Truy cập hiện tại

Đang có 199 khách và không thành viên đang online

Đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 18

(TGAG)- Năm 2019, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu. Sự tham dự của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 năm 2019 khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung.



Tại Phiên toàn thể thứ 5, diễn ra ngày 02/6/2019, với chủ đề "Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh" Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã có bài phát biểu quan trọng, đóng góp vào sự thành công của Đối thoại, với việc đề xuất những nguyên tắc, mô hình cụ thể để giải quyết tranh chấp. Bài phát biểu của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch phát đi nhiều thông điệp quan trọng của Việt Nam.

- Thông điệp về hòa bình

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống quân xâm lược để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trải qua các cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, chịu đựng nhiều hy sinh, mất mát, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Bởi vậy, yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam là duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Việt Nam luôn làm hết sức mình cùng với các nước chung tay xây dựng môi trường hòa bình, ổn định của khu vực.

- Việt Nam tích cực chủ động trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực

Hiện nay, Biển Đông được coi là một trong những "điểm nóng" ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang diễn ra những tranh chấp bất đồng về chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo giữa một số nước; là nơi đang hàng ngày, hàng giờ chứng kiến hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế. Trong đó, có Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, ảnh hưởng đến hoạt động lao động bình thường và tác động xấu đến môi trường hòa bình, an ninh của khu vực. Biển Đông cũng là nơi diễn ra cạnh tranh giữa các nước, nhất là các nước lớn về kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự... tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột. Do có vị trí địa - chiến lược, địa - chính trị quan trọng, tiềm năng to lớn về nhiều mặt, nơi hội tụ lợi ích chiến lược của nhiều quốc gia, Biển Đông ngày càng trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nếu các nước cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí, thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình hợp tác và phát triển.

Trong bài phát biểu tại Đối thoại, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã đưa ra sáng kiến xây dựng Biển Đông "Hòa bình - Hợp tác - Phát triển".

- Kêu gọi các nước lớn đóng góp trách nhiệm xây dựng môi trường hòa bình, ổn định của khu vực

Trong những năm qua, khi nhiều quốc gia ở các khu vực khác gặp khó khăn về kinh tế do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì nhiều nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại trở thành điểm sáng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Vai trò và ảnh hưởng của châu Á - Thái Bình Dương không ngừng tăng lên; châu Á - Thái Bình Dương ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống khu vực và quốc tế, là nơi các trung tâm quyền lực lớn về kinh tế - chính trị thế giới và các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng.

Tuy nhiên, sự can dự của các nước lớn cũng tạo ra những thách thức lớn đối với khu vực nói chung và từng quốc gia nói riêng. Do khu vực trở thành nơi cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, nên có thể dẫn đến nguy cơ hình thành sự phân cực trong cấu trúc chính trị và an ninh khu vực. Việc tập trung nhiều lực lượng quân sự trong khu vực có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra va chạm, thậm chí đối đầu về quân sự, làm cho các nước nhỏ rơi vào thế kẹt nếu không biết tận dụng thời cơ.

- Làm tốt vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020

Năm 2020, trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam sẽ chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 14 (ADMM-14) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ 7 (ADMM+-7). Năm 2020 cũng là năm kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+, đánh dấu bước trưởng thành của cơ chế hợp tác giữa ASEAN và các đối tác đối thoại.

Kể từ hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội năm 2010 đến nay, ADMM+ đã phát huy vai trò của một cơ chế hợp tác có ảnh hưởng sâu, rộng, vượt ra ngoài khu vực và là một trong những trụ cột về hợp tác quốc phòng, an ninh trong cấu trúc an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương. Sự ra đời của ADMM+ đã tạo ra cơ hội để các sáng kiến của ADMM có thể tranh thủ và kết hợp được các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, đưa ADMM+ trở thành một trong những cơ chế đa phương hiệu quả và thực chất nhất hiện nay tại khu vực.

Sự hình thành và phát triển của ADMM+ được coi là bước tiến mới trong khuôn khổ của hợp tác quốc phòng, an ninh đã được các nước ASEAN đặc biệt chú trọng, vì đây là lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực và an ninh quốc gia của mỗi nước. ADMM+ sẽ bổ sung cho các diễn đàn khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), các tiến trình ASEAN+ và Đối thoại Shangri-La...

Với vai trò là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ làm hết sức mình trong điều phối và thúc đẩy các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác đối thoại, nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, tăng cường xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, ủng hộ giải quyết các tranh chấp bất đồng bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Việt Nam sẽ tích cực, chủ động trong vận động, tham vấn, phát huy vai trò, trách nhiệm của các nước đối tác đối thoại hỗ trợ nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên ASEAN giải quyết các thách thức an ninh chung, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác đối thoại tham gia ngày càng sâu, rộng, hiệu quả vào giải quyết các vấn đề an ninh khu vực. Củng cố sự đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình được xây dựng trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt./.

P.TT (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40830400