Truy cập hiện tại

Đang có 128 khách và không thành viên đang online

Khẳng định giá trị bền vững!

(TGAG)- Chủ nghĩa Mác-Lênin đã xác lập niềm tin khoa học và thúc đẩy hành động cách mạng đối với quần chúng lao động trong cuộc đấu tranh thực hiện khát vọng tự do, dân chủ, công bằng… Vì vậy, nó đã thâm nhập vào trái tim và khối óc của nhân dân lao động tiến bộ toàn thế giới; làm thức tỉnh lương tri và phẩm giá các dân tộc, trở thành vũ khí tư tưởng, sức mạnh vật chất, tạo ra phong trào cách mạng khắp nơi.

Sau khi Liên Xô sụp đổ lại xuất hiện luận điểm: “Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp trong thế kỷ XIX, cùng lắm trong thế kỷ XX chứ không còn phù hợp trong thế kỷ XXI”. Đây là sự xuyên tạc chủ quan, đầy thiên kiến, nếu không nói là phản động. Một mặt, nó không thấy giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin; mặt khác, lại không hiểu đúng thực tiễn đang diễn ra. Thực tiễn chẳng những không hề phủ nhận mà còn khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin tiếp tục phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại; không thể hình dung được thế kỷ XXI sẽ ra sao nếu không tính đến sự hiện diện của học thuyết vừa khoa học vừa cách mạng này. Tác giả Fredrie Jamoson trong cuốn sách “Hệ tư tưởng của học thuyết”, xuất bản năm 2008 ở London khẳng định: “Chủ nghĩa Mác dứt khoác đúng!”.

Đặc biệt là, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I. Lê-nin đã làm sâu sắc hơn, hiện thực hơn những dự báo của Mác. Ông đã xây dựng “chính sách kinh tế mới”, thực hiện kinh tế nhiều thành phần, giải phóng lực lượng sản xuất,... Những tư tưởng của nó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

V.I. Lê-nin thường nhấn mạnh, muốn không trở thành lạc hậu so với cuộc sống, những người cộng sản phải không ngừng bổ sung, phát triển lý luận mà họ theo đuổi. Người thường lưu ý: Thực tiễn không ngừng biến đổi, rất phong phú, đa dạng… “thực tiễn cao hơn nhận thức”. Con người và tư tưởng của con người, kể cả những thiên tài cũng đều là sản phẩm của lịch sử, chịu sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử. Do vậy, không thể đòi hỏi các bậc tiền bối phải cung cấp câu trả lời cho hậu thế những vấn đề đặt ra hiện nay, mà trách nhiệm đó thuộc về thế hệ hôm nay. Có lần, Người nói một cách châm biếm: Nếu có 55 ông Mác thì cũng không thể đáp ứng!

Ph.Ăngghen từng cảnh báo: “Toàn bộ thế giới quan của Mác... là một phương pháp. Nó không đem lại những giáo điều có sẵn, mà đem lại những điểm xuất phát cho việc tiếp tục nghiên cứu và phương pháp cho sự nghiên cứu đó”.  Như vậy, học thuyết chỉ là những gợi ý về phương pháp, còn việc áp dụng, vận dụng nó vào thực tiễn đòi hỏi phải có sự nỗ lực sáng tạo của những người cách mạng, phù hợp với những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, không thể máy móc, giáo điều.

Hồ Chí Minh là một tấm gương “trung thành-sáng tạo”. Người luôn nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng với sự phát triển, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Người không bao giờ coi chủ nghĩa Mác - Lênin là “cái gì đã xong xuôi hẳn”, là đơn thuốc vạn năng, Người nói: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”.

Người từng chỉ dạy, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin không phải nhằm thuộc lòng từng câu chữ mà phải nắm lấy “tinh thần và phương pháp”, nhất là phép biện chứng,; là “học tập cái tinh thần xử trí” mọi việc đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến để áp dụng một cách sáng tạo vào thực tế. Bởi chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo.

Thoát ly hoàn cảnh lịch sử trong việc nhận thức, đánh giá những tư tưởng trong quá khứ là một việc làm phi khoa học và không thể nhận thức được chân lý. Như đã nói, những giá trị tinh túy, bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin nằm ở tầm quan điểm, phương pháp mà linh hồn của nó là phép biện chứng. Nắm lấy những quan điểm và phương pháp đó, chúng ta có trong tay chìa khóa để tìm lời giải cho những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Bài học số một rút ra trong quá trình đổi mới là phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam./.
                           
Sự thật
   

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37054416