Truy cập hiện tại

Đang có 191 khách và không thành viên đang online

Tân Châu phát triển mô hình nhà màng ứng dụng công nghệ cao

(TGAG)- Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh An Giang, nông dân các xã, phường trên địa bàn thị xã Tân Châu đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, áp dụng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới và cho hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần so với cách làm thủ công, vừa giảm được công lao động, vừa cho ra các loại cây giống khỏe mạnh, không mang mầm sâu bệnh để cung cấp cho thị trường. 

Theo nông dân Nguyễn Văn Nhàn, xã Tân An chia sẻ: Xuất phát từ điều kiện thực tế địa phương, vào năm 2017 ông đã mạnh dạn xây dựng mô hình nhà màng để ươm cây giống cung cấp cho nông dân trên địa bàn; thấy mô hình mang lại hiệu quả, sau đó ông tiếp tục đầu tư nâng diện tích của cơ sở mình từ 3.000 m2 lên 3.600 m2, trồng với nhiều loại giống rau màu, trong đó chủ yếu là ớt đang hút  hàng, trung bình mỗi tháng cơ sở ông Nhàn cung cấp cho thị trường trên 3 triệu cây giống các loại. Để có được nguồn cây giống tốt, ông Nguyễn Văn Nhàn đã đầu tư cho cơ sở mình với số vốn gần 3 tỷ đồng, trang bị thêm hệ thống nhà màng ươm giống, hệ thống máy tưới tự động và máy gieo hạt chân không (6 trong 1 tự động); chính điều này đã giúp cơ sở ông Nhàn tăng công suất 4 lần trong khâu gieo hạt. Đồng thời, giảm được tỷ lệ hao hụt cây giống dưới 10% và cho ra thị trường những cây giống sạch bệnh, chất lượng cao.


Mô hình nhà màng ứng dụng công nghệ cao của cơ sở ươm cây giống Út Nay (xã Phú Vĩnh)

Còn đối với cơ sở ươm cây giống Út Nay của ông Lưu Văn Nhanh, ở xã Phú Vĩnh trước đây, chỉ sản xuất ươm cây giống theo mô hình truyền thống trên vài trăm mét vuông đất nhà, lợi nhuận thu được rất khiêm tốn. Sau đó, do nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, ông Nhanh đã đầu tư tăng diện tích sản xuất lên 2.000 mét vuông. Đến năm 2015, cơ sở nhận được sự hỗ trợ từ chương trình ứng dụng, đổi mới công nghệ theo Quyết định số 538 của UBND tỉnh, xây dựng nhà màng với diện tích 4.000 mét vuông. Hiện tại, ông Nhanh đã thuê đất, tăng thêm diện tích nhà màng lên 12.000 mét vuông, đầu tư hệ thống nhà màng hiện đại, theo kiểu máy hở cố định một bên, hệ thống tưới tự động, hoạt thông gió, ứng dụng cơ giới hóa vào khâu ươm với máy làm đất, máy gieo hạt, máy trộn giá thể cùng hệ thống phun sương, quạt,... Cũng theo ông Nhanh, ươm cây giống trong nhà màng thuận lợi hơn rất nhiều so với sản xuất ngoài trời, vì có thể hạn chế được sự thay đổi của thời tiết. Gặp mưa thì có mái che, nắng nóng quá thì kéo màng lưới che lại, giúp giảm nhiệt độ; đồng thời lắp đặt hệ thống phun tự động, quạt thông gió nhằm kiểm soát được điều kiện khí hậu; Giảm hao hụt cây con từ 10% xuống còn 3% từ khâu gieo ươm và chăm sóc cây giống; Giảm 30-50% công lao động và thuốc bảo vệ thực vật; Nhờ vậy, cây giống được tạo ra từ nhà màng có chất lượng tốt.

Với diện tích hiện tại, mỗi tháng, cơ sở của ông Lưu Văn Nhanh cung ứng từ 10 -15 triệu cây giống ra thị trường. Nhờ chất lượng tốt, giá cả phải chăng, cây giống từ cơ sở của ông Nhanh được tiêu thụ hầu hết các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh, như: Đồng Tháp, Long An và nước bạn Campuchia… Mô hình ươm cây giống của ông Nhanh còn giúp tạo được phong trào cải tiến công nghệ, thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập. Sau khi trừ tất cả chi phí, với 1.000 cây giống được bán ra, ông Nhanh có thể thu lãi khoảng 15%. Với những hiệu quả từ mô hình mang lại, có thể thấy đổi mới công nghệ trong sản xuất là hết sức cần thiết.

Theo đánh giá chung của ngành chuyên môn, về hiệu quả xã hội, việc sản xuất mô hình nhà lưới, nhà màng sẽ giúp tăng chất lượng và số lượng cây giống cung cấp cho thị trường, đảm bảo cho nông dân trồng rau trong khu vực và các huyện, thị lân cân cận có nguồn giống đầy đủ và đảm bảo chất lượng. Hiệu quả môi trường có  khả năng hạn chế tác hại của sâu bệnh, giúp cơ sở giảm một lượng lớn thuốc hóa học phòng trừ sâu, bệnh cho cây giống. Việc này có tác động tích cực đến việc giảm ô nhiễm môi trường do hóa chất phục vụ nông nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Tân Châu có khoảng gần 1,7 hécta nông dân đang thực hiện ươm giống cây trồng trong nhà lưới, nhà màng; mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng chục triệu cây rau giống các loại; điều này cho thấy nghề sản xuất ươm cây giống ở thị xã đang có tiềm năng lớn, lợi nhuận cao, thu nhập ổn định. Theo đó, để đẩy mạnh công tác hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước có tiềm năng. Thời gian tới thị xã Tân Châu sẽ tiếp tục quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành hàng, quy hoạch ứng dụng công nghệ cao, chuyển dịch phát triển rau màu, chăn nuôi phù hợp với thực tế thị trường và lợi thế của địa phương. Cụ thể là quy hoạch vùng trồng rau màu ứng dụng công nghệ cao tại xã Phú Vĩnh; phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn thị xã sẽ có 10% diện tích đất trồng của nông dân áp dụng sản xuất công nghệ cao từ con giống đến cây trồng. Đặc biệt là vận dụng có hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư của Trung ương, của tỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn; ưu tiên bố trí triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp trọng tâm cho thu hút đầu tư trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng cánh đồng lớn, chuỗi giá trị và vùng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi...

Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy, nhận thức về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành và từng bước nâng cao trong đội ngũ cán bộ và một bộ phận nông dân, tiến tới ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong các mô hình sản xuất nông nghiệp với mục tiêu nâng cao chất lượng, năng suất cũng như hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất so với hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống. Có thể nói, từ mô hình sản xuất công nghệ cao sẽ góp phần thay đổi đáng kể vào quá trình thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân.

Văn Phô 
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36722677