Truy cập hiện tại

Đang có 125 khách và không thành viên đang online

Nông nghiệp Phú Tân 43 năm, tự hào một chặng đường bức phá

(TGAG)- Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đời sống nhân dân Phú Tân gặp rất nhiều khó khăn, Tỉnh ủy Long Châu Tiền (sau này là Tỉnh ủy An Giang) chỉ đạo nhiệm vụ kinh tế lúc bấy giờ là khôi phục và phát triển nông nghiệp, chủ yếu là làm lúa tăng vụ. Nhưng phải bắt đầu từ đâu? Qua khảo sát thực địa, Huyện ủy Phú Tân xác định lấy thủy lợi là khâu đột phá, đi đầu mở đường nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất phù sa như chưa được đánh thức.

Phú Tân là huyện cù lao, nông thôn, tôn giáo. Được thành lập vào cuối năm 1968 do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ địa bàn các xã của 2 huyện Tân Châu- Châu Phú. Là nơi có truyền thống cách mạng lâu đời.
 

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Phú Tân, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Lúc đó tôi là Phó ban Tuyên huấn, được Huyện ủy Phú Tân (An Giang) phân công phụ trách 3 xã: Tân Hòa, Phú Hưng và Phú Mỹ (nay là thị trấn). Người dân gọi đây là 3 xã vùng “O” vì có con lộ đất bao quanh cánh đồng rộng trên 1.200ha. Khi khảo sát thực địa, nghe người dân nói phải bỏ trống đất trong vụ hè-thu vì sợ lũ nhấn chìm, rồi chuyện đi lại khó khăn khi lũ về.... Xót của, thương dân, tôi mới tìm cách... và chọn nơi đây để làm thí điểm.

Sau nhiều trăn trở, bất giác tôi nhớ đến hình ảnh người dân tỉnh Cần Đan (Campuchia) đắp đập bảo vệ thành công vùng trồng bắp ven sông Hậu mà tôi tận mắt chứng kiến trong những năm kháng chiến. Thế là ý tưởng mới ra đời... Tôi đề xuất với Bí thư Huyện ủy lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Ba (Bảy Tạo) cho đắp đất tại 7 miệng mương nối ra sông Tiền, sông Vàm Nao, vừa ngăn lũ tháng 8, bảo vệ lúa hè-thu, vừa tạo lối đi trong mùa ngập lũ ngay năm 1976. Là người năng động, Bí thư dễ dàng chấp thuận chủ trương, còn tôi thì vấp phải muôn vàn khó khăn khi triển khai.

Do chưa có mô hình trước đó, nên nội bộ thì “lời ra, tiếng vào”, còn người dân thì phản đối ra mặt. Cán bộ, đảng viên chưa thông thì mình quán triệt. Khó nhất là bà con nông dân. Nhiều người trực tiếp gặp tôi nói: Lũ về, nước từ bên dưới trồi lên, rồi mưa từ trên xuống, còn mình chỉ ngăn nước trên sông, trên đồng... bộ tính “bẻ nạng chống trời” hả? Làm được lúa, tôi kê lưng ra cho nấu…. Thấy khó thuyết phục được bằng lời, tôi dùng chiêu “giương đông kích tây”. Tôi nói với bà con: Ai thấy không chắc ăn thì cho chính quyền mượn đất giao cho người nghèo làm. Còn nước, nếu ngập như cô bác nói, tôi sẽ uống hết ! “Xuất thân là nông dân, tui biết đất là máu thịt của bà con, họ sẵn sàng sống chết với nó, không bao giờ họ chịu xa... nên nói vậy để bà con nhảy vô làm. Kết quả là sau đó ai cũng sản xuất, không ai bỏ đất. Lịch sử “bờ bao - giao thông nông thôn” vùng Phú Tân ra đời như thế đấy.

Lũ tháng 8 năm 1976 không quá cao, người dân vùng “O” vừa có đường đi, lại khô ráo, vừa được lúa. Thế là những người từng phản đối hoặc chưa hài lòng bắt đầu thay đổi thái độ. Sau đó, mô hình đắp đê, đắp đập chống lũ tháng 8 kết hợp giao thông nông thôn ở vùng “O” nhanh chóng được nhân ra toàn huyện.

Thế là từ sáng kiến giúp người dân Phú Tân, tôi không chỉ đóng góp kinh nghiệm chống lũ, tạo nền cho “di sản” văn hóa mùa nước nổi ra đời sau này, mà còn khai phóng cho bài toán nan giải về phát triển giao thông nông thôn bằng “chiếc chìa khóa vạn năng”: Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bởi dù tôn cao thêm, hay huy động sức dân làm mới những bờ kênh ngăn lũ, kiểm soát lũ tại mỗi tiểu vùng sản xuất cũng chính là hình thành những ô bàn cờ đường giao thông nông thôn. Nói cách khác, làm đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp cũng chính là làm đường giao thông nông thôn, và ngược lại, làm đường giao thông nông thôn cũng chính là làm đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp.


Con lộ đất năm xưa, giờ đã trở thành con đường tráng nhựa, con đường ấm no, phát triển

Trải qua 43 năm, kể từ ngày giải phóng, thành quả đạt được thật là to lớn, đáng trân trọng và tự hào, là hiện thân của sự hi sinh, vượt khó bằng cả mồ hôi, xương máu của biết bao lớp thế hệ cha anh đi trước dày công vun đắp, tạo dựng. Những người con Phú Tân đi làm ăn xa, hằng năm có dịp về thăm quê hương sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của  xứ sở mình, được tạo nên bằng lửa lòng nhiệt huyết và tình yêu quê hương cuộn chảy trong mỗi người dân.

Tôi thấy tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp ở Phú Tân ngày nay được phát huy đúng mức, nhất là đã khai thác tốt lợi thế của dự án Bắc Vàm Nao, xây dựng đê bao kiểm soát lũ hầu hết diện tích; triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của nhà nước về phát triển nông nghiệp - nông thôn trong tình hình mới.

Trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, tôi thấy để nông nghiệp phát triển một cách vững chắc và bền vững thì Đảng bộ Phú Tân phải coi trọng công tác giáo dục vì giáo dục sẽ tạo ra những con người độc lập, tự chủ, biết làm việc; rồi phải có mối quan hệ đối xử tốt giữa người và người. Nâng cao việc tự học ở từng con người để nó bổ sung cho kiến thức mà ta đang thiếu, tạo ra tư duy mới cho bản thân con người đó. Làm cái gì cũng phải suy nghĩ tạo ra lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội, nhất là phải kiên quyết thì mới thành công. Song song đó, trong làm ăn cũng cần đến tính chân thật, Nông dân phải giữ uy tín trong làm ăn với các doanh nghiệp, phải liên kết thì mới tồn tại và phát triển được. Trong thực tế, tôi không thể tưởng tượng nổi một đất nước nông nghiệp mà ăn cái gì cũng sợ hết bởi vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm! Từ vấn đề này, nãy sinh ra vấn đề sản xuất “lúa sạch” mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới.

Dẫu biết rằng con đường phía trước chắc chắn sẽ còn không ít những gian nan, thử thách; nhưng với ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tin rằng Phú Tân - mảnh đất giàu truyền thống sẽ ngày một phát triển, vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển./.

Trần Văn Hai
 (ghi theo lời kể của ông Nguyễn Minh Nhị
- nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Phú Tân)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37041321