Truy cập hiện tại

Đang có 113 khách và không thành viên đang online

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề tại Tỉnh đoàn An Giang

(TGAG)- Chiều 03/10/2019, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang do đồng chí Phan Huỳnh Sơn - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Tỉnh đoàn.

Tại buổi làm việc, đồng chí  Lâm Thành Sĩ - Bí thư Tỉnh đoàn đã thông qua báo cáo tóm tắt việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019) tại Tỉnh đoàn An Giang.



Thời gian qua, thanh thiếu nhi tỉnh An Giang tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, dưới sự quản lý, hướng dẫn của tổ chức Đoàn, Đội, nhà trường, gia đình và xã hội. Mong muốn có nhiều sân chơi an toàn, lành mạnh trong thời gian tới; quan tâm và mong muốn được tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội; kỹ năng phòng chống xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục; kỹ năng bơi, phòng tránh đuối nước và cứu đuối; kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích; phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội. Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang có 463.747 trẻ em, trong đó có 171.220 Đội viên và có khoảng 1.650 Đoàn viên dưới đủ 16 tuổi.

Từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, theo thông tin nắm bắt trong hệ thống Đoàn, toàn tỉnh có trên 26 trẻ em bị xâm hại thuộc đối tượng tố chức Đoàn quản lý, trong đó có trên 05 trẻ em bị xâm hại là Đội viên, không có trẻ em bị xâm hại là Đoàn viên dưới 16 tuổi. Đối tượng xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, trình độ, thành phần khác nhau, trong đó không ít đối tượng phạm tội là người thân, có quan hệ huyết thống với các em. Thống kê trong 03 năm (2015 - 2018) từ Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cũng cho thấy, đa phần trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân quen; trong đó tỷ lệ bị xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, bởi người lạ là 12,6%. Địa bàn thực hiện tội phạm xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, mà mở rộng đến những nơi đông đúc dân cư, vùng thành thị. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực là các đối tượng lợi dụng lúc cha mẹ, người trông giữ, quản lý trẻ vắng nhà, tiếp cận nạn nhân, dụ dỗ để thực hiện hành vi tội phạm; Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc cho quà, ăn uống… nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại đối với trẻ; Một số trường hợp xâm hại trẻ em diễn ra trong thời gian dài, qua nhiều năm mà nạn nhân, gia đình im lặng nên khó xác định được hành vi.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng đề xuất các pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian tới, cụ thể như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững; Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong việc truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thực hiện quyền trẻ em; trong đó tập trung vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền; đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục vào các hoạt động, các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội, các hoạt động ngoại khóa, hội thi…; Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em; Phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể liên quan để mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ trẻ em trong Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan để các văn bản quy phạm pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống; Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội chủ chốt ở cơ sở, trong đó chú trọng xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các đội xung kích, tình nguyện nhằm tuyên truyền sâu rộng về phòng, chống xâm hại trẻ em;…



Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phan Huỳnh Sơn - Trưởng đoàn giám sát đã đánh giá cao kết quả mà Tỉnh đoàn An Giang đã đạt được trong thời gian qua. Đóng góp ý để Tỉnh đoàn triển khai trong thời gian tới tốt hơn: Điều chỉnh các câu từ trong báo cáo, số liệu báo cáo phải tương xứng; Nghiên cứu, đánh giá nội dung bạo lực học đường cần xem xét về độ tuổi, yếu tố tâm lý các em học sinh để đưa vào cách đánh giá của hệ thống Đoàn; Hoạt động của Tỉnh đoàn thời gian qua thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em khá phong phú, trong thời đề nghị lưu ý nghiên cứu thêm về Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật Hình sự, Luật Dân sự, các văn bản Luật liên quan đến trẻ em; Tiếp tục phát huy thế mạnh của Đoàn, Hội, Đội trong công tác tuyên truyền, trong đó tập trung tuyên truyền ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa,…

Thời gian tới, Tỉnh đoàn cần đánh giá sâu sát hơn nữa về công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể liên quan cũng như cung cấp thông tin về số liệu việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Các giải pháp thực hiện trong thời gian tới phải có trọng tâm, trọng điểm và tập trung nguồn lực để “phòng” cho tốt hơn, rồi tính đến “chống” và chăm lo cho tốt đối tượng của mình; Tập trung vào từng đối tượng đặc thù để phòng ngừa cho tốt;...

Buổi giám sát đã đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại cơ quan Tỉnh Đoàn An Giang. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Thanh Tiền
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40530663