Truy cập hiện tại

Đang có 253 khách và không thành viên đang online

Cuối năm bàn chuyện họp hành

(TGAG)- Chẳng biết ai là người đầu tiên đã nghĩ ra việc ghép cái từ “họp” đi liền với từ.. “hành”. “Hành” vốn là từ gốc chữ Hán, ở thể động từ, thường được gắn với một từ khác tạo thành một từ ghép. “Hành” thường được hiểu là “đi”, và như thế: họp hành, nghĩa là đi họp. Nhưng những người thích châm biếm lại lý giải theo hướng khác. “Hành” còn được hiểu theo nghĩa là một cử chỉ cưỡng bức, làm cho người khác khổ sở: “hành hạ”, “hành tội”; “hành xác” và nếu hiểu theo nghĩa đó thì họp mà đi với hành thì... mệt lắm!

Thực trạng hiện nay, việc hội họp ở ta đang “lạm phát” với tốc độ phi mã, các cuộc họp dày đặc, nhất là vào dịp cuối năm đang trở nên quá tải và ám ảnh không ít cán bộ công chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Thời gian làm việc của nhiều người phần lớn là dành cho việc “họp”. Nào là các kỳ họp nội bộ của cơ quan, đơn vị như: họp tuần, họp tháng, họp quý, họp năm, họp đột xuất, họp bất thường.. nào là những cuộc họp ở các cơ quan đơn vị bên ngoài mời tham dự, mà tính sơ sơ có lẽ lên tới hàng trăm cuộc lớn nhỏ: từ họp tổ dân phố cho tới các cuộc họp của các cơ quan ban ngành trực thuộc và của các cơ quan lãnh đạo… Tính chất các cuộc họp cũng hết sức phong phú đa dạng, nội việc kể tên các cuộc họp thôi cũng đã mất khá nhiều thời gian như: họp giao ban; họp bàn xây dựng kế hoạch; họp triển khai kế hoạch; họp ban chỉ đạo; họp sơ kết, tổng kết; họp đón đoàn thanh tra, kiểm tra; v.v. và v.v..

Họp, vốn là một hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng, và đặc biệt quan trọng trong công tác điều hành, lãnh đạo, quản lý xã hội. Nếu thiếu đi việc họp, sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ mà điều dễ nhận thấy nhất là trong chỉ đạo điều hành sẽ dễ bị lạm quyền, độc đoán, chủ quan, duy ý chí, mất đi tính công khai, dân chủ, không phát huy được trí tuệ của tập thể, cộng đồng.

Tuy nhiên, lạm dụng họp cũng là việc không tốt. Họp quá nhiều vừa lãng phí thời gian, của cải, công sức của cá nhân và xã hội, vừa tác động tiêu cực làm trì trệ hoạt động chung, và chắc chắn một điều: họp quá nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, bởi lấy đâu ra thời gian để nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới... Thế nên mới có chuyện vui rằng có một cán bộ lãnh đạo nọ do phải sắp xếp tham dự nhiều cuộc họp cùng lúc, vì thế nên khi được mời lên phát biểu khai mạc tại một cuộc họp, lại trịnh trọng phát biểu: “..sau một buổi làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc..” chỉ tới khi cử toạ xôn xao, mới giật mình phát hiện đã đọc nhầm bài phát biểu bế mạc của một cuộc họp khác. Vì thế nên mới có những cuộc họp triển khai văn bản xong, đề nghị đại biểu phát biểu mà chẳng ai có ý kiến, chủ toạ kết luận, vỗ tay xong rồi về. Rồi rất nhiều cuộc họp mời mà đại biểu đi dự không đúng thành phần thơ mời, bởi lãnh đạo đơn vị không thể tham dự nhiều cuộc họp cùng lúc, đành cử cán bộ, thậm chí nhân viên tham dự. Lẽ đương nhiên chất lượng những cuộc họp như thế không thể đạt yêu cầu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng họp hội quá nhiều. Một trong những nguyên nhân quan trọng phải kể đến là do hiệu lực quản lý chưa nghiêm! Văn bản chỉ đạo ban hành rồi, kế hoạch cũng đã phát hành xong, nhưng các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm vẫn chưa thực hiện, vì còn chờ… họp triển khai. Bên cạnh đó, thực trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, phân cấp phân quyền chưa hợp lý cũng là một nguyên nhân quan trọng, điều đó kéo theo việc hình thành hàng loạt các Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo muốn làm việc thì phải.. họp thôi! Cùng với đó là bệnh thành tích, bệnh hình thức.. muốn tổ chức cuộc họp, hội nghị để tô hồng thành tích, để được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, để báo cáo cấp trên. Để cuộc họp tăng phần long trọng, thành phần mời họp phải rộng, có khi rộng quá mời cả các cơ quan đơn vị ít liên quan… tất cả những điều đó làm cho thực trạng hội họp ngày càng “lạm phát”.

Việc giảm thiểu hội họp, tăng cường đi cơ sở đã được nói nhiều, đề cập nhiều trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Ngày 25/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg, ban hành Quy định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Việc giảm thiểu và nâng cao chất lượng các cuộc họp cũng đã được đề cập nhiều trong chương trình, kế hoạch của các cấp các ngành theo từng năm. Thế nhưng, họp hội vẫn cứ tăng trưởng đều đều mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Thiết nghĩ đã tới lúc các cấp các ngành cần chú trọng hơn nữa trong việc tiết giảm và nâng cao chất lượng các cuộc họp thật sự cần thiết. Qua đó, có thêm thời gian để nghiên cứu, hoạch định, sâu sát với cơ sở, vừa nâng cao hiệu quả công tác, góp phần tăng cường cải cách hành chính, tiết kiệm công sức, thời gian, tiền của cho cơ quan đơn vị và cho xã hội.

Cuối năm, mùa tổng kết của các ngành các cấp các địa phương đơn vị, bàn chuyện họp cũng là điều cần thiết./.

Văn An
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37061172