Truy cập hiện tại

Đang có 90 khách và không thành viên đang online

Tình hình thế giới, khu vực: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Đại lộ Thăng Long - Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa)

1. Thế giới đang trải qua một thời kỳ có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau quyết liệt, giành vị thế và lợi ích gây ra tình hình phức tạp tại nhiều khu vực và nhiều nước. Xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, chiến tranh cục bộ, chiến tranh kinh tế, chiến tranh mạng, các hoạt động can thiệp, lật đổ, bất tuân dân sự, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tài nguyên… diễn ra dưới những hình thức mới, gay gắt hơn. Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống như: an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, v.v.. diễn biến nghiêm trọng. Chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng gia tăng mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn.

Nhìn toàn cục, sau 30 năm kết thúc Chiến tranh lạnh, trong những mức độ khác nhau, thế giới chưa bao giờ im tiếng súng. Những loại vũ khí giết người hàng loạt vẫn được đua nhau sản xuất và nguy hiểm hơn là được đưa tới những điểm nóng. Việc đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực vẫn được nhiều thế lực xác định là công cụ quan trọng để đạt mục tiêu bành trướng, áp đặt. Xu hướng tập hợp lực lượng, liên kết - đấu tranh vì lợi ích quốc gia - dân tộc diễn ra gay gắt, đặt các nước đang phát triển, nhất là những nước vừa và nhỏ, trước nhiều sức ép, đặc biệt dưới tác động của cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn.

Trong bối cảnh đó, sự gắn kết về lợi ích gia tăng cùng với nhận thức về trách nhiệm chung trong giải quyết những vấn đề toàn cầu trở thành yếu tố thuận lợi cho không khí hợp tác và đối thoại. Cùng với xu thế đa cực hóa và dân chủ hóa quan hệ quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, các dân tộc nâng cao ý thức độc lập, tự chủ, tự cường, ngăn ngừa những hành vi áp đặt và can thiệp của các thế lực cường quyền; các nước có cơ hội để triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển.

Kinh tế thế giới vừa được phục hồi một bước sau khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu song tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng và suy thoái. Chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt. Cách thức giải quyết, ứng phó các vấn đề kinh tế - xã hội nảy sinh sau khủng hoảng, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng đổi mới sáng tạo, là những kinh nghiệm quý giúp các nước vượt qua được những thách thức đó để phát triển nhanh và bền vững.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang là hai xu thế lớn, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển của nhân loại. Những đột phá công nghệ diễn ra nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, robots, công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, công nghệ sinh học, lưu trữ năng lượng, v.v.., đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm và sản xuất, kinh doanh. Sự đan xen của các quá trình hội nhập đưa thế giới đến một “cấu trúc ma trận” các hiệp định tự do thương mại (FTA) trên nhiều tuyến và nhiều cấp độ, trong đó phải kể đến các FTA thế hệ mới.

Xu thế đổi mới công nghệ diễn ra nhanh, đặt ra nguy cơ lớn về tụt hậu song cũng là điều kiện cho các nước đi sau thực hiện các bước phát triển rút ngắn qua việc tận dụng những thành quả phát triển của nhân loại. Tuy không có ưu thế về công nghệ, vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm quản lý và điều hành nền kinh tế, v.v.. như các nước phát triển, nhưng nhờ hội nhập và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, các nước đang phát triển có thể huy động và phân bổ hiệu quả hơn các nguồn lực, tiếp nhận kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm quốc tế, để thực hiện “đi tắt, đón đầu”.

Tuy nhiên, toàn cầu hoá gắn liền với chủ nghĩa tự do mới đang làm gia tăng bất bình đẳng xã hội. Sự bùng nổ của phong trào “Chiếm Phố Wall” tại Mỹ, sự ủng hộ của người dân Anh đối với phương án rời khỏi EU (Brexit), làn sóng biểu tình áo vàng tại Pháp, v.v.. cho thấy trong lúc toàn cầu hóa mang lại sự giàu có cho một số ít người thì vẫn có một số đông dân chúng bị đẩy ra bên lề xã hội.

