Nghề mang cho đời những đóa hoa thơm
- Được đăng: Thứ năm, 16 Tháng 11 2017 20:47
- Lượt xem: 4892
“Có một nghề bụi phấn dính đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây trên đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”
(TGAG)- Vâng! đó chính là nghề giáo, nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Còn gì cao quý hơn việc giáo dục một người trở thành một người tử tế, lương thiện, vững vàng về kiến thức để bước với đời. Nghề dạy học là một nghề có từ xa xưa, nhưng cũng là một nghề tồn tại mãi mãi với sự phát triển của nhân loại. Chính vì tinh thần hiếu học, vì yêu cái chữ mà người dân Việt Nam chúng ta quý trọng vô cùng những người làm nghề dạy học. Người học trò bao giờ cũng kính trọng thầy, cô bởi vì trong tiềm thức người thầy là những người khai tâm, khai trí, là những người xây dựng nhân cách cho mọi người.
Nghề dạy học quả là vinh dự mà cũng thật khó khăn. Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nhưng với không ít thầy cô để có thể gắn bó với nghề, tiếp tục cống hiến và truyền lửa cho các thế hệ học trò là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đầy bộn bề, lo toan. Người thầy dạy học trò của mình đâu phải chỉ có dạy kiến thức, quan trọng hơn là dạy làm người. Vì công lao đó, xã hội đã ví người giáo viên như những người kỹ sư và ưu ái, trân trọng dành cho người giáo viên cái tên rất đẹp đẽ, tràn đầy ý nghĩa và gần gũi với nghề của mình. Đó là: "Người kỹ sư tâm hồn"! Bằng cái tài và cái tâm, người giáo viên đã tạo ra những con người không chỉ có tri thức, hiểu biết, mà còn có một trái tim rộng lớn, bao la. Để có được điều đó, thầy phải yêu trò như con mình, hiểu các em đang nghĩ gì, đang vui gì và đang mơ ước những gì... Không có cái tâm, lòng yêu thương ấy, dù khéo léo đến đâu, người thầy cũng khó cảm hóa được học trò, nhất là trong trường hợp gặp những học sinh cá biệt, trẻ chưa ngoan.
Thời kỳ đổi mới, nghề giáo càng gặp nhiều thách thức khi ngày nay đòi hỏi sản phẩm giáo dục phải có phẩm chất, có năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Vì lẽ đó, phẩm chất và nhân cách nhà giáo cũng được quy định thêm bởi nhiều yếu tố, nhưng cốt lõi vẫn là tri thức và lòng yêu thương học sinh. Trong cuộc sống ngày nay, nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, vượt qua khó khăn trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. Một nghề nghiệp mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống chung có khó khăn hay cuộc đời riêng nhiều trắc trở, cũng chẳng ai cho phép mình được u sầu, bất mãn trước học trò. Vẫn biết cuộc sống không chỉ có tinh thần mà còn cần lắm những phương tiện vật chất. Tuy nhiên, nếu ai coi nghề giáo là nghề để làm giàu sẽ rất dễ sa ngã, sẽ không toàn tâm toàn ý với nghề. Nếu chỉ biết nhăm nhe giành giật chức quyền, bằng mọi giá phải cố kiếm được nhiều tiền thì đừng nên bước chân vào môi trường giáo dục và đừng bao giờ đóng vai nhà giáo. Nghề nào cũng vậy, nhất là nghề giáo thì cần phải trải qua thử thách khó khăn lâu dài mới trở thành một nhà giáo có bản lĩnh, có tâm, có đức và có tài.
Giữa bộn bề lo toan, bao đua chen xuôi ngược, trong thâm tâm mọi người vẫn dành cho thầy cô của mình những tình cảm thiết tha sâu lắng, chân tình trao gửi những ơn sâu nghĩa nặng để người thầy thắp thêm lửa nhiệt huyết với nghề của mình. Trách nhiệm vun đắp cho tòa nhà giáo dục hôm nay là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó một điều chắc chắn là có một phần trách nhiệm không nhỏ của đội ngũ nhà giáo.
Eugene P. Bertin từng có câu:” Dạy học là đặt vết tích của một người vào sự phát triển của một người khác. Và chắc chắn học trò là ngân hàng nơi bạn có thể gửi kho báu quý giá nhất của bạn”. Đúng vậy, làm nhà giáo chỉ cho mà không bận lòng nghĩ đến nhận, là con ong chăm chỉ xây tổ gom mật cho đời, là cây thân mộc vươn mình trong nắng gió tỏa bóng mát cho người, là kiếp con tằm đến chết còn vương tơ. Và học sinh là những đứa trẻ nhỏ góp nhặt những công sức ấy để làm hành trang vững bước trên chặng đường khó khăn của mình. Nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người./
Ngọc Hân