Truy cập hiện tại

Đang có 91 khách và không thành viên đang online

Phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gic trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng

(TGAG)- Phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gic là hai phương pháp chuyên ngành nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Kết quả và chất lượng mỗi công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng phụ thuộc rất nhiều vào việc kết hợp chặt chẽ hai phương pháp này.

Phương pháp lịch sử là phương pháp xem xét và trình bày quá trình phát triển của các sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng theo một trình tự liên tục, trong mối liên hệ tác động lẫn nhau của chúng. Yêu cầu đối với phương pháp lịch sử là đảm bảo tính liên tục về thời gian của các sự kiện, phong trào; làm rõ điều kiện, đặc điểm phát sinh, phát triển và biểu hiện của chúng; làm sáng tỏ các mối liên hệ đa dạng của chúng với các sự kiện, phong trào khác.

Trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, phương pháp lịch sử dùng để xem xét, trình bày quá trình phát triển của Đảng theo trình tự liên tục về thời gian: Thời kỳ vận động thành lập Đảng (1920 - 1930); Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945); Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954); Thời kỳ chống đế quốc Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975); Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước (1975 - 1986); Thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện (1986 - 1996); Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (1996 đến nay). Khi trình bày các sự kiện lịch sử, chúng ta phải chọn các sự kiện, phong trào hoạt động tiêu biểu, điển hình gắn với từng thời kỳ lịch sử. Đồng thời, phải đặt quá trình phát triển của Đảng bộ địa phương với các Đảng bộ địa phương lân cận và Đảng bộ cấp trên. Từ đó, chúng ta sẽ thấy trong quá trình hình thành, phát triển và lãnh đạo của các Đảng bộ có sự liên hệ và tác động lẫn nhau trong suốt quá trình cách mạng để cùng thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Vận dụng đúng phương pháp lịch sử giúp chúng ta khôi phục sự thật lịch sử một cách chân thực, khách quan.

Phương pháp lịch sử có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng riêng lẻ phương pháp lịch sử thì công trình nghiên cứu, biên soạn sẽ rơi vào tình trạng chất đống sự kiện, không khái quát, đúc kết, chỉ ra được những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm; cần phải kết hợp phương pháp lô-gic.

Phương pháp lô-gic là phương pháp sử dụng các luận điểm khoa học nhằm xem xét, nghiên cứu, khái quát, lý giải các sự kiện lịch sử. Từ đó, đánh giá, rút ra kết luận, chỉ ra bản chất, khuynh hướng tất yếu, quy luật vận động của lịch sử.

Để đảm bảo vận dụng phương pháp lô-gic trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, đòi hỏi người viết phải đánh giá những thành tựu cũng như hạn chế, khuyết điểm của Đảng bộ địa phương lãnh đạo phong trào cách mạng; nêu đúng mức đóng góp của Đảng bộ và Nhân dân địa phương đối với phong trào cách mạng của Đảng bộ cấp trên và cả nước.

Phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gic có mối liên hệ với nhau. Bởi vì, khi phân tích các sự kiện lịch sử cụ thể là cơ sở để khái quát, rút ra bản chất, quy luật vận động của lịch sử. Muốn nắm được bản chất, quy luật vận động của lịch sử phải luôn bám sát sự kiện lịch sử cụ thể, dẫn ra các sự kiện lịch sử để chứng minh. Trong công tác nghiên cứu, biên soạn chúng ta không thể tách rời hai phương pháp này. Nếu thiếu lô-gic thì phương pháp lịch sử sẽ mù quáng. Nếu không nghiên cứu lịch sử thì phương pháp lô-gic sẽ rỗng tuếch mất đối tượng.

Ví dụ trong quá trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng qua hai cuộc  kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, để nắm bản chất, quy luật vận động của lịch sử trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đòi hỏi người viết phải vận dụng kết hợp phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gic. Khi trình bày các quan điểm, đường lối, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng cần bám sát diễn biến cụ thể của lịch sử, nghiên cứu các sự kiện cụ thể nhằm thực hiện quan điểm, đường lối đó, phải đánh giá thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, rút ra bản chất, quy luật vận động của lịch sử. Qua việc nghiên cứu, biên soạn các sự kiện cụ thể chúng ta sẽ thấy cuộc kháng chiến của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là cuộc chiến tranh chính nghĩa, là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, dân là gốc của cách mạng...

Phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gic đều có ý nghĩa và vai trò quan trọng. Tùy theo nội dung, yêu cầu cụ thể của vấn đề nghiên cứu, biên soạn mà xác định phương pháp lịch sử hoặc phương pháp lô-gic là chủ yếu.

Ví dụ cùng nguồn tài liệu về cuộc kháng chiến thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mục đích của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng để dựng lại những quan điểm, đường lối của Đảng; phong trào cách mạng của quần chúng nhằm thực hiện quan điểm, đường lối đó trong từng thời kỳ cần vận dụng phương pháp lịch sử là chủ yếu. Mục đích của việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng muốn phân tích, khái quát lý luận, tìm ra quy luật qua cuộc hai kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của Nhân dân ta thì sử dụng phương pháp lô-gic là chính.

Trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng phải luôn vận dụng cả hai phương pháp lịch sử và lô-gic nhằm bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Việc vận dụng đúng hai phương pháp này góp phần làm nên chất lượng của công trình.

P. LLCT & LSĐ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37048453