Truy cập hiện tại

Đang có 353 khách và không thành viên đang online

Việt Nam tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng tầm cỡ khu vực và toàn cầu

(TGAG)- Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, đối ngoại đa phương Việt Nam đã thực sự được chắp cánh và nâng lên một tầm cao mới, góp phần giúp Việt Nam khẳng định được chỗ đứng xứng đáng của mình với tư cách một thành viên đầy trách nhiệm và có uy tín của cộng đồng quốc tế.

Hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”. Đặc biệt, 3 năm qua đã chứng kiến các hoạt động đối ngoại đa phương Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân. Với tầm vóc mới mà đối ngoại đa phương Việt Nam đạt được, chúng ta đã được bạn bè quốc tế tín nhiệm, đăng cai nhiều hội nghị quan trọng có tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
 


Tiêu biểu là với Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới khi là nơi hội tụ của toàn bộ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản… Đây là lần thứ hai trong 10 năm qua Tuần lễ cấp cao APEC mới có được sự tham dự đông đủ của nhiều lãnh đạo cấp cao như vậy. Điều đó khẳng định vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực cũng như sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà các nền kinh tế thành viên APEC và cá nhân các nhà lãnh đạo kinh tế APEC dành cho Việt Nam. Với việc các nhà lãnh đạo APEC cam kết “hướng tới thương mại, đầu tư mở và tự do trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và “ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm” trong Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam đã tô đậm dấu ấn của mình trên tiến trình hợp tác của APEC.

Đánh giá về tổ chức APEC 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét: "Về công tác tổ chức, Việt Nam đã làm mọi thứ có thể để chúng tôi có thể thoải mái làm việc, tạo ra bầu không khí thuận lợi". Không những thể hiện sự chủ động trong công tác hậu cần, Việt Nam còn chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nội dung; đảm nhận tốt công tác chủ trì, đồng chủ trì các cuộc họp của các ủy ban, nhóm công tác của APEC... Việt Nam cũng đã phát huy tốt vai trò chủ nhà trong việc khởi xướng, dẫn dắt và điều phối để hợp tác APEC đem lại những kết quả thực chất.

Phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 trên kênh nghị viện, Quốc hội Việt Nam đã được Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) và các Nghị viện thành viên tin tưởng giao đảm nhiệm tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF vào tháng 01-2018. Đề xuất của Quốc hội Việt Nam về Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng vì đây là cách kết nối chặt chẽ giữa APPF và APEC để cùng hỗ trợ APEC thực hiện những cam kết trong Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Hội nghị APPF-26 đã thể hiện vai trò và uy tín ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam vốn luôn quan tâm tới sự phát triển chung của ngoại giao nghị viện, tham gia định hướng phát triển của các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế trong bối cảnh mới.

Tiếp nối thành công của Năm APEC 2017 và Hội nghị APPF-26, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) cuối tháng 3-2018 tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác liên kết khu vực. Điều đặc biệt là Việt Nam đã đưa ra Sáng kiến lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS, nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), ASEAN… cùng sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 2.000 doanh nhân trong nước và quốc tế đăng ký tham dự - quy mô lớn tương đương với Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC năm 2017. Thành công đó đánh dấu sự chủ động và tích cực của Việt Nam cùng với các thành viên xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả, phát huy thế mạnh của các bên tham gia và đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực.

Là một trong ba sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) tháng 9-2018 được đánh giá là Hội nghị khu vực thành công nhất của WEF trong 27 năm qua khi quy tụ được 9 nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự, với 60 phiên họp. Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam còn trở thành tâm điểm chú ý xuất hiện liên tục trong dòng chảy thông tin trên các phương tiện truyền thông quốc tế với hàng nghìn bài viết, thu hút hàng triệu lượt người tham gia tương tác trên mạng xã hội…

Thành công đó không chỉ thể hiện chủ đề, nội dung Hội nghị WEF ASEAN 2018 đáp ứng sự quan tâm và lợi ích chung của khu vực cũng như thế giới, mà còn khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao, thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam.

Đánh giá về kết quả Hội nghị WEF ASEAN 2018, Chủ tịch WEF Klaus Schwab cho biết, đây là hội nghị thành công nhất trong 27 năm tổ chức Hội nghị của WEF về khu vực ASEAN và Đông Á. Hội nghị thành công trên nhiều khía cạnh, từ nội dung đến công tác lễ tân, an ninh, y tế, hậu cần, thông tin… Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) vào tháng 9-2018.

Các nguyên thủ quốc gia, trong đó có nhiều nguyên thủ của các cường quốc, đến Việt Nam trong các sự kiện này đều bày tỏ sự hài lòng không chỉ về môi trường an ninh mà công tác tổ chức các sự kiện lớn Việt Nam đều làm rất tốt, tạo thành uy tín quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tháng 7-2017 tại Đức, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Canada tháng 6-2018. Tất cả đã cho thấy sự coi trọng của các nước đối với vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình các thể chế khu vực và toàn cầu.



Việc Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp của Việt Nam cho công việc chung của thế giới, vì hòa bình, ổn định phát triển.

Ý thức rõ vinh dự và trách nhiệm đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi kiểm tra công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, nhấn mạnh, đây là sự kiện quốc tế nổi bật được toàn thế giới quan tâm. Việt Nam vinh dự được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị quan trọng đối với hòa bình của khu vực và thế giới. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành “tiếp tục kiểm tra mọi công việc, hoàn thiện mọi phương án, đưa ra các biện pháp hết sức cụ thể để hoàn thiện trước khi các vị khách quý đến Việt Nam”./.

H.B (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40816640