Truy cập hiện tại

Đang có 172 khách và không thành viên đang online

Huỳnh Thị Hưởng xứng danh hai tiếng anh hùng

(TGAG)- Trước hết, trong bài viết này tôi xin phép được gọi anh hùng Huỳnh Thị Hưởng bằng cái tên Sáu Hồng thân thương như lúc còn sát cánh chiến đấu cùng nhau trong những ngày chiến tranh ác liệt để thể hiện một cách trọn vẹn tình cảm đồng đội, thể hiện trọn vẹn tình cảm trân trọng, tự hào về tấm gương chiến đấu và hy sinh của đồng chí Sáu Hồng.

Sáu Hồng được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân không phải chỉ tại một lần bị địch bắt, sát hại mà phẩm chất anh hùng của Sáu Hồng đã biểu hiện xuyên suốt trong quá trình hoạt động, từ lúc bắt đầu tham gia cách mạng cho đến lúc hy sinh.

Gia đình Sáu Hồng là gia đình theo đạo Tứ ân Hiếu nghĩa, lúc nào cũng mong con cái sum họp, quây quần với cha mẹ. Cũng chính vì thế mà khi biết Sáu Hồng gia nhập lực lượng cách mạng đã đưa Sáu Hồng ra chợ Cái Tàu để học may. Dẫu vậy, Sáu Hồng vẫn kiên quyết làm theo lý tưởng của mình, thường xuyên trốn về để xung phong tham gia các hoạt động mít tinh, biểu tình, trừ gian diệt ác do chi bộ phát động. Nhiều lúc không được phân công nhưng Sáu Hồng vẫn tự nguyện xung phong tham gia. Lúc đầu, Sáu Hồng hoạt động hợp pháp, sau đó là bất hợp pháp rồi thoát ly. Gia đình thấy ý chí của Sáu Hồng đã kiên quyết như vậy nên không ngăn cản nữa mà còn tạo điều kiện, ủng hộ. Có thể nói, ngay từ đầu, Sáu Hồng đã xác định cho mình một lý tưởng chắc chắn và quyết chí đi theo lý tưởng đó.

Nhiệm vụ được phân công chính thức là công tác phụ nữ nhưng lúc nào Sáu Hồng cũng thích được hoạt động võ trang, tham gia trừ gian, diệt ác, vây đồn đánh địch, phá ấp chiến lược, thích gài lựu đạn, gài chông mà đặc biệt là làm rất xông xáo, năng nỗ, nhanh nhẹn, tháo vác. Đó là một phong cách rất hiếm có, rất đặc biệt, rất bản lĩnh của một người có cốt cách anh hùng.

Một điểm rất đáng quý nữa ở Sáu Hồng là tình thương yêu đồng đội. Mỗi khi anh em cán bộ, du kích, bộ đội đỗ bệnh là “rất sợ” Sáu Hồng! Bởi mỗi lần như vậy là Sáu Hồng nằng nặc buộc phải cạo gió, chạy đôn chạy đáo tìm thuốc tây, thuốc nam ép uống cho bằng được để mau khỏi bệnh. Từ cái “sợ” đó mà anh em đồng đội hết sức thương yêu, quý mến Sáu Hồng. Không chỉ có anh em đồng đội, bà con đồng bào, nhất là gia đình cơ sở cũng rất mực thương yêu, tin tưởng Sáu Hồng. Những lần đi vận động tài chính mà có Sáu Hồng tham gia đều đạt kết quả rất cao.

Sáu Hồng không phải là người trực tiếp nhận nhiệm vụ diệt xã trưởng Hoanh, mà nhiệm vụ đó được phân công cho hai đồng chí khác, nhưng Sáu Hồng không yên tâm nên quyết đi theo để hỗ trợ. Nhắc lại tình tiết này để thấy rằng, Sáu Hồng lúc nào cũng hết lòng vì cách mạng, hết lòng vì đồng chí đồng đội. Chỉ riêng tấm lòng cao đẹp đó, đồng chí Sáu Hồng đã xứng đáng để được tôn vinh.

