Truy cập hiện tại

Đang có 164 khách và không thành viên đang online

Sức lan tỏa qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện Châu Thành

(TUAG)- Châu Thành là huyện ven đô có 11 xã và 02 thị trấn là An Châu và Vĩnh Bình. Trong những năm qua, hệ thống chính trị trên địa bàn huyện thường xuyên được củng cố, vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng ngày càng được tăng cường, công tác quản lý điều hành của chính quyền có nhiều đột phá, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới theo hướng sâu sát địa bàn cơ sở, gần dân, đời sống của đoàn viên, hội viên và Nhân dân ngày càng được nâng lên.

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW ngày 01/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” và hướng dẫn của Ủy ban MTTQ VN tỉnh, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả và trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, khơi dậy truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.
 

Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân tặng quà hộ nghèo trên địa bàn xã Cần Đăng nhân dịp tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, qua 20 năm, toàn huyện đã tổ chức được 780 cuộc với 40.560 lượt người tham dự. Ngày hội là dịp để ôn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống đại đoàn kết của dân tộc; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận của Nhân dân địa phương trong xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, như: tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở; thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Thông qua ngày hội đã biểu dương hơn 15.600 cá nhân, 5.200 tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho cộng đồng và các hoạt động an sinh xã hội; khen thưởng cho 63 khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa.
 

Lãnh đạo huyện khen thưởng các cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua tại địa phương

Trong 20 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn và giành được nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực cả về kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 64,3 triệu đồng/người vào năm 2022, tăng 54,6 triệu đồng so với năm 2003. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, bình quân hàng năm có 10% số hộ và 50% số khóm, ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa; đến nay, đã có 20/54 trường đạt chuẩn quốc gia; có 13/13 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; toàn huyện có 39.620/41.196 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt 95,65%; trong đó, có 13.520 gia đình văn hóa tiêu biểu, có trên 32.219 hộ xây dựng hàng rào, hơn 32.125 hộ có cột cờ; có 63/63 khóm, ấp giữ vững danh hiệu văn hóa. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng khu dân cư văn hóa”, “Khóm, ấp văn hóa”, “Xã, thị trấn văn hóa”; xây dựng các gương gia đình điển hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cùng nhau đồng lòng, chung sức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc phát động. Đồng thời, đây cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp gặp gỡ, sinh hoạt, tiếp xúc, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; qua đó, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền. Thông qua tổ chức ngày hội, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn được củng cố và tăng cường, Nhân dân các dân tộc đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Bên cạnh đó, các chế độ chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, trong 20 năm tổ chức ngày hội, thông qua việc kêu gọi, huy động, toàn huyện đã tổ chức bàn giao trên 1.200 căn nhà Đại đoàn kết, trao học bổng cho trên 3.000 em học sinh nghèo, khánh thành trên 60 cây cầu giao thông nông thôn, nâng cấp, sửa chữa trên 1.000km lộ giao thông nông thôn và khởi công nhiều công trình an sinh xã hội khác; tổ chức thăm, tặng quà cho trên 1.000 hộ gia đình chính sách,... với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng.
 

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo

Bên cạnh đó, từ các phong trào thi đua, cuộc vận động được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát động, triển khai tại ngày hội và sự huy động, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động Nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, đến nay toàn huyện đã có có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Từ trong các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, tiêu biểu là các mô hình đảm bảo an ninh trật tự như: mô hình “5 không”, mô hình “Tổ an ninh tự quản”, mô hình “khóm, ấp tự quản về ATGT”, “Móc khóa tố giác tội phạm”, “Khu dân cư an toàn phòng cháy chữa cháy”, mô hình “Cổng rào an ninh”. Các mô hình xây dựng nông thôn mới như: mô hình “Đường hoa, sớm đẹp”, mô hình “Đi từng ngõ, rõ từng nhà”, “Tổ tự quản không dịch bệnh sốt xuất huyết”. Một số mô hình giảm nghèo như: “Tổ đổ cột bê-tông cất nhà cho người nghèo”, “Tổ cất nhà cho người nghèo”... các mô hình đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 

Vận động Nhân dân đóng góp xây cầu nông thôn

Có thể nói, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư trên địa bàn huyện được tổ chức rộng khắp trong những năm qua đã đi vào chiều sâu, trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân. Từ thực tiễn cho thấy, nhiều khu dân cư đã có những cách làm hay, hình thức tổ chức phong phú, đa dạng và thích hợp thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo không khí vui tươi, đầm ấm, gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Để Ngày hội Đại đoàn kết thời gian tới thực sự đi vào chiều sâu, mang lại sức lan tỏa trong cộng đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ tiếp tục tham mưu Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc để ngày hội thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng là ngày hội của toàn dân; góp phần xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng huyện Châu Thành ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Trúc Phương
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40110260