Truy cập hiện tại

Đang có 140 khách và không thành viên đang online

Hiệu quả hoạt động tín dụng góp phần phát triển nông thôn

(TGAG)- Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đã có chuyển biến hết sức tích cực, đã tác động tích cực đến hoạt động của ngành Ngân hàng trong năm 2018 đạt nhiều kết quả quan trọng góp phần phát triển nông thôn. Hoạt động các tổ chức tín dụng (TCTD) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, giảm nghèo bền vững và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi từ nông thôn đến thành thị.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh An Giang Lê Trọng Nghĩa cho biết: "Các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn bằng các hình thức đa dạng, tăng cường huy động vốn trung hạn, dài hạn kết hợp nâng cao chất lượng dịch vụ, mặt bằng lãi suất huy động trong năm 2018 cơ bản ổn định. Tổng số dư vốn huy động đến cuối năm 2018 là 46.907 tỷ đồng, so cuối năm 2017 tăng 13,77%. So với 13 tỉnh trong khu vực ĐBSCL, nguồn vốn huy động của An Giang luôn chiếm tỷ trọng cao, đứng thứ 5 trong khu vực ĐBSCL trong công tác huy động vốn".



Các TCTD tiếp tục tập trung các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng; ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu theo các chương trình mục tiêu kinh tế trọng điểm của tỉnh, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2018 tổng dư nợ cho vay của hệ hống ngân hàng An Giang 66.898 tỷ đồng, so với cuối năm 2017 tăng 10,05%. Chất lượng tín dụng được tăng cường kiểm soát, nợ xấu chiếm 1,37%/tổng dư nợ (919 tỷ đồng).

Điển hình như chương trình tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ năm 2018 đạt 35.917 tỷ đồng, tăng 8,86% so năm 2017; chiếm 53,69%/tổng dư nợ toàn tỉnh. Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg): Dư nợ 515 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 1.547 khách hàng. Tín dụng chính sách với các chương trình cho vay theo lãi suất ưu đãi đến các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên... dư nợ cho vay ước đạt 2.926 tỷ đồng, chiếm 4,37% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp: có 1.638 lượt doanh nghiệp dư nợ đến cuối năm 2018 là 24.104 tỷ đồng.

Năm 2018, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank) chi nhánh An Giang đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Huy động vốn đạt 380 tỷ đồng; dư nợ đạt 1.085 tỷ đồng; nợ xấu ở mức 0,49%, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân ngành và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Doanh thu thuần sau rủi ro đạt trên 36,4 tỷ đồng, vượt 89% kế hoạch. Các chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh An Giang đối với người nghèo và các đối tượng chính sách là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; hạn chế tình trạng học sinh-sinh viên phải bỏ học, nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh, nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn… bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện…, tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.

Năm 2018, các TCTD triển khai thực hiện tốt các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng để đáp ứng nhu cầu thanh toán và nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt; hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Bên cạnh những thuận lợi cũng còn một số hạn chế: kết quả xử lý nợ theo Nghị quyết 42 còn nhiều khó khăn, vướng mắc; tình trạng các cá nhân, tổ chức dán tờ rơi cho vay không cần thế chấp (chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận đăng ký xe…) với lãi suất rất cao, đòi nợ bằng biện pháp khủng bố người thân, bạn bè, đe dọa người vay… Đây là những hoạt động của các tổ chức, băng nhóm xã hội đen, tổ chức tín dụng đen đã diễn biến hết sức phức tạp, để lại nhiều hệ lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và an ninh trật tự của người dân trên phạm vi cả nước.

Từ nguồn vốn chương trình tín dụng giúp người dân đầu tư sản xuất chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình

Năm 2019, ngành Ngân hàng An Giang sẽ tiếp tục xử lý nhanh vấn đề nợ xấu theo Nghị quyết 42, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp huy động nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn huy động tại địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đặc biệt năm 2019, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn qua đó góp phần đẩy lùi, hạn chế tệ nạn tín dụng đen.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh An Giang kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, hỗ trợ tích cực và kịp thời giúp ngành ngân hàng xử lý và thu hồi nợ xấu theo tinh thần NQ 42; hỗ trợ ngành Ngân hàng triển khai thực hiện các chương trình tín dụng tại địa phương.     

Mạng lưới ngân hàng phủ khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với 59 TCTD và 146 Chi nhánh cấp 2, 3 và phòng giao dịch, 156 điểm giao dịch đang hoạt động. Tại các vùng nông thôn xa đều có điểm giao dịch Ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nhanh đến các dịch vụ Ngân hàng để phục vụ trong đời sống hàng ngày. Các TCTD đã xây dựng 252 trụ máy ATM và 878 máy điểm chấp nhận thẻ POS. Chất lượng hoạt động không ngừng được cải thiện, hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ luôn được quan tâm nâng cấp, đổi mới, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ngày càng được nâng cao về chất lẫn về lượng. Các dịch vụ thanh toán qua thẻ, chi trả lương, thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, nộp thuế được Ngân hàng triển khai mạnh và đã thu hút người dân tham gia ngày càng tăng, nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được người dân quan tâm và sử dụng mang lại nhiều tiện ích, thuận tiện cho nhu cầu đời sống của người dân.

Hạnh Châu
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36718158