Truy cập hiện tại

Đang có 95 khách và không thành viên đang online

Quê vắng


“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày”.

Mỗi lần về quê tôi thường mở bài hát “Quê hương” do Giáp Văn Thạch phổ nhạc theo bài thơ cùng tên của Đỗ Trung Quân. Dù đã nghe rất nhiều lần nhưng khi giai điệu của bài hát vang lên trong tôi lại dâng tràn nhiều cung bậc xúc cảm! Miền kí ức tuổi thơ lại ùa về theo bước chân trẻ nhỏ trong xóm đang giỡn hồn nhiên trước sân. Lúc này, tôi lại muốn mình là... con nít để theo ba mẹ ra đồng từ sớm phụ cắt lúa; đào hang bắt chuột; quẩy bao trên vai theo mấy miếng đất lúa đã cắt xong mà mót; lụi hụi thổi cái cà ràng nấu cơm rồi mang ra đồng để ăn cùng ba mẹ; nghịch ngợm trèo lên máy cày chạy vòng quanh xới đất thêm tơi xốp; móc đống rơm còn thơm mùi lúa mới mà chui vô chơi trốn tìm. Khi hạt ngọc trời theo chân mấy chú, mấy anh vô nhà chất thành đống cao ở một góc riêng biệt, khô ráo cũng là lúc vịt chạy đồng về kiếm ăn trên cánh đồng lúa đã thu hoạch. Từng đàn hàng trăm thậm chí hàng ngàn con di chuyển nối đuôi nhau tạo nên những hình thù rất lạ mắt. Mảnh ruộng nào mà có vịt chạy đồng đi ngang thì gốc rạ bị chúng đè bẹp xuống, phẳng lì như trải thảm. Chúng tranh nhau lục tìm mấy hạt lúa rụng nằm sát mặt đất, mê ăn mà “đẻ rớt” lúc nào không hay. Chúng tôi len lén theo sau lượm hột vịt rồi đốt rơm khô mà nướng ăn. Lửa rơm cháy một lúc hột vịt nổ cái “bụp” bung ra thành nhiều miếng, thơm phức! Chủ nhân của đàn vịt nhìn chúng tôi cười hào phóng rồi đi theo đàn vịt đang ăn giữa đồng. Miền kí ức ngày thơ thật khó để quên!

Ngoài sân, tiếng gió hát vi vu, đàn trao trảo bay nhanh, đớp lẹ trái trứng cá trên cây. Mẹ tôi đang nấu nồi kho quẹt bếp sau, mùi thơm thoang thoảng ấy làm tôi nhớ đến thằng Cu Đực!

Nhà Cu Đực có ba chị em. Chị hai sớm có gia đình khi chỉ mới mười bảy tuổi đầu. Chị ba cũng khăn gói về nhà chồng lúc tròn đôi mươi. Mặc dù là con trai nhưng Cu Đực lại nấu ăn ngon hơn con gái. Thân mình nó ốm nhách, đầu thì to, da thì đen, cao nhồng như cây tre miểu, nhưng được cái nó khéo tay lắm! Mỗi khi ba mẹ nó vắng nhà để lùa vịt chạy đồng hay lênh đênh theo nghề câu lưới thì Cu Đực phải tự lo mọi chuyện ở nhà, từ cơm nước, quần áo đến giặt giũ, học hành. Cái tên Cu Đực cũng được thầy lang ba đặt dùm, bởi nó sinh ra thuộc dạng “khó nuôi” nên nội biểu đem cho người ta rồi kêu ba mẹ tới xin về. Từ đó trên người Cu Đực lúc nào cũng có mấy cọng “bùa” đỏ đỏ quấn quanh để được “ơn trên” phù hộ cho mạnh khỏe. Nhưng số Cu Đực khổ, mặc dù đã được đem cho rồi lại xin về nhưng nó vẫn bệnh triền miên với những căn bệnh vô cùng nguy hiểm của trẻ nít. Có lần, Cu Đực xém xíu nữa là phải nằm một chỗ vì căn bệnh sốt bại liệt mà thầy lang ba lại cho nó uống giấy có viết mấy chữ ngoằn ngoèo rồi vo thành cục tròn vo hoặc đốt cháy thành tro rồi hòa tan vào nước. Uống xong, nó vật vã, ói mửa, da dẻ xanh ngắt như tàu lá chuối. Ba mẹ nó hốt hoảng chở đi bệnh viện rồi được điều trị nên qua cơn nguy kịch. Lủi thủi một mình vậy mà nó học rất giỏi, nấu ăn thì ngon bá chấy! Chắc nhờ nó tự làm riết rồi lên tay?!

