Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng
- Được đăng: Thứ hai, 13 Tháng 8 2018 16:45
- Lượt xem: 10869
(TGAG)- Việc giữ vững và tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ (TTDC) một cách đúng đắn và nghiêm ngặt có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy mà Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách…”.
Nguyên tắc TTDC của Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất ở việc thực hành nguyên tắc này “Nghĩa là có việc gì thì ai cũng được được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nào nhiều người theo hơn thì được. Ấy là dân chủ. Đã bỏ thăm rồi, thì giao cho hội ủy viên làm, khi ấy thì tất cả hội viên phải tuân theo mệnh lệnh hội ấy. Ấy là tập trung. Ai không nghe lời thì ủy viên hội có quyền phạt”. Hồ Chí Minh còn cho rằng: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực hành, lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và kỷ luật”.
Vì sao cần phải cá nhân phụ trách? Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy. Nếu không có cá nhân phụ trách thì sẽ sinh ra cái tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả không ai thi hành.
Vì lẽ đó, cho nên lãnh đạo cần phải tập thể, mà phụ trách cần phải cá nhân. Lãnh đạo không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau.
Nhưng cũng có những việc bình thường, một người có thể giải quyết thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết. Những việc quan trọng, mới cần tập thể quyết định.
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung. Làm mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung.
Về khái niệm, trong những tác phẩm của chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các bản Điều lệ của Đảng có khi ghi là “dân chủ tập trung”, có khi lại ghi là “tập trung dân chủ”. Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tháng 10-1930, Điều lệ Đảng do Đại hội I (3-1935) và Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam (2-1951) đều ghi là “dân chủ tập trung”, nhưng từ Đại hội III của Đảng tới nay thì lại ghi là “tập trung dân chủ”.
Tuy rằng có sự khác nhau trong cách nói, cách viết, song xét về nội dung thì dù gọi là “dân chủ tập trung” hay “tập trung dân chủ” thì đều có nội hàm giống nhau. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó đã được ghi trong Chương II, điều 9 - Điều lệ Đảng: “Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ”.
Nguyên tắc TTDC là sự kết hợp hài hòa giữa hai mặt tập trung và dân chủ. Cả hai mặt tập trung và dân chủ tạo thành chỉnh thể thống nhất của một nguyên tắc. Dân chủ là điều kiện, là tiền đề của tập trung; cũng như tập trung là cơ sở, là cái bảo đảm cho dân chủ được thực hiện. Không được nhấn mạnh một chiều tập trung hay dân chủ hoặc càng không được đối lập giữa hai mặt tập trung và dân chủ với nhau. Vì rằng, trong tập trung chân chính đã chứa đựng dân chủ và trong dân chủ đúng đắn đã có tập trung. Do đó, dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật, kỷ cương chặt chẽ. Tập trung không trên cơ sở dân chủ sẽ dẫn đến tập trung quan liêu, độc đoán, gia trưởng; dân chủ không đi đôi với tập trung sẽ dẫn đến dân chủ vô chính phủ, tự do, tùy tiện, làm Đảng mất sức mạnh. Có thể nói nguyên tắc TTDC là mắc xích quan trọng nhất, là điều kiện tồn tại của Đảng cầm quyền.
Những nguyên tắc và điều kiện trên đã được kiểm nghiệm, chứng minh trong suốt quá trình tổ chức và hoạt động của Đảng, cả trong khi chưa có chính quyền cũng như trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền. Thành tựu to lớn và cả những sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng của phong trào cộng sản quốc tế suốt trong lịch sử ra đời và phát triển cho tới ngày nay, càng chứng minh ý nghĩa khách quan và vai trò quyết định của nguyên tắc TTDC. Đánh giá thấp và phủ nhận nguyên tắc TTDC với tính cách là nguyên tắc xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước thực chất là biến Đảng từ một tổ chức thống nhất về chính trị, tư tưởng và hành động, có sức chiến đấu cao của những người có chung một lý tưởng cộng sản và hoài bão phục vụ nhân dân thành một kiểu câu lạc bộ tranh cãi suông, chia rẽ và đối lập; biến Nhà nước của nhân dân thành nơi tranh giành quyền binh của các thế lực thù địch.
Ngày nay, Đảng ta đang lãnh đạo Nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, điều đó đòi hỏi Đảng phải luôn tự đổi mới, tăng cường công tác xây dựng đảng để đáp ứng với nền kinh tế và cơ chế mới. Những chuyển biến tiến bộ về thực hiện nguyên tắc TTDC được thể hiện qua:
- Mọi chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng đều được tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của đảng viên và tổ chức đảng từ cơ sở trở lên.
- Sinh hoạt của các cấp ủy và tổ chức đảng ở các cấp đã có không khí thảo luận cởi mở, thẳng thắn hơn, các cấp ủy viên mạnh dạn trình bày ý kiến riêng của mình; tăng cường các hình thức giao ban, hội thảo, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ chủ chốt với đảng viên và nhân dân.
- Dân chủ trong Đảng và dân chủ trong xã hội có bước khởi sắc. Việc bầu cử trong Đảng, các đoàn thể và cơ quan dân cử cũng như phong cách lãnh đạo của Đảng có tiến bộ.
- Dân chủ trong công các tổ chức và cán bộ: đánh giá, tuyển chọn, đề bạt cán bộ được tiến hành công khai, dân chủ, tập thể hơn. Công tác cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tình trạng tùy tiện, cục bộ địa phương, mất đoàn kết nội bộ được chấn chỉnh kịp thời, những tổ chức và cá nhân vi phạm đã được xử lý thích đáng.
- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã có chuyển biến rõ rệt trong đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế: đề ra nhiều chủ trương, chính sách về đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng đảng…; bước đầu hình thành một hệ thống quan điểm về quá độ lên CNXH ở nước ta. Sự chuyển hướng này có ý nghĩa hết sức quan trọng để Đảng giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ.
Song, bên cạnh đó vẫn bộc lộ sự nhận thức và thực hiện nguyên tắc TTDC chưa tốt trong một số đảng viên và tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Có lúc, có nơi một số cán bộ và cấp ủy còn nặng về tập trung quan liêu, độc đoán, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Không ít nơi, tập thể chỉ là “bình phong” hợp thức hóa ý kiến người đứng đầu. Trong sinh hoạt của nhiều cấp ủy và tổ chức đảng chuẩn bị không chu đáo, thảo luận qua loa, nghị quyết không cụ thể, không tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Dân chủ không đi đôi với kỷ luật dẫn đến tình trạng kỷ cương lỏng lẻo, nói và làm tùy tiện, chấp hành kỷ luật của Đảng, Nhà nước không nghiêm. Có nơi lãnh đạo cấp trên có thiếu sót, sai lầm, cấp dưới thường ngại đấu tranh hoặc có đấu tranh cũng khó được cấp trên tiếp thu sửa chữa; sự khách quan, dám nhìn thẳng vào thực tế trên từng lĩnh vực chưa được đề cao, làm vô hiệu hoá sức mạnh của TCCSĐ. Có nơi còn lợi dụng dân chủ để nói xấu, đả kích, làm mất uy tín, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ… Chất lượng sinh hoạt của các TCCSĐ ở cơ quan rất yếu, nội dung nghèo nàn, hình thức, chiếu lệ, gần như chỉ là “cái đuôi” của chuyên môn.
Đại hội XII của Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong thực hành, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong những năm qua: Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, pháp luật còn tồn tại ở nhiều nơi. “Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”(1).
Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân” (2). Điều đó khẳng định bản chất dân chủ thực sự của Nhà nước ta./.
Hòa Bình
______________(1), (2): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 168, 170.