Tình hình, tác động và cách thức phản ứng đối với vấn đề lạm phát trên toàn cầu hiện nay
- Được đăng: Thứ hai, 18 Tháng 7 2022 14:26
- Lượt xem: 1205
(TUAG)- Đầu năm 2022, trong các phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới đều chia sẻ thông điệp về việc hồi phục và phát triển kinh tế là một trong những mục tiêu quan trọng và cấp thiết nhất. Tuy nhiên, những hậu quả của hai năm diễn ra đại dịch Covid-19 cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine thời gian qua là những nguyên nhân trực tiếp đẩy thế giới bước vào thời kỳ lạm phát kinh tế toàn cầu.
Năm 2021, nền kinh tế thế giới dần phục hồi ở mức tăng trưởng 5,9% nhờ các động lực chính như: Dịch bệnh Covid-19 bước đầu được kiểm soát, hiệu quả của các gói kích thích kinh tế lớn của các quốc gia phát huy tác dụng và nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại. Tuy nhiên, chính những động lực phát triển này cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng lạm phát cao tại các quốc gia. Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế thế giới năm 2021 ở mức 4,3%, cao vượt trội so với con số xấp xỉ 3,2% của tỷ lệ lạm phát trung bình trong cả thời kỳ 2015 - 2020 . Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ sự phục hồi không đồng đều của các nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu; tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn tới việc thu hẹp sản xuất khiến giá cả hàng hóa đầu vào tăng nhanh, đặc biệt là giá năng lượng và chí phí vận tải.
Bước sang năm 2022, tình trạng lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đạt mức trung bình khoảng 3,9% ở các nền kinh tế phát triển và khoảng 5,9% ở các thị trường mới nổi, các nước đang phát triển. Tình trạng này được dự báo không kéo dài và sẽ suy giảm vào năm 2023 khi các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 được giảm thiểu. Tuy nhiên, sự kiện Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã tác động đáng kể tới triển vọng kinh tế và tình trạng lạm phát. Thứ nhất, xung đột Nga - Ukraine đã và đang khiến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trầm trọng hơn do Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng hàng đầu của thế giới. Thứ hai, cuộc chiến Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng tại khu vực châu Âu tiếp tục bị gián đoạn do Hoa Kỳ, EU và các nền kinh tế khác đã đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Bên cạnh đó, vận tải hàng không và đường biển đối với những tuyến đường qua Nga và Ukraine cũng chịu tác động nghiêm trọng, khiến chi phí và thời gian vận chuyển hàng hoá tăng mạnh.
Tại Hoa Kỳ, theo dữ liệu chính thức được Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố ngày 12/4/2022, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% so với một năm trước đó, cao hơn mức dự báo 8,4% của Dow Jones. Đây là mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980. Lạm phát cơ bản, tức không tính tới giá lương thực và năng lượng, tăng 6,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/1982. Tại châu Âu, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát cũng tăng lên 7,5% vào tháng 3/2022. Lạm phát của Vương quốc Anh trong tháng 3/2022 đã tăng lên mức 7%, mức cao nhất kể từ tháng 3/1992 và vượt xa mức 6,2% trong tháng 02/2022. Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4%, tương đương với Việt Nam; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%. Lào là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Đông Nam Á, theo đó, tỷ lệ lạm phát tại Lào trong tháng 6/2022 đã tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 22 năm qua. Theo dự báo của Consensus Economics đưa ra hồi tháng 5/2022, đến cuối năm 2022, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức khoảng 6,5%, cao hơn 1,5 lần so với dự báo tháng 2 (4%) được đưa ra trước khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.
Lạm phát thế giới tăng cao là rủi ro tiềm ẩn đối với sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế thế giới sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, vì lạm phát ở mức cao sẽ tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô, cản trở tăng trưởng bền vững nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu quan trọng của các chính phủ. Theo đó, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu tiến hành các đợt tăng lãi suất nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát gia tăng. Để “hạ nhiệt” lạm phát, tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục có thêm các đợt nâng lãi suất khác trong năm nay và năm 2023. Động thái này của FED sẽ thu hút dòng vốn hướng về đồng USD và đẩy giá USD lên cao hơn. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất trong 3 cuộc họp chính sách tiền tệ liên tiếp từ mức thấp kỷ lục 0,1% lên 0,75%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra kế hoạch chấm dứt chương trình mua trái phiếu mở rộng để mở đường cho việc tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương Australia ngày 05/7/2022 đã quyết định điều chỉnh mức lãi suất cho vay lên 1,35%, tức tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức cũ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao hiện nay. Mức tăng 0,5% đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) nâng lãi suất từ mức “khẩn cấp” 0,1% được duy trì trong suốt đại dịch Covid-19. Bên cạnh các chính sách thắt chặt tiền tệ, các nước cũng tiến hành các biện pháp giảm thuế, phí nhằm giảm áp lực tăng chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và kích thích hoạt động sản xuất. Chính phủ Pháp đề xuất gói hỗ trợ 20 tỷ Euro nhằm kiềm chế lạm phát với việc tăng 4% cho phúc lợi và trợ cấp hưu trí, tăng lương công chức thêm 3,5% và kéo dài thời gian trợ giá năng lượng. Tại châu Á, Chính phủ Malaysia sẽ mở một gói hỗ trợ cao nhất trong lịch sử nước này, tương đương với 70 tỷ ringgit (khoảng 370.000 tỷ đồng) để kiềm chế giá xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng cũng như giá dầu ăn, bột mì và điện. Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang cam kết thực hiện các biện pháp nhằm củng cố năng lực cạnh tranh xuất khẩu và khai thác tối đa năng lượng hạt nhân của nước này, nhằm đối phó với các thách thức kinh tế do lạm phát và chi phí nhiên liệu tăng cao. Đồng thời, thúc đẩy các sáng kiến về thuế, khuyến khích đơn giản hóa các quy định nhằm thúc đẩy đầu tư.
Bất chấp tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn đưa ra cái nhìn lạc quan về triển vọng phục hồi khi chuỗi cung ứng sẽ dần trở lại bình thường, hàng hóa lưu kho tăng lên và giá cả sẽ giảm. Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi sẽ là yếu tố quan trọng để làm giảm bớt các nút thắt trong chuỗi cung ứng.
Tại Việt Nam, ngày 04/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022. Trước tình hình quốc tế và trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong điều kiện hiện nay. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; chủ động rà soát, đề xuất cắt giảm phù hợp các loại thuế, phí, lệ phí, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh các loại thuế, phí đối với xăng dầu; bảo đảm phát triển ổn định lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường, phòng, chống đầu cơ, buôn lậu, nhất là phòng, chống buôn lậu và tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá; bảo đảm vững chắc nguồn cung năng lượng; bảo đảm an ninh lương thực./.
P.TT
Năm 2021, nền kinh tế thế giới dần phục hồi ở mức tăng trưởng 5,9% nhờ các động lực chính như: Dịch bệnh Covid-19 bước đầu được kiểm soát, hiệu quả của các gói kích thích kinh tế lớn của các quốc gia phát huy tác dụng và nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại. Tuy nhiên, chính những động lực phát triển này cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng lạm phát cao tại các quốc gia. Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế thế giới năm 2021 ở mức 4,3%, cao vượt trội so với con số xấp xỉ 3,2% của tỷ lệ lạm phát trung bình trong cả thời kỳ 2015 - 2020 . Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ sự phục hồi không đồng đều của các nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu; tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn tới việc thu hẹp sản xuất khiến giá cả hàng hóa đầu vào tăng nhanh, đặc biệt là giá năng lượng và chí phí vận tải.
Bước sang năm 2022, tình trạng lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng, đạt mức trung bình khoảng 3,9% ở các nền kinh tế phát triển và khoảng 5,9% ở các thị trường mới nổi, các nước đang phát triển. Tình trạng này được dự báo không kéo dài và sẽ suy giảm vào năm 2023 khi các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 được giảm thiểu. Tuy nhiên, sự kiện Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã tác động đáng kể tới triển vọng kinh tế và tình trạng lạm phát. Thứ nhất, xung đột Nga - Ukraine đã và đang khiến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trầm trọng hơn do Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng hàng đầu của thế giới. Thứ hai, cuộc chiến Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng tại khu vực châu Âu tiếp tục bị gián đoạn do Hoa Kỳ, EU và các nền kinh tế khác đã đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Bên cạnh đó, vận tải hàng không và đường biển đối với những tuyến đường qua Nga và Ukraine cũng chịu tác động nghiêm trọng, khiến chi phí và thời gian vận chuyển hàng hoá tăng mạnh.
