Xây dựng nông thôn mới ở An Giang - nhìn từ kết quả điều tra xã hội học
- Được đăng: Thứ ba, 30 Tháng 12 2014 13:25
- Lượt xem: 8144
An Giang là tỉnh nông nghiệp với gần 75% dân số ở địa bàn nông thôn, hưởng ứng phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững. Vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thực hiện trưng cầu ý kiến trong nội bộ và các tầng lớp nhân dân về tình hình và giải pháp sau 03 năm xây dựng nông thôn mới. Với 1.500 phiếu chia đều cho các đối tượng. Kết quả thu được cho thấy chủ trương xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao với tỷ lệ đạt tới 99,8% người dân tán thành với chủ trương này của Đảng và Nhà nước. Đây thật sự là động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Sau 03 năm tập trung, nỗ lực phấn đấu thực hiện xây dựng nông thôn mới, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, có sự chuyển biến tốt về tình hình sản xuất nông nghiệp góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân. Theo ý kiến đánh giá của nội bộ và người dân, đời sống vật chất, tinh thần, cơ sở hạ tầng, hiệu quả trong sản xuất, thu nhập, việc làm, môi trường và an ninh trật tự… ở địa bàn nông thôn đã có sự chuyển biến khá hơn, tốt hơn, tỷ lệ ý kiến đánh giá khá cao từ 83,4% đến 94,8%; 78,4% hài lòng với những chuyển biến tích cực sau 03 năm xây dựng nông thôn mới; 80% đánh giá tốt trong việc nâng cao đời sống người dân. Các địa phương có sự chuyển biến tốt như: Tân Châu, Long xuyên, Tịnh Biên, Châu Đốc, Châu Thành, Phú Tân…
Tuy nhiên, cũng theo ý kiến đánh giá của nội bộ và các tầng lớp nhân dân, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện đã gặp không ít những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng nông thôn mới, đó là do nhận thức của người dân ở địa bàn nông thôn còn hạn chế; chưa huy động tốt sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp; việc cung cấp, phân bổ nguồn vốn của Nhà nước còn nhiều bất cập; sự đầu tư còn dàn trải, chưa chọn lựa những tiêu chí có ưu thế để làm mũi đột phá; chưa có mô hình điểm để làm theo và phát động phong trào thi đua; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cấp huyện, xã chưa quan tâm đúng mức... Ngoài ra, nội bộ và nhân dân còn cho rằng, một số nguyên nhân dưới đây làm hạn chế quá trình xây dựng nông thôn mới như: còn thiếu nguồn lực để đầu tư; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của người dân; năng lực thực hiện của cán bộ cấp xã còn yếu kém; sự kiểm tra, giám sát thực hiện của các cấp chính quyền chưa kịp thời, chặt chẽ; công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế…
Về khả năng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 đối với các xã điểm của tỉnh, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có 13 tiêu chí được đánh giá dễ thực hiện, có đến 6 tiêu chí được đánh giá khó thực hiện là: trường học các cấp đạt chuẩn; giảm hộ nghèo; cơ sở vật chất văn hóa (Nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn); tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người; hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả. Những kết quả thực hiện vừa qua chủ yếu từ sự đầu tư của nhà nước, chưa có sự tham gia tích cực của người dân với vai trò là chủ thể, những kết quả đạt được vừa qua chưa thực chất, khó có thể ổn định và bền vững. Đây thật sự là những thách thức mà tỉnh ta phải dành sự quan tâm thích đáng, tích cực đầu tư, vận động thực hiện để sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Trong thời gian tới, nội bộ và nhân dân mong muốn và đề nghị tỉnh ta cần bổ sung, sửa đổi Bộ 19 tiêu chí của Trung ương (có các chỉ tiêu bổ sung của tỉnh) cho phù hợp thực tế địa phương; phải đảm bảo nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng nông thôn mới cho huyện, xã; chọn tiêu chí dễ, ít vốn đầu tư làm trước, tiêu chí khó, cần nhiều nguồn lực đầu tư làm sau; tăng cường công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho người dân; huy động nguồn lực và phát huy đúng mức vai trò chủ thể của người dân ở địa bàn nông thôn; đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong toàn xã hội; sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền các cấp; tăng cường hướng dẫn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ở địa phương về nông thôn mới.
Thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, xem đây là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị; tập trung tuyên truyền, tạo chuyển biến tích cực hơn nữa về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới.
Thanh Khoa