Truy cập hiện tại

Đang có 93 khách và không thành viên đang online

Suy ngẫm về cách dùng cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(TGAG)- Qua thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Công an tỉnh phát động, tôi có cảm nhận rằng: không phải ai cũng có thể thực hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Nhưng ở Bác, mỗi người trong chúng ta có thể học, hiểu và thực hiện được một vài điều gì đó, chắc chắn đã làm cho chúng ta trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Thực tế, 70 năm qua lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã nỗ lực phấn đấu học tập, làm theo 6 điều Bác Hồ dạy “tư cách người Công an cách mệnh”, và 46 năm thực hiện di chúc của Người, đã đạt được những kết quả thiết thực trong công tác xây dựng lực lượng CAND từng bước hiện đại, chính quy, tinh nhuệ.

Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), chúng ta cùng suy ngẫm những điều Bác đã nói, đã làm và dạy bảo mỗi người vẫn còn nguyên giá trị qua bao thời đại. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác cán bộ, mà nhất là đối với lực lượng CAND, vì đây là một trong những lực lượng nòng cốt, đảm bảo cho sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng trong mọi thời kỳ.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc có thành công hay thất bại cũng đều do cán bộ tốt hay kém. Mục đích khéo dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, Chỉ thị của ngành. Nếu cán bộ có ý hoang mang, sợ hãi, buồn rầu, uất ức hoặc công tác không hợp thì công việc chắc chắn thất bại. Vì vậy, muốn cán bộ làm được việc phải khiến cho họ yên tâm làm việc, vui vẻ làm việc. Muốn như thế phải:

Hiểu biết cán bộ,
Khéo dùng cán bộ,
Cất nhắc cán bộ,
Thương yêu cán bộ,
Phê bình cán bộ.

Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các cán bộ thuộc quyền, trước hết người lãnh đạo phải biết sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng. Khi nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ. Một người cán bộ khi truớc có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi, cũng có những cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi người không phải luôn luôn giống nhau. Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Cho nên, phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chỗ xấu của họ.

Và phải khiến cho họ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh dạn đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ, thật thà trong cơ quan, đơn vị.

Không nên tự kiêu, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới. Nếu ý kiến các đồng chí cấp dưới đúng phải nghe theo, khuyên họ đề thêm ý kiến để nâng cao tinh thần và sáng kiến của họ. Còn nếu ý kiến của họ không đúng thì nên dùng thái độ hòa nhã, thân thiết giải thích cho họ hiểu. Quyết không nên phùng mang trợn mắt, quở trách, giễu cợt họ. Khi cấp dưới phê bình thì phải vui vẻ thừa nhận, không nên tỏ vẻ bất bình hay trù dập họ, để lần sau họ không dám phê bình nữa, thế là mất hết dân chủ, cán bộ sẽ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra. Do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản, dễ sinh ra thói “không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”.

Nếu cán bộ không yên tâm làm việc, mình phải tìm hiểu, xét rõ những vấn đề còn vướng mắc về mặt tâm lý của cán bộ, kể cả những chỗ lãnh đạo không đúng đắn của mình, để thuyết phục và khuyên răn người đó. Nếu vì công tác không hợp với năng lực hay sở trường của họ, phải tìm công việc thích hợp hơn cho họ làm.

Công việc hay hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không, nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo đúng hay không. Năng lực của con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ. Phải khiến cho cán bộ cả gan phụ trách, có gan làm việc.

Trước khi giao công tác, cần phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác. Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được rồi việc gì mình cũng nhúng vào. Kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong, cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu, nản chí.

Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính và khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên họ cứ cả gan làm, phải để cho họ có quyền “tùy cơ ứng biến” mới có thể phát triển tài năng của họ. Chứ việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ sẽ như cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến. Phải đào tạo những cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc và dám chịu trách nhiệm với công việc của mình làm, thì công việc mới thành công được.

Trong công tác cất nhắc cán bộ cũng rất quan trọng, khi biết rõ ràng cán bộ mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong nội bộ, như thế là có tội. Cất nhắc cán bộ phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái, như thế công việc nhất định chạy. Chứ trước khi cất nhắc mà không xem xét kỹ, khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ, khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời.

Đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét rõ ràng trước khi cất nhắc, mà sau khi đã cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên răn họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng và chí khí của họ để đi đến chỗ “thắng không kiêu, bại không nản”. Đó còn là sự thương yêu cán bộ, phải giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm, giúp họ có điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm, khó khăn phải có sự quan tâm, chia sẻ, tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ và sự thân ái, đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, phải luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm tra họ. Hễ thấy cán bộ có sai lầm, khuyết điểm phải lập tức sửa chữa ngay. Nếu để sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng. Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng nguyên nhân sai lầm, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi. Cần phải xét kỹ lưỡng việc sai lầm nặng hay nhẹ, rồi dùng hình thức xử phạt cho đúng, vì lầm lỗi đều có việc to hay việc nhỏ, cho nên hoàn toàn không dùng hình thức xử phạt là không đúng. Mà việc gì cũng xử phạt cũng không đúng.

Hãy phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của cơ quan, đơn vị. Mà trái lại còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn. Do đó, mà uy tín và thể diện càng tăng thêm. Cách đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong tổ chức công việc. Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc “vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”./.
Quỳnh Mai


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39837406