Truy cập hiện tại

Đang có 65 khách và không thành viên đang online

Nâng cao ý thức, quyết tâm phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội

(TGAG)- Trong mọi xã hội, văn hóa luôn giữ vai trò là nền tảng tinh thần, được trao truyền bằng nhiều phương thức, con đường khác nhau. Một trong số đó là thông qua sự tác động, ảnh hưởng từ các sản phẩm văn hóa.

Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, bên cạnh những sản phẩm văn hóa chân chính, chứa đựng, chuyển tải những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhân văn sâu sắc, cũng có nhiều sản phẩm phi văn hóa mà ta quen gọi là sản phẩm văn hóa độc hại. Những sản phẩm này đi ngược lại truyền thống văn hóa, gây hủy hoại đạo đức xã hội.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng lạc, sa đọa; cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng. Tình trạng đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không những dẫn đến khuynh hướng tự diễn biến về tư tưởng chính trị hiện nay mà còn gây tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau.

Ngày 27/7/2010, Ban Bí thư (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang cũng đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/TG ngày 16/11/2010, nhằm nâng cao cảnh giác, quyết tâm, huy động sức mạnh của cả cộng đồng, tích cực chủ động phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức chung của cộng đồng từng bước được nâng lên. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư được các địa phương đơn vị gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 03-CT/TW về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều giải pháp đã được tỉnh quan tâm thực hiện nhằm tăng cường, minh bạch thông tin, thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu về văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo như: củng cố và tái lập hệ thống đài truyền thanh cấp huyện; đầu tư nguồn lực cho hệ thống báo chí, báo điện tử, thông tin đối ngoại; xây dựng kênh truyền hình phục vụ đồng bào dân tộc; mở chuyên mục “Sự thật”, “Hiểu đúng” trên Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang cung cấp thông tin chính thống, đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, mỗi năm tuyên dương hàng ngàn gương người tốt việc tốt. Hệ thống Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, huyện được củng cố, hình thành và phát triển. Các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt đối với các hoạt động giao thương các sản phẩm văn hóa qua khu vực biên giới và các hình thức tán phát qua Internet. Trong 5 năm qua, đã phát hiện, thu giữ hàng ngàn ấn phẩm, sản phẩm vi phạm pháp luật, mê tín dị đoan; đấu tranh có hiệu quả với thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước. Thu giữ, ngăn chặn hơn 4.000 tài liệu, xuất bản phẩm; hơn 30.000 cuốn sách các loại; hàng ngàn DVD có nội dung xấu, độc, không đúng sự thật.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt đạt được, còn nhiều tồn tại yếu kém trong công tác phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn tỉnh. Một bộ phận người dân còn thờ ơ, tiếp tay hoặc vô tình tiếp tay để kẻ xấu lợi dụng tán phát sản phẩm xấu, độc hại trong cộng đồng. Các quan điểm sai trái, thù địch xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên Internet, nhiều đối tượng còn bị tác động, lôi kéo, trong đó có trí thức, văn nghệ sỹ, cán bộ hưu trí và nhất là giới trẻ.

Có nhiều nguyên nhân gây ra hạn chế trong phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại: Một số lãnh đạo địa phương, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, chưa quyết liệt vào cuộc, còn biểu hiện giao khoán cho ngành chức năng. Đặc thù về địa lý giáp với biên giới Campuchia tạo nhiều thách thức trong việc ngăn chặn văn hóa phẩm độc hại xâm nhập. Mặt khác, do còn nhiều khó khăn nên nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động cho ngành văn hóa còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, trong đó có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn còn tính hình thức. Đời sống văn học nghệ thuật thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao, có giá trị nhân văn sâu sắc. Năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý văn hóa còn hạn chế và hụt hẫng. Công tác kiểm tra, kiểm duyệt, ngăn chặn phản bác những bài viết, tài liệu có nội dung xấu, sai sự thật, đặc biệt trên mạng Internet còn lúng túng, bị động.

Tình hình sắp tới, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những khó khăn về kinh tế - xã hội tăng cường hoạt động chống phá, tiếp tục truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại vào nước ta, trong đó có An Giang, với quy mô ngày càng rộng lớn và quyết liệt hơn. Đối tượng mà chúng nhắm vào là cán bộ, đảng viên, sinh viên, học sinh, thanh niên, trí thức, đồng bào dân tộc, tín đồ tôn giáo, các phần tử thoái hóa, biến chất trong đảng... Bằng nhiều con đường xâm nhập như: giao thương qua biên giới, giao lưu hợp tác quốc tế, trên Internet... với nhiều hình thức, thể loại như: phim, ảnh, sách, báo, bài viết, hồi ký, bài hát, tác phẩm văn học nghệ thuật mang tính phản động, đồi trụy, kích động bạo lực...

Để tiếp tục thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 02-KH/TG của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, phòng chống có hiệu quả sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, bên cạnh sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân, tạo sức đề kháng ngay trong bản thân mỗi người, trong từng cộng đồng, cảnh giác đấu tranh loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại, góp phần củng cố nền tảng đạo đức xã hội, xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

LÊ HỒNG KHÂM
UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy





Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37186404