Tại Hoa Kỳ, theo dữ liệu chính thức được Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố ngày 12/4/2022, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% so với một năm trước đó, cao hơn mức dự báo 8,4% của Dow Jones. Đây là mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980. Lạm phát cơ bản, tức không tính tới giá lương thực và năng lượng, tăng 6,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/1982. Tại châu Âu, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát cũng tăng lên 7,5% vào tháng 3/2022. Lạm phát của Vương quốc Anh trong tháng 3/2022 đã tăng lên mức 7%, mức cao nhất kể từ tháng 3/1992 và vượt xa mức 6,2% trong tháng 02/2022. Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4%, tương đương với Việt Nam; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%. Lào là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Đông Nam Á, theo đó, tỷ lệ lạm phát tại Lào trong tháng 6/2022 đã tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 22 năm qua. Theo dự báo của Consensus Economics đưa ra hồi tháng 5/2022, đến cuối năm 2022, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức khoảng 6,5%, cao hơn 1,5 lần so với dự báo tháng 2 (4%) được đưa ra trước khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.
Lạm phát thế giới tăng cao là rủi ro tiềm ẩn đối với sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế thế giới sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, vì lạm phát ở mức cao sẽ tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô, cản trở tăng trưởng bền vững nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu quan trọng của các chính phủ. Theo đó, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu tiến hành các đợt tăng lãi suất nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát gia tăng. Để “hạ nhiệt” lạm phát, tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục có thêm các đợt nâng lãi suất khác trong năm nay và năm 2023. Động thái này của FED sẽ thu hút dòng vốn hướng về đồng USD và đẩy giá USD lên cao hơn. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất trong 3 cuộc họp chính sách tiền tệ liên tiếp từ mức thấp kỷ lục 0,1% lên 0,75%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra kế hoạch chấm dứt chương trình mua trái phiếu mở rộng để mở đường cho việc tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương Australia ngày 05/7/2022 đã quyết định điều chỉnh mức lãi suất cho vay lên 1,35%, tức tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức cũ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao hiện nay. Mức tăng 0,5% đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) nâng lãi suất từ mức “khẩn cấp” 0,1% được duy trì trong suốt đại dịch Covid-19. Bên cạnh các chính sách thắt chặt tiền tệ, các nước cũng tiến hành các biện pháp giảm thuế, phí nhằm giảm áp lực tăng chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và kích thích hoạt động sản xuất. Chính phủ Pháp đề xuất gói hỗ trợ 20 tỷ Euro nhằm kiềm chế lạm phát với việc tăng 4% cho phúc lợi và trợ cấp hưu trí, tăng lương công chức thêm 3,5% và kéo dài thời gian trợ giá năng lượng. Tại châu Á, Chính phủ Malaysia sẽ mở một gói hỗ trợ cao nhất trong lịch sử nước này, tương đương với 70 tỷ ringgit (khoảng 370.000 tỷ đồng) để kiềm chế giá xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng cũng như giá dầu ăn, bột mì và điện. Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang cam kết thực hiện các biện pháp nhằm củng cố năng lực cạnh tranh xuất khẩu và khai thác tối đa năng lượng hạt nhân của nước này, nhằm đối phó với các thách thức kinh tế do lạm phát và chi phí nhiên liệu tăng cao. Đồng thời, thúc đẩy các sáng kiến về thuế, khuyến khích đơn giản hóa các quy định nhằm thúc đẩy đầu tư.
Bất chấp tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn đưa ra cái nhìn lạc quan về triển vọng phục hồi khi chuỗi cung ứng sẽ dần trở lại bình thường, hàng hóa lưu kho tăng lên và giá cả sẽ giảm. Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi sẽ là yếu tố quan trọng để làm giảm bớt các nút thắt trong chuỗi cung ứng.
Tại Việt Nam, ngày 04/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022. Trước tình hình quốc tế và trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong điều kiện hiện nay. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; chủ động rà soát, đề xuất cắt giảm phù hợp các loại thuế, phí, lệ phí, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh các loại thuế, phí đối với xăng dầu; bảo đảm phát triển ổn định lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường, phòng, chống đầu cơ, buôn lậu, nhất là phòng, chống buôn lậu và tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá; bảo đảm vững chắc nguồn cung năng lượng; bảo đảm an ninh lương thực./.
P.TT