Xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long là nhiệm vụ hàng đầu
- Được đăng: Thứ sáu, 10 Tháng 4 2015 15:41
- Lượt xem: 2512
Sáng 10/4, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long – Giai đoạn 2 với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố liên quan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu
ý kiến chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh lương thực quốc gia, đồng thời là vùng thường xuyên chịu lũ lụt. Từ lý do này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập sâu khu vực này. Theo đó, trong giai đoạn 1 (2001-2008) chương trình được cấp tổng số vốn gần 5.770 tỷ đồng để triển khai xây dựng 804 dự án cụm, tuyến dân cư và bờ bao để bảo đảm chỗ ở cho 146.000 hộ dân đang sống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt tại 8 tỉnh, thành phố trong khu vực. Trong giai đoạn 2, chương trình nhằm đảm bảo chỗ ở an toàn cho 56.000 hộ dân trong vùng; đồng thời, bổ sung một số hạng mục thiết yếu như bãi rác, kè chống sạt lở cho một số cụm, tuyến trong giai đoạn 1.
Theo tổng hợp kết quả giai đoạn 2, đến nay, các địa phương đã triển khai thực hiện 178/179 dự án; hoàn thành tôn nền 126 cụm, tuyến và 48 bờ bao (đạt 97%); hoàn thành xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tại 107 cụm, tuyến dân cư trên tổng số 130 cụm, tuyến cần xây dựng (đạt 82%)....; xây dựng xong 27.185/35.595 căn nhà cần xây dựng cho các hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình vào ở trong các cụm, tuyến dân cư (đạt 76%). Tính đến hết năm 2014, tổng số vốn đã cấp so với kế hoạch là 2.859,5/3.269,073 tỷ đồng (đạt 87,5%) bao gồm vốn ngân sách trung ương và vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, mặc dù còn một số hạn chế, tồn tại, nhưng nhìn chung, Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua các trận lũ lớn, đặc biệt trong năm 2011 nhưng hầu hết các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư thuộc Chương trình giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vẫn đảm bảo an toàn; thiệt hại về người và tài sản chưa đến 15% so với năm 2000. Chương trình đã đảm bảo cho hơn 200.000 hộ dân, tương đương khoảng hơn 1 triệu người có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo đã xây dựng được nhà ở khang trang, an tâm lao động sản xuất và từng bước thoát nghèo bền vững. Đây cũng chính là một trong các mô hình góp phần phát triển nông thôn mới bền vững.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong Chương trình thúc đẩy tiến độ, kiểm soát chất lượng xây dựng, phấn đấu hoàn thành các công việc còn lại thuộc Giai đoạn 2 trong năm 2015; đặc biệt là việc đưa hết số hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình vào sống trong cụm, tuyến; xây dựng quy chế quản lý sau đầu tư và quan tâm chỉ đạo việc tổ chức quản lý sau đầu tư. Các địa phương trong vùng dự án cũng mong muốn các Bộ, ngành liên quan xem xét, ưu tiên giải quyết vốn thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương giảm nghèo khác để xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư nhằm nâng cao điều kiện sống của các hộ dân, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã xác định rõ tầm quan trọng và ý nghĩa xã hội to lớn của Chương trình; triển khai thực hiện một cách trách nhiệm, hiệu quả các dự án, hạng mục đề ra, thực hiện đúng đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về việc chăm sóc đời sống nhân dân trong vùng ngập lũ tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhấn mạnh vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - một vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản, những năm qua, các địa phương trong vùng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đóng góp mạnh mẽ vào thành tích chung của cả nước, đặc biệt là việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông thủy sản.
Song bên cạnh đó, đồng bằng sông Cửu Long cũng là vùng yếu và thiếu về nguồn nhân lực chất lượng cao; hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là chất lượng giáo dục còn kém - là vùng trũng của giáo dục quốc gia; người dân còn nghèo, thuần nông, đời sống còn chênh lệch so với các khu vực khác của cả nước.
Thủ tướng chỉ rõ: So với cả nước, đồng bằng sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, lũ lụt. Đặc biệt đây cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và đời sống của bà con nhân dân. Đây cũng là thách thức phải đối mặt của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến hết năm 2015, tập trung hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã đề ra; đặc biệt, thực hiện tốt việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Đối với chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, qua hai giai đoạn triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả thiết thực và được thực hiện thành công.
Định hướng chương trình trong thời gian tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong quá trình thực hiện các dự án, hạng mục phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân, phải được người dân đồng tình, ủng hộ. Ngoài ra, phải đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sâu sát, thường xuyên kiểm tra, giám sát; tập trung huy động các nguồn lực tổng hợp để triển khai chương trình.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng ý kéo dài giai đoạn 2 của chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, xây dựng kế hoạch trung hạn để hoàn tất những vấn đề còn tồn tại như: Nhu cầu ổn định chỗ ở cho các hộ dân vùng ngập lụt và sạt lở mới phát sinh; giải quyết nhà ở cho hơn 8.400 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình chưa xây dựng nhà ở.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát lại các đối tượng thuộc diện của dự án; xem xét, tiếp tục cho vay tiếp, kéo dài thời hạn trả nợ cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa trả được nợ vay tiền mua nền nhà.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong vùng coi việc triển khai chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long là một nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương để phấn đấu hoàn thành; tiếp tục hoàn thiện tốt hơn các công trình hạ tầng và nhà ở, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư để các cụm, tuyến trở thành các điểm dân cư mới đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt ngày càng cao của nhân dân./.
Theo TTXVN