từ 1698), người dân Nam bộ chỉ hưởng thống nhất, tự do, độc lập non 60 năm từ 1802 đến 1861, lại tiếp tục chịu sự đày đọa, bóc lột, chia rẽ của Thực dân Pháp xâm lược. Hơn ai hết, nhân dân Sài Gòn, nhân dân Nam bộ khao khát độc lập, tự do, thống nhất theo tinh thần của Tuyên ngôn độc lập.

Do đó, nhân dân Nam bộ nói riêng, toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung, “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Với đặc tính này, nhân dân Nam bộ đã phản kháng quyết liệt đối với bọn phong kiến, thực dân, đế quốc, đi theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt chặng đường 30 năm, đi trước về sau, kể từ ngày 2/9/1945.

ĐẶNG HOÀI DŨNG
Chủ tịch Hội Sử học tỉnh An Giang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40133056