Nói về thái độ của Sáu Hồng từ lúc bị bắt cho đến lúc hy sinh là thái độ khẳng khái của một người anh hùng. Cũng nói thật rằng, anh em đồng đội, gia đình cơ sở rất tin tưởng vào phẩm chất kiên trung của Sáu Hồng nên khi hay tin Sáu Hồng bị địch bắt không một ai di chuyển địa điểm, cán bộ chiến sĩ vẫn trụ lại cơ sở nuôi chứa và gia đình cơ sở cũng không một chút sợ hãi vì ai cũng tin tưởng, ai cũng đánh giá được phẩm chất của Sáu Hồng và diễn biến thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Ngay từ ngày đầu bị địch bắt, địch tra tấn rất dã man nhưng Sáu Hồng luôn liên tiếp chủ động tuyên truyền vạch mặt bọn chúng, như: chúng dùng mọi lời lẽ tuyên truyền dụ dỗ, thì Sáu Hồng lấy hai ngón tay trỏ nhét vào lỗ tai và nói: Tao không nghe những lời tuyên truyền lừa bịp của tụi mày, với thái độ rất quyết liệt, khẳng khái, từ đó mà bọn chúng mới chặt hai ngón tay trỏ và cắt hai lỗ tai, xẻo miệng và móc đôi mắt của đồng chí Sáu Hồng.

Với phẩm chất của một anh hùng, với nghị lực phi thường, Sáu Hồng đã khẳng khái đương đầu trước đòn roi tra tấn của kẻ thù. Dù là bọn tề xã hay là bọn cố vấn Mỹ thuộc lực lượng Sư đoàn 9 ngụy đều phải chịu thua trước ý chí sắt đá của Sáu Hồng. Địch dẫn Sáu Hồng đến đâu là Sáu Hồng tuyên truyền cách mạng đến đó. Khi bị dẫn đến chợ Cái Tàu Thượng, thấy bà con có vẻ sợ hãi, thu dọn hàng hóa để tránh mặt thì Sáu Hồng liền trấn tỉnh: “Bà con đừng sợ, tôi làm cách mạng tôi không hề khai báo gì, bà con cứ yên tâm trở lại buôn bán như cũ. Tôi có hy sinh thì còn nhiều đồng chí, đồng bào khác thay thế, cách mạng nhất định thắng lợi”. Thế là địch không dám dẫn Sáu Hồng đi thị uy nữa vì lo sợ Sáu Hồng sẽ tranh thủ cơ hội tuyên truyền gây thanh thế cho cách mạng.

Những lúc địch buông lời dụ dỗ, hăm dọa thì Sáu Hồng vẫn điềm tĩnh và bình thản đến độ tuyệt vời, chẳng những thế Sáu Hồng còn kề tai hỏi ngược lại như không nghe thấy gì. Cũng vì vậy mà địch căm tức, sau khi sát hại còn dã man cắt luôn tai của Sáu Hồng.

Nhớ lại lúc rạng sáng trước khi Sáu Hồng hy sinh, mấy tên cố vấn Mỹ lôi Sáu Hồng ra cầu Cái Tàu để tuyên truyền tâm lý chiến trong quần chúng, đồng thời muốn tác động Sáu Hồng một lần nữa. Nhưng cũng một lần nữa, Sáu Hồng vẫn khẳng khái, tiết liệt, chỉ thẳng vào mặt tên cố vấn Mỹ mà nói: “Tụi bây là quân xâm lược, tao làm cách mạng là để chống lại quân xâm lược, tao không biết đầu hàng, tao không khai báo”. Như thế đó, đứng trước một người con gái nhỏ bé, hết lần này đến lần khác kẻ thù phải hứng chịu thất bại nhục nhã.

Chính cái phong thái anh hùng, tấm gương kiên trung tiết liệt đó mà sau khi Sáu Hồng hy sinh đã dấy lên một phong trào noi gương chiến đấu mạnh mẽ ở Hội An. Chi bộ từ chỗ chỉ có mười mấy đảng viên (hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp) đã phát triển lên 38 đồng chí. Riêng về phong trào xung phong tòng quân diệt giặc thì có gần 20 thanh niên gia nhập vào lực lượng bộ đội của huyện, tỉnh; còn lại là tham gia vào lực lượng du kích mật rất đông. Phải khẳng định, sau khi đồng chí Sáu Hồng hy sinh, phong trào cách mạng ở xã Hội An dâng cao hết sức mạnh mẽ.

Bởi vậy mới nói, liệt sĩ được tôn vinh anh hùng chỉ cần một vài hành động tiêu biểu, một vài đóng góp nổi bật. Còn riêng đối với Huỳnh Thị Hưởng thì những hành động anh hùng, những đóng góp tiêu biểu không chỉ một vài mà là thể hiện xuyên suốt trong quá trình hoạt động cách mạng. Cho nên hai tiếng anh hùng là vô cùng xứng đáng khi tôn vinh Huỳnh Thị Hưởng.

Tóm lại, ngay từ ngày đầu bị địch bắt cho tới lúc hy sinh, giờ phút nào đồng chí sáu Hồng cũng tỏ rõ thái độ bình tỉnh, cương quyết, thẳng thắn đối với kẻ địch.

LÊ THỊ NHAN
Cán bộ hưu trí, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ,
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy



Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40425247