Truy cập hiện tại

Đang có 224 khách và không thành viên đang online

Không có tự do báo chí tuyệt đối hay tự do báo chí không giới hạn

(TUAG)- Những năm qua, báo chí ở Việt Nam luôn giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của Nhân dân; chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã phát hiện và phản ánh trung thực gương tốt, việc tốt, nhiệt tình ủng hộ và cổ vũ nhân tố mới, mô hình hiệu quả, những biểu hiện tích cực trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19; qua đó, cổ vũ cán bộ, đảng viên, quần chúng, người lao động nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong hoạt động nghiệp vụ, các nhà báo đã không quản ngại khó khăn, thách thức, lăn lộn với thực tiễn, phát hiện những bất cập trong việc ban hành các chính sách,... từ đó kiến nghị với các cơ quan chức năng của Nhà nước sửa đổi, chấn chỉnh kịp thời.



Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí in và điện tử, hơn 70 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Cả nước có hơn 40.000 người hoạt động trong cơ quan báo chí, trong đó có hơn 17.000 người được cấp Thẻ Nhà báo. Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng internet cao nhất thế giới với hơn 68 triệu người (chiếm 70% dân số). Điều này đã thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của cả hệ thống báo chí và truyền thông. Những thành tựu trên đã minh chứng sinh động cho sự tự do báo chí ở Việt Nam.

Thế nhưng, gần đây, khi tòa án của Việt Nam xét xử một số phần tử lợi dụng “mác phóng viên” để kích động xuyên tạc, tán phát những thông tin sai lệch,… thì một số người đã “bày tỏ chính kiến” trên mạng xã hội hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài rằng: “Việt Nam đã đàn áp nhà báo”, “Ở Việt Nam không có tự do báo chí”,v.v. Cùng với đó, một số tổ chức và báo chí của nước ngoài do không hiểu, hoặc cố tình không hiểu tình hình thực tế của Việt Nam đã quy chụp, thêu dệt và đưa những thông tin không đúng sự thật về báo chí Việt Nam. Điển hình là Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2022”, đưa ra luận điệu bịa đặt và cáo buộc rằng: Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có tình hình báo chí “rất tồi tệ”. Từ đó, họ kêu gọi mọi người đấu tranh đòi “tự do báo chí đích thực”, “thả tự do cho các nhà báo” vi phạm bị pháp luật xử lý,v.v.. Có thể khẳng định đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, nhằm tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân, do vậy cần phải cảnh giác, đấu tranh, bác bỏ.
Ở Việt Nam, tự do báo chí, tự do ngôn luận luôn được Đảng và Nhà nước tôn trọng và bảo đảm, thể hiện rõ trên cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn.

Trước hết, về pháp lý: Tự do ngôn luận được hiến định tại Điều 10 trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946): “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành (năm 2013) tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều có những quy định cụ thể về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các đạo luật này còn có những quy định cụ thể về hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân,… đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Như vậy, về mặt pháp luật, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành khung pháp lý về quyền tự do ngôn luận đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người.

Về thực tiễn,  trong tiến trình phát triển của nhân loại, chưa bao giờ có “tự do báo chí tuyệt đối” hay “tự do báo chí không giới hạn”. Nếu ai đó tin rằng có tự do báo chí tuyệt đối, tự do báo chí cho mọi người thì hoặc là họ ngây thơ về chính trị, hoặc cố tình phủ nhận sự thật. Ở những nước có nền truyền thông phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh thì tự do báo chí cũng đều phải tuân theo những nguyên tắc, chuẩn mực và luật lệ nhất định của nước đó.

Trên thực tế, các công ước quốc tế cũng như luật pháp của các nước đều coi tự do báo chí là một quyền cơ bản, nhưng đó không phải là sự tự do tuyệt đối mà phải có giới hạn nhất định. Tại khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nhấn mạnh: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Việc thực hiện tự do báo chí ở mỗi quốc gia phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không được phép lợi dụng quyền cơ bản này để xâm hại lợi ích quốc gia-dân tộc, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, trật tự xã hội.

Như vậy, dù trong bất kỳ xã hội nào thì tự do báo chí chỉ mang tính tương đối, bởi tự do báo chí phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật và phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở mỗi nước trong từng thời kỳ nhất định. Phấn đấu xây dựng một nền báo chí tự do, trong đó nhà báo được tự do hành nghề, tự do cống hiến sức sáng tạo để phục vụ công chúng theo đúng lương tâm và trách nhiệm của người làm báo chân chính không đồng nghĩa với việc tùy tiện viết bài với mưu đồ xấu, bất chấp cả pháp luật và đạo lý. Người làm báo ngoài sự chế định của pháp luật còn có sự chi phối của lương tâm, trách nhiệm và sự giác ngộ chính trị. Tự do sáng tạo trong báo chí phải đi liền với việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác, phục vụ sự tiến bộ của xã hội, vì lợi ích của đại đa số Nhân dân. Điều cần nhấn mạnh là, ngoài các quy định của pháp luật, mỗi phóng viên, biên tập viên khi thao tác nghề nghiệp, đều cần cân nhắc kỹ lưỡng khi xử lý một thông tin, một sự kiện: Nên hay không nên, hoặc chưa nên thông tin, bình luận nếu sự kiện đó làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

SỰ THẬT
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37061500