Truy cập hiện tại

Đang có 125 khách và không thành viên đang online

Hiệu quả từ mô hình tổ “Nắm gạo tình thương”

(TGAG)- Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sức lan tỏa mạnh mẽ từ cán bộ, đảng viên đến mọi tầng lớp nhân dân ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành. Việc học tập và làm theo Bác không ở đâu xa, mà ngay từ những việc làm nhỏ, miễn sao nó mang lại ý nghĩa cho người dân, cho xã hội.

Với ý nghĩa đó, mô hình tổ “Nắm gạo tình thương” đã được hình thành tại ấp Bình Phú II, xã Bình Hòa, mong muốn cùng san sẽ những khó khăn, vất vả trong đời sống đối với những người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ những việc làm nhỏ, góp thành ý nghĩa lớn, tổ “Nắm gạo tình thương” ngày càng phát huy được hiệu quả và thu hút ngày càng đông những tấm lòng thiện nguyện cùng tham gia, góp sức trên tinh thần “Tương thân tương ái”. Ra đời và hoạt động từ năm 2014, với 7 thành viên chính thức, do ông Nguyễn Chánh Định đứng ra làm Tổ trưởng, quán xuyến mọi công việc của tổ. Ông xuất thân từ nông dân, gia đình cũng không mấy gì giàu có, nhưng cùng chung một ý chí, một tâm tư nguyện vọng là sẽ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình, nên các thành viên trong tổ luôn tham gia bằng cả tấm lòng và cái tâm sẵn có.


Mô hình tổ “Nắm gạo tình thương” tại ấp Bình Phú II, xã Bình Hòa

“Ban đầu khi mới đi vào hoạt động, tổ “Nắm gạo tình thương” gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác vận động. Bình quân mỗi tháng tổ chỉ vận động, đóng góp được từ 250 đến 300kg gạo, phân chia thành mỗi phần 5kg để giúp đỡ cho các hộ nghèo trong ấp. Tuy nhiên với sự nỗ lực và cố gắng của từng thành viên, không ngại khổ, không ngại khó, đến nay, tổ đã đi vào nề nếp, được sự quan tâm của rất nhiều mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương đến ủng hộ. Hiện tại, mỗi tháng đã vận động, đóng góp được hơn 600kg, mỗi phần gạo chia ra để hỗ trợ cho các gia đình khó khăn lên được 10kg” - ông Nguyễn Chánh Định cho biết.

Để tổ “Nắm gạo tình thương” đi vào hoạt động có nề nếp, các tổ viên đã bàn bạc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Công việc chính của các thành viên là vận động, tiếp nhận, bảo quản gạo tránh hư hỏng, ẩm mốc, đồng thời, phân chia cấp phát gạo theo kế hoạch hàng tháng. Từ những việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, đến nay, mô hình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong ấp, trong xã mà còn ảnh hưởng tích cực đến các địa phương lân cận. Mô hình nhanh chóng được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân đến đóng góp, ủng hộ. Ai có gạo thì ủng hộ gạo, ai có tiền thì ủng hộ tiền tùy theo tấm lòng của mỗi người, cùng chung mục đích là giúp đỡ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa và trợ giúp đột xuất những gia đình khó khăn cần có sự giúp đỡ.

Không chỉ tích cực vận động các nguồn lực bên ngoài chung tay đóng góp, bản thân từng thành viên trong tổ đều có tính tự giác, nêu gương. Từng thành viên trong tổ đều đặt một thùng gạo tiết kiệm ngay trong gia đình mình. Và xem đây như một công việc không thể thiếu trong gia đình, cứ mỗi ngày một nắm gạo, mỗi tuần, một tháng, các thành viên trong tổ cũng dành dụm được vài chục ký gạo để giúp đỡ người nghèo trong ấp, trong xã. Ông Nguyễn Văn Ký, thành viên trong tổ, vui vẽ nói:… “Tuy mỗi gia đình của các từng viên không giàu có, nhưng mình có thể giúp những người nghèo hơn mình trong khả năng. Gì chứ tiết kiệm gạo là việc làm dễ thực hiện và thiết thực nhất”.

Có thể thấy, hiệu quả từ phong trào này đã tạo điều kiện gắn kết tinh thần tương thân tương ái, thắt chặt tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng, xã hội. Đến thăm một số gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã nhận được sự giúp đỡ từ tổ “Nắm gạo tình thương” mới thấy hết ý nghĩa của hoạt động tương thân tương ái trong từng nắm gạo. Ông Trần Văn Mới, ở tổ 4, ấp Bình Phú II là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hàng tháng đều được nhận gạo hỗ trợ từ tổ “Nắm gạo tình thương”. Ông Mới, xúc động nói:… “Từ lúc mô hình được triển khai tại ấp đến nay, gia đình tôi thường xuyên nhận được gạo, mỗi lần hơn cả chục kg gạo, đối với tôi số gạo đó quý giá hơn gì hết, bởi vì đây là những tấm lòng, là nguồn động lực giúp tôi cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.

Chị Nguyễn Minh Thị Tuyết Hồng, Trưởng ấp Bình Phú II, cho biết: …“Từ lúc mô hình “Nắm gạo tình thương” được triển khai tại ấp, đã góp phần cùng với Ban ấp thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, góp phần tích cực vào việc chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần trao tặng gạo cùng các phần quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thấy được nụ cười, niềm vui của họ, chúng tôi như có thêm động lực phấn đấu, cố gắng thực hiện mô hình tốt hơn nữa để có thể giúp được nhiều người hơn”.


Các thành viên mang gạo đến hỗ trợ cho hộ nghèo

Với những việc làm thiết thực đó, tổ “Nắm gạo tình thương” đã đóng góp một phần công sức vào công an tác an sinh xã hội của địa phương, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Đến nay, tổ “Nắm gạo tình thương” như một sợi dây nối liền những tấm lòng thơm thảo của những mạnh thường cùng chung tay chăm lo cho người nghèo. Việc tiết kiệm gạo giúp đỡ người nghèo đã trở thành việc làm thường xuyên ở ấp Bình Phú II. Những phần gạo được phát đến tay những người nghèo tuy số lượng không lớn, nhưng trở nên rất quý giá đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Qua 5 năm hình thành và hoạt động, số lượng gạo do tổ “Nắm gạo tình thương” vận động được gần 45.000kg, giúp đỡ, hỗ trợ cho hơn 4.000 lượt hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn không chỉ trong ấp mà còn trong toàn xã. Chỉ tính riêng trong 3 năm qua, địa bàn ấp Bình Phú II đã có 15 hộ thoát nghèo, 18 hộ thoát cận nghèo. Hiện tại, toàn ấp chỉ còn 33 hộ thuộc diện hộ nghèo và 23 hộ cận nghèo.

Lúc sinh thời, Bác Hồ đã từng nói và hành động: "Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo”. Đây sẽ là lời di huấn để tạo động lực cho tổ “Nắm gạo tình thương” ấp Bình Phú II, xã Bình Hòa ngày càng phát huy được hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đề cao tinh thần “Tương thân tương ái”, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, sự tương trợ, giúp đỡ nhau của những nhà hảo tâm dành cho những người khó khăn, neo đơn, chung tay thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn ấp Bình Phú II nói riêng và xã Bình Hòa, huyện Châu Thành nói chung.

Trúc Phương
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36725773