Xu hướng co cụm xuất hiện ngay cả ở những nền kinh tế lớn như thể hiện qua chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump đang làm suy yếu tiến trình đa phương. Bởi vậy, các nước đang hướng về những cách tiếp cận như “toàn cầu hóa bao trùm”, “toàn cầu hóa 4.0” để định hình những chuẩn mực, quy tắc mới về quản trị toàn cầu với yêu cầu phải quan tâm hơn tới những người bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển và hội nhập.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục phát triển năng động có vị trí địa kinh tế - chính trị ngày càng quan trọng. Đây cũng là địa bàn cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc, thể hiện qua những sáng kiến và kế hoạch lớn như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Vành Đai con đường, v.v... buộc các nước vừa và nhỏ phải lựa chọn đối sách tham gia. Các hành vi đơn phương, chính trị cường quyền nước lớn và tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực, nhất là trên Biển Đông diễn ra căng thẳng, phức tạp hơn. ASEAN đã trở thành một lực lượng được các nước ngày càng coi trọng, đóng vai trò trung tâm trong tăng trưởng kinh tế, bảo đảm môi trường hòa bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên, sự tranh thủ lôi kéo, gây sức ép và can thiệp của các nước lớn, cùng với những tính toán lợi ích riêng của một số nước thành viên, là yếu tố cản trở ASEAN có tiếng nói chung trong một số vấn đề khu vực, tác động không nhỏ đến tính thống nhất của tổ chức này. Tiểu vùng Mêkông tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế nhờ quá trình mở cửa, cải cách, chuyển đổi sang cơ chế thị trường và tăng cường hợp tác xuyên biên giới; song các vấn đề về ô nhiễm môi trường, khan hiếm nguồn nước ngọt và nước biển dâng đang là thách thức không nhỏ đối với mục tiêu phát triển bền vững của các nước trong tiểu vùng.

2. Sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong ngắn hạn, môi trường quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định cho quá trình phát triển, đòi hỏi Việt Nam phải khẩn trương nâng cấp công tác dự báo và tăng cường năng lực nội tại để kịp thời xử lý được những tình huống phức tạp nảy sinh. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục là thách thức lớn đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Sự gia tăng chủ nghĩa đơn phương và quan hệ “bất thường” của các nước lớn đặt Việt Nam trước những rủi ro về đối ngoại. Đứng ở một vị trí địa chiến lược quan trọng, việc lựa chọn phương cách ứng xử, tìm ra cách tiếp cận hợp lý, xác lập lòng tin, chia sẻ lợi ích và đảm bảo chủ quyền luôn là thách thức đối với Việt Nam trong nỗ lực duy trì quan hệ cân bằng và tốt đẹp với các nước lớn.

Các vấn đề toàn cầu và mất an ninh phi truyền thống sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam ngày một sâu sắc hơn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước bị tổn thương nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng. Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng,… rất có thể sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều khó khăn. Việc nâng cao năng lực “thích ứng” với biến đổi khí hậu, nhất là chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, thiên tai thường xuyên xảy ra, sẽ là thách thức lớn. Tuy nhiên, những phương thức và mô hình phát triển mới như: tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, v.v.. cùng với tiến bộ khoa học công nghệ cũng đang mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều sự lựa chọn để tăng trưởng nhanh và bền vững.

Trong dài hạn, nhìn chung các xu hướng phát triển có ảnh hưởng tích cực cho sự cất cánh của Việt Nam. Các chương trình nghị sự về tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế nhân văn của thế giới gợi mở cho Việt Nam tư duy và tầm nhìn mới để đảm bảo công bằng và hoà nhập trong việc hưởng thụ các thành quả của tăng trưởng kinh tế.  