Tôi và mấy đứa con nít trong xóm thường lui tới nhà Cu Đực chơi cho nó đỡ buồn, hùn gạo nấu cơm rồi cùng ăn. Mỗi tối, chúng tôi cũng xin ba mẹ chia nhau hai ba đứa qua ngủ chung để nó không “sợ ma”. Tôi rất thích món kho quẹt chấm với rau đồng luộc mà Cu Đực làm! Rau đồng ngoài vườn nhiều lắm, lúc nó nấu cơm bằng lò củi thì chúng tôi chia nhau đi hái rau cải trời, rau trai, đọt nhãn lồng về lặt, rửa rồi đợi cơm chín bắt nồi rau lên luộc. Món kho quẹt Cu Đực làm rất đơn giản, một ít nước mắm cá linh ủ trong khạp da bò được nấu lên rồi lọc bỏ cặn cho vào chai, nêm chút gia vị và tóp mỡ. Ấy vậy mà khi chấm rau rồi dở đũa lên chỉ kéo theo dai nhách. Ngon ơi là ngon vậy đó! Con Hoa qua ăn chực mà còn tài lanh đòi làm và khẳng định chắc nịch là sẽ ngon! Nhưng khi nó bưng xuống, nồi kho quẹt khét gần phân nửa. Tức quá, nó đòi Cu Đực phải chỉ làm lại trong khi cái bụng của chúng tôi đang réo ỏm tỏi vì đói!

Đang lúc con Hoa học làm món kho quẹt, thằng Út Mót và Hai Đẹt chạy về nhà lấy dế chiến mà tụi nó bắt được khi những mảnh ruộng được cày xới, phơi đất kĩ lưỡng và bơm nước vô để bắt đầu một mùa vụ mới. Phải rất kì công hai thằng nó mới tìm được dế than hoặc dế lửa trống có bộ hàm sắc, đôi càng to và cặp cánh có nhiều hoa văn trông rất oai vệ. Những con dế to, khỏe lúc chúng gáy nghe cũng đã tai! Thường rất khó để bắt loại dế này do chúng sống kín đáo trong bụi cỏ, ẩn nấp dưới lớp đất sâu. Nhưng khi nước được cho vào ruộng thì việc bắt dế cũng trở nên dễ dàng vì miệng hang bị ngập dế tự bò ra ngoài để kiếm ô-xy, nhờ ánh nắng mặt trời phơi khô sau đợt “lũ lụt” đột ngột. Lúc này, chúng tôi chỉ cần xách thùng đi lượm là có trò vui để chơi! Để dế đá hay việc nuôi dưỡng cũng lắm công phu. Ban đầu chúng tôi cho dế làm quen trong môi trường nuôi nhốt, cho chúng ăn cỏ chỉ non, rau diệu hoặc rau đắng mọc tự nhiên. Cỏ được nhổ lên phải giữ nguyên bộ rễ, có hơi đất thì dế mới sống lâu.

Thằng Út Mót lấy cái bàn mũ để trước sân, mở nắp chai rồi “chịch chịch” vài tiếng như báo hiệu trận-đấu-kịch-liệt sắp diễn ra. Nó nhìn quanh để điểm danh đồng đội. Thằng Hai Đẹt cũng vênh cái mặt, để cái thau xuống bàn rồi liếc xéo mấy đứa đang đứng nhìn. Con dế than đen kịt của Út Mót “chinh chiến” mấy trận liền mà chưa biết mùi thất bại đang bò chậm chậm trong thau. Thằng Hai Đẹt thì hai tay bụm lại, kê mắt nhìn con dế lửa đang gáy te te rồi mở tay nhẹ nhẹ cho dế bò từ từ ra ngoài. Sáu đứa chụm đầu lại nhìn hai con dế đang đá nhau mà phấn khích, la í ới! Tiếng cổ vũ càng hăng khi “trận chiến” đến hồi gây cấn, hai “đấu sĩ” dính chặt vào nhau, nhào lộn mấy vòng liên tục. Cu Đực chạy ra xem, con Hoa cũng đi theo rồi túm tụm với chúng tôi ngoài này mà quên luôn nồi kho quẹt đang nằm trên bếp. Mệt nhừ vì cố sức nảy giờ, con dế than của Út Mót thở hóp bụng; còn dế lửa của Hai Đẹt cũng tựa mình sát vách thau để “xả hơi”. Thấy vậy, con Hoa nhanh tay bứt hai cọng tóc dài đưa cho “huấn luyện viên” quấn vào đầu hai con dế quay vòng vòng. Đang lúc đợi cho dế sung lại để đá tiếp thì phía sau bếp khói bốc lên ngày một nhiều hơn. Nồi kho quẹt cháy đen rồi lan nhanh sang vách nhà. Cu Đực bỏ dò chạy ra sau xách xô nước tạt lẹ để dập lửa. Cũng may cơn “hỏa hoạn” chỉ cháy vách ván tròn như… lỗ chó. Chúng tôi mỗi đứa một việc bắt tay vô dọn dẹp và ăn cơm sáng lúc ba giờ chiều.

Nồi kho quẹt mà mẹ tôi đang nấu hương thơm theo làn gió ban trưa lướt qua làm tôi giật mình. Từ phía trong, mẹ gọi: “Vô ăn cơm, có món kho quẹt chấm đọt nhãn lồng mà con thích, ngon lắm!”. Bữa cơm gia đình chỉ có ba mẹ, tôi và mấy đứa nhỏ ngồi xúm xít ăn cùng nhau. Một vùng quê thanh vắng khi: “Làng bây giờ chỉ người già / Đám trẻ ruồng lên phố” (Nhà thơ Thai Sắc).

Tác giả: Huỳnh Chí Nghĩa
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39987848