Truy cập hiện tại

Đang có 122 khách và không thành viên đang online

Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã

(TGAG)- Đội ngũ cán bộ văn hóa công tác ở các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã đang đặt ra yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp quan tâm, nhất là trong giai đoạn cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đang chung ta xây dựng xã văn hóa nông thôn mới, tiến tới xây dựng các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW) đặt ra yêu cầu về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa: “Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở”. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao”.

Toàn tỉnh có 156/156 xã, phường, thị trấn có cán bộ công chức chuyên trách văn hóa - xã hội. Mỗi xã, phường, thị trấn có 1 cán bộ văn hóa cấp huyện phụ trách. Đội ngũ này có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn, vận động thực hiện xã hội hóa các nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa ở cơ sở. Đội ngũ này cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, có tâm, có năng lực và nhiệt huyết để thực hiện các hoạt động văn hóa tại cơ sở.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã cũng như hoạt động văn hóa ở cơ sở hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa cấp xã chưa được quan tâm đúng mức; trình độ và năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, nhất là trong công tác quản lý, năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thiếu năng động, chủ động, sáng tạo. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở còn nhiều bất hợp lý. Số cán bộ công chức văn hóa - xã hội cấp xã thường không ổn định, một số chưa qua đào tạo cơ bản, còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, lại phải kiêm nhiệm nhiều việc nên thường bị động, chưa bảo đảm được yêu cầu công tác trong điều kiện xã hội và trình độ dân trí ngày càng cao. Đời sống văn hóa ở cơ sở còn nghèo nàn, đơn điệu, không bắt nhịp được với vùng đô thị dẫn đến chênh lệch về mức sống, mức hưởng thụ văn hóa. Mức đầu tư ngân sách cho văn hóa cơ sở còn thấp.

Từ hoạt động thực tiễn cho thấy, tác dụng và hiệu quả của hoạt động văn hóa ở cơ sở phụ thuộc rất lớn vào công tác tham mưu, sự điều hành và tổ chức nội dung hoạt động của cán bộ, công chức văn hóa cấp xã. Do đó đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã cần phải được củng cố, hoàn thiện, nâng chất để có thể hoàn thành nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Các cấp ủy, chính quyền và mặt trận đoàn thể và các ngành có liên quan phải có lộ trình thực hiện bằng những giải pháp vừa cụ thể, vừa thiết thực.

Chủ động quy hoạch gắn với đào tạo, sử dụng, có định hướng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức văn hóa cơ sở, trong đó có cán bộ văn hóa cấp xã theo tiêu chuẩn chức danh, trang bị bổ sung những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý điều hành, từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở đáp ứng với yêu cầu quá trình phát triển văn hóa.

Thường xuyên tập huấn, bổ sung kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý và tổ chức các nội dung hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa, trang bị kiến thức quản lý và tổ chức hoạt động phong trào. Hằng năm, cán bộ văn hóa cấp xã tập trung ngắn ngày để bồi dưỡng tập huấn cập nhật kiến thức thường xuyên phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện để kịp thời giải quyết những phát sinh trong đời sống thực tiễn.

Có chính sách đãi ngộ hợp lý để đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã được gắn bó lâu dài, có chính sách hỗ trợ và khuyến khích cán bộ có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp đại học về vùng xa, vùng núi, vùng khó khăn để cùng đồng bào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Đối với mỗi cán bộ, công chức văn hóa cơ sở phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, có ý thức cầu thị tiến bộ, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước và phương pháp tổ chức hoạt động thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Thường xuyên nắm bắt kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động văn hóa cơ sở, những diễn biến trong đời sống của nhân dân tại địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.

Lâm Giàu
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40302212