Việt Nam có cơ hội tốt để trở thành cửa ngõ quan trọng của một khu vực kinh tế năng động, tiếp cận với các thị trường lớn của thế giới khi thiết lập được một mạng lưới FTA rộng khắp và khai thác chiến lược Trung Quốc+1 của các nhà đầu tư quốc tế(1).. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập cũng đang gây ra sức ép điều chỉnh chính sách theo nhiều kênh, nhiều tuyến, tạo ra tác động nhiều chiều, khó kiểm soát. Bản thân các FTA không bảo đảm cho nền kinh tế Việt Nam vượt lên khỏi phân khúc thấp của chuỗi giá trị toàn cầu hay đem lại nhiều việc làm có năng suất cao hơn bởi những điều này lại chủ yếu phụ thuộc vào tiến độ hoàn thiện thể chế phát triển trong nước.

Việt Nam có lợi thế của nước đi sau khi có thể đi thẳng vào phát triển những lĩnh vực mới của nền kinh tế số; song đây cũng là thách thức lớn nếu mô hình tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, dựa vào vốn, lao động kỹ năng thấp và tài nguyên thiên nhiên. Giai đoạn vừa qua, mô hình này đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho một bộ phận lớn dân cư, nhưng nếu tiếp tục duy trì thì càng hội nhập sâu hơn, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng lệ thuộc vào bên ngoài, càng có nguy cơ lún sâu vào “bẫy gia công, lắp ráp” và vướng vào những nấc thang thấp của chuỗi giá trị toàn cầu. Thách thức đó yêu cầu nền kinh tế Việt Nam phải đẩy nhanh sự chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới, dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố không có trần giới hạn.

Nhìn lại gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Việc xác định trở thành một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa mở ra một giai đoạn mới, đồng thời thể hiện tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. “Định hướng xã hội chủ nghĩa” chính là nét đặc sắc nổi bật, thể hiện bản chất nhân văn, tiến bộ; sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là đặc trưng quan trọng nhất trong việc thực hiện tầm nhìn phát triển Việt Nam.

Mặc dù đã được thu hẹp đáng kể, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thua Hoa Kỳ hơn 25 lần;  Singapore 24  lần; Nhật Bản 16 lần; và các nước OECD 16 lần(2). Việt Nam chưa thể tái lập được kỳ tích phát triển của các nền kinh tế Đông Á đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay được đánh giá có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua (7-8%/năm), Việt Nam đang đứng trước cơ hội mang tính lịch sử để đạt được những bước ngoặt phát triển trong 3 thập niên tới: 1) đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm ngày Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao; 2) đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là tầm nhìn phát triển đất nước vừa mang những giá trị Việt Nam, vừa mang những giá trị toàn cầu, và trước hết là ý chí của dân tộc Việt Nam, do chính con người Việt Nam thực hiện.

Để thực hiện tầm nhìn đó, trước hết phải vững vàng trên nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định sự lãnh đạo của Đảng; kiên định đường lối đổi mới của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định nhất quán quan điểm: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng thể chế phát triển đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Chú trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo nền tảng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, không để người dân bị tụt lại phía sau trong quá trình phát triển.

Thứ hai, tăng cường xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy nguồn lực văn hoá, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh của đất nước. Tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển, tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam với tư cách là trung tâm, mục tiêu và là động lực phát triển quan trọng nhất.

Thứ ba, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, kỷ cương, bảo đảm an ninh kinh tế, xã hội, an ninh mạng, an ninh con người. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ xa, từ sớm; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố bên trong có thể gây đột biến. Tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Thứ tư, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo - cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và dân vận của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

___________________________
(1) Xu hướng các nhà đầu tư chuyển dịch đầu tư ra những nước gần Trung Quốc để tận dụng lao động giá rẻ, tránh được các rủi ro chính trị, đồng thời vẫn khai thác được thị trường Trung Quốc và tận dụng được hệ thống công nghiệp phụ trợ phát triển của nước này.
(2) Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên giải trình và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, ngày 1-11-2018.

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn: BTGTW
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40615835