Truy cập hiện tại

Đang có 42 khách và không thành viên đang online

Trận chống càn tại vàm Kinh 7

(TGAG)- Vàm kinh 7 thuộc xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú là nơi nối kinh 7 và kinh Đào, phía Đông Bắc cách liên Tỉnh lộ 90 khoảng 7 km.

Vào mùa khô có đường đất cặp theo kinh Đào từ liên tỉnh lộ vào đến kinh 7. Thời điểm này, nước ngập bờ kinh, càng vào trong càng sâu, từ ngả ba Nạm Sào đến kinh 7 nước ngập tới thắt lưng, phía ngoài bờ kinh nước ngập sâu tới vài ba mét. Cặp theo bờ kinh có cây rừng, dây leo phủ kín. Ngoài ra còn có điên điển mọc rất nhiều, có khả năng che khuất tầm nhìn. Đứng trên cây cao có thể quan sát một vùng rộng lớn đến núi Sam và thị xã Châu Đốc.

Năm 1962, địch tăng cường đánh phá cơ sở cách mạng, mục đích của chúng là “diệt cộng tận gốc”. Vùng Thạnh Mỹ Tây của Châu Phú là nơi nằm trong kế hoạch thành lập một trong các ấp chiến lược của chính quyền Sài Gòn. Từ Thạnh Mỹ Tây đến Ô Long Vĩ, kinh 7 đến kinh xáng Cây Dương... là những căn cứ lõm của cách mạng. Vì vậy địch tăng cường hoạt động gián điệp, thường xuyên bố ráp truy tìm tổ chức cách mạng. Với lực lượng Bảo an đóng ở Châu Đốc, khi có tin phát hiện lực lượng cách mạng ở đâu là chúng cơ động ngay đến đó để bao vây tiêu diệt.

Địa phương quân Châu Phú có Đại đội 802 nhưng lực lượng chỉ có một Trung đội gồm 3 Tiểu đội 21, 22 và 23; mỗi Tiểu đội từ 14 đến 20 người do đồng chí Nguyễn Văn Khoanh (Tám Công) làm Trung đội trưởng, Dương Văn Tiền (Sáu Nhỏ) làm Chính trị viên và đồng chí Kim làm Trung đội phó. Đại đội 802 hoạt động trực tiếp dưới sự chỉ huy của đồng chí Đào Hữu Cảnh - Huyện đội trưởng. Đơn vị đang đóng quân ở vùng kinh xáng Cây Dương thì được lệnh phối hợp với du kích Vĩnh Tế, Mỹ Đức đánh địch hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở địa phương đấu tranh chống địch gom dân lập ấp chiến lược.

Chiều ngày 16/8/1962, đơn vị hành quân bằng xuồng đến đóng ở khu vực ngả ba Nạm Sào, đầu kinh 7 chung với du kích Vĩnh Tế, Mỹ Đức.

6 giờ sáng, ngày 17/8/1962, trinh sát phát hiện khoảng 30 xuồng địch di chuyển từ hướng Núi Sam và ở phía Nam cũng có đoàn xuồng bơi về phía Ô Long Vĩ. Xuồng địch căng hàng ngang tiến vào cánh đồng, không hề biết lực lượng ta giấu xuồng dưới tán rừng, điên điển rậm rạp. Các xuồng địch từ từ vào trận địa ta đang chờ sẵn. Khoảng cách giữa ta và địch chỉ còn khoảng 50 m. Theo lệnh của chỉ huy, đồng chí Út Dồi khai hỏa bằng loạt đạn trung liên bắn liên tục vào xuồng chỉ huy, thông tin; tên lính mang máy truyền tin bị tiêu diệt làm cho địch mất liên lạc, những tên khác hoảng loạn làm thuyền lật úp tại chỗ. Toàn trận địa cùng nổ súng bắn mãnh liệt vào đội hình địch vừa hoang mang, vừa tháo chạy. Để tránh nhầm lẫn, cơ động được nhanh tất cả bộ đội không được mặc áo, chỉ mặc quần cụt. Trong khi ấy, binh lính địch bị quần áo ướt nặng lại mang giày bố không lội nổi bị chết chìm. 

Trong lúc đội hình địch ở chính diện trận địa bị đánh tan tác thì có 3 xuồng địch theo kinh Nạm Sào, mỗi xuồng có một tên bắn về phía địa phương quân còn 4 tên khác nằm trên xuồng nắm ngọn lúa lần tiến về phía Tiểu đội 23. Trung đội trưởng liền điều khiển trung liên sang chi viện cho Tiểu đội 23.

Được lệnh tất cả đơn vị xung phong, các đồng chí trinh sát khi nghe súng nổ đã rút về cùng du kích Vĩnh Tế để chiến đấu và bộ đội, du kích vừa lên xuồng vừa bắn vừa đuổi theo truy kích địch. Khoảng 20 xuồng địch đã bị chìm, số còn lại thoát chạy về núi Sam. Truy kích địch đến giữa cánh đồng kinh 7 - núi Sam thì địa phương quân quay lại thu dọn chiến trường. Trận chiến kết thúc lúc 11 giờ.

Kết quả sau 5 giờ vừa chuẩn bị, vừa chiến đấu quyết liệt của địa phương quân huyện và du kích xã Vĩnh Tế, Mỹ Đức trên đồng nước kinh 7 - núi Sam. Ta tiêