Truy cập hiện tại

Đang có 109 khách và không thành viên đang online

Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria: Một hành động bất chấp luật pháp và đạo lý!

(TGAG)- Sáng 14-4 (theo giờ Hà Nội), Mỹ, Anh, Pháp đã tấn công vào Syria. Đây là một hành động đã vi phạm tất cả các điều luật quốc tế, bất chấp đạo lý. Đây là hành động chiến tranh đối với một quốc gia có chủ quyền. Nhiều nước trên thế giới lên án cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp ở Syria là một hành động thiển cận và kích động, có thể dẫn đến hậu quả không thể lường trước được.

Theo Tổng thống Trump, tấn công Syria là để trả đũa cho vụ tấn công hóa học ở ngoại ô Damascus tuần trước. Các chuyên gia nhận định: “Trump rõ ràng biết vụ tấn công hóa học ở Syria khiến hàng chục người chết và hơn 500 người bị thương là “trò lừa bịp và gắp lửa bỏ tay người”. Tuy nhiên, ông vẫn lợi dụng vụ này vì lợi ích riêng của mình.

Mỹ, Anh, Pháp muốn đạt được những gì?

- Về phía Tổng thống Trump, những mục tiêu mà ông muốn đạt được qua cuộc tấn công quân sự mới nhằm vào chính phủ Syria thật ra không khó nhận thấy. Vì nhu cầu đối nội. Vì tỏ ra làm căng với Nga. Vì đối phó Iran. Nhưng còn đối với Pháp và Anh thì thực chất chẳng khác gì tận dụng vụ việc này để gây dựng vai trò chính trị khu vực và để được công nhận là đã trở lại cuộc chơi chính trị quyền lực thế giới.

- Về phía Anh, tham chiến lần này ở Syria, bà May muốn củng cố và tăng cường “mối quan hệ truyền thống đặc biệt” giữa Mỹ và Anh. Bà May cần những động thái đối ngoại này để xoa dịu áp lực từ trong nội bộ do khó khăn, bế tắc và bất lợi liên quan đến tiến trình đàm phán với EU về việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit).

- Đối với Pháp, ở ông Macron thì lại có chút khác. Ông đã chủ định đưa nước Pháp vào tham chiến ở Syria từ rất sớm chứ không chờ cơ hội như bà May. Từ trước khi dậy lên chuyện sử dụng chất độc hoá học ở Syria trong những ngày vừa qua, ông Macron đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với chính phủ Syria và đã không ít lần rào trước đón sau là Pháp sẽ tấn công quân sự vào Syria nếu chính phủ Syria lại sử dụng vũ khí hoá học. Ông Macron lại rất muốn hành động để thể hiện bản lĩnh và khả năng lãnh đạo trong EU và để tìm lại vai trò chính trị thế giới cho nước Pháp. Ông Macron muốn nước Pháp được Mỹ coi là đồng minh chiến lược thực sự cùng hội cùng thuyền và luôn kề vai sát cánh, muốn cả ông Trump ở Mỹ lẫn ông Putin ở Nga nhận biết điều ấy.

- Một điều đặc biệt là cuộc chiến ở Syria gần đến hồi kết thúc nếu Mỹ rút quân khỏi nước này, sau cuộc tấn công của quân chính phủ đầu tháng 4/2018 vào thị trấn Douma - thành lũy cuối cùng của quân nổi dậy được Mỹ và các nước phương Tây hậu thuẫn, lực lượng chống đối đã bị dồn vào thế bí. Việc tấn công vào Syria của Tổng thống Trump, trả lời sẽ không rút quân khỏi Syria như trước đây Mỹ đã từng tuyên bố.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad lên án hành động của Mỹ và đồng minh

Sau vụ tấn công của Mỹ, Anh và Pháp, Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ba-sa An Át-xát) đã lên án hành động “hiếu chiến” của các cường quốc phương Tây, những nước mà theo ông là “ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”. Theo hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA), Tổng thống al-Assad nhấn mạnh với hành động tấn công Syria dựa trên các cáo buộc vô căn cứ về việc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học, các cường quốc phương Tây nói trên “đã mất kiểm soát” và “mất uy tín” trước toàn bộ người dân thế giới. Ông đồng thời tái khẳng định hành động "hiếu chiến" sẽ chỉ khiến người dân Syria có thêm quyết tâm chống lại và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố trên đất nước của mình. Quân đội Syria nêu rõ những cuộc tấn công như vậy sẽ không ngăn cản được các lực lượng vũ trang Syria và các lực lượng đồng minh trong việc tiếp tục quyết tâm tiêu diệt tàn quân của các nhóm khủng bố.

Nhiều nước lên án, Liên hợp quốc kêu gọi kiềm chế

Trong tuyên bố được đưa ra vào sáng 14-4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh Hiến chương LHQ đã nêu rõ rằng các quốc gia có nghĩa vụ phải tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế nói chung, đặc biệt là khi xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh. Ông Antonio Guterres kêu gọi các thành viên LHQ đoàn kết, cùng gánh vác trách nhiệm và thể hiện sự kiềm chế, đồng thời tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang tình hình và làm tồi tệ hơn nữa tình cảnh khốn khổ của người dân Syria. Bên cạnh đó, Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thành lập cơ chế về điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Nga là một trong số các quốc gia đầu tiên lên tiếng chỉ trích chiến dịch không kích của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc các nước phương Tây đã tấn công thủ đô của một quốc gia có chủ quyền đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố trong suốt nhiều năm qua đồng thời kêu gọi LHQ tổ chức một phiên họp khẩn để lên án chiến dịch quân sự tại Syria.

Cuba cũng ra tuyên bố chỉ trích cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh phương Tây nhằm vào các căn cứ quân sự và dân sự tại Syria, cho rằng đây là hành động đơn phương, vi phạm các nguyên tắc của Luật quốc tế và của Hiến chương LHQ.

Tổng thống Bolivia Evo Morales cho rằng Mỹ và các nước đồng minh đã tấn công Syria dựa trên một cái cớ bịa đặt. Ông nói: “Nhân danh phẩm giá, bảo vệ hòa bình và các dân tộc trên thế giới, chúng tôi kiên quyết lên án cuộc tấn công của Tổng thống Donald Trump chống lại nhân dân Syria anh em. Mỹ và đồng minh đã từng bịa ra một loại vũ khí hủy diệt không tồn tại làm cớ tấn công Iraq và nay lại tấn công Syria với một cái cớ tương tự”.

Hiện tại, ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng xuất hiện những lời chỉ trích về chiến dịch không kích Syria do nước này cùng Anh và Pháp mới tiến hành. Thậm chí, Thượng nghị sĩ Tim Kaine còn cho rằng các cuộc tấn công theo lệnh của Tổng thống Donald Trump là “phạm pháp”.

Rõ ràng việc Mỹ, Anh, Pháp đã tấn công vào Syria đã bị nhiều nước trên thế giới, thậm chí ngay trong nước Mỹ cũng lên tiếng phản đối. Nhưng Mỹ cùng đồng minh ngang ngược tiến hành. Đây là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý không thể chấp nhận được./.

Phòng TTCTTG (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40615640