Truy cập hiện tại

Đang có 42 khách và không thành viên đang online

An Giang tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

(TUAG)- Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức. Trí thức là nguồn vốn trí tuệ quý giá của dân tộc, là một bộ phận của Đảng và cách mạng, là động lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 45-NQ/TW); Kế hoạch số 20-KH/TW, ngày 28/11/2023 của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, Tỉnh ủy An Giang ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU, ngày 09/9/2024 về thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW.
 

Theo đó, Chương trình hành động của Tỉnh ủy đã đánh giá khái quát về kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đội ngũ trí thức. Chương trình khẳng định: “Số lượng đội ngũ trí thức tăng nhanh; đa số trí thức có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp thu khoa học, công nghệ mới, nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo”.

Về quan điểm, Chương trình nêu rõ: Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 45-NQ/TW, xem trí thức là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; trí thức có bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức…

Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2030 là: (1) Phát triển đội ngũ trí thức chất lượng cao trong các lĩnh vực then chốt, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới của tỉnh; (2) nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng. Đẩy mạnh việc đưa công nghệ thông tin đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ của đông đảo người dân. Mở rộng giao lưu, hợp tác trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học; (3) thực hiện cơ chế, chính sách đồng bộ để nâng cao năng lực và đóng góp của trí thức vào sự nghiệp phát triển của địa phương, đất nước; (4) xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Về tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình nêu rõ: Đội ngũ trí thức có bước đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo cơ sở thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của các trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; có những công trình khoa học, công nghệ tiêu biểu được công nhận, có giá trị hỗ trợ cộng đồng, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo môi trường, chăm sóc sức khỏe và phục vụ đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng như ở khu vực và cả nước.

Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, Chương trình đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: (1) Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ trí thức; (2) đổi mới đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; (3) tăng cường quản lý nhà nước và thực hiện chính sách đối với đội ngũ trí thức; (4) tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; (5) phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức, nhất là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Về tổ chức thực hiện, Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, tuyên truyền; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW và Chương trình hành động này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan; Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chương trình hành động này, xác định lộ trình, phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan, đảm bảo thực hiện đạt được mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra; Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội; Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện các quan điểm, định hướng về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhiệm vụ, giải pháp thuộc trách nhiệm được xác định trong Chương trình hành động.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 45-NQ/TW và Chương trình hành động này; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Trường Giang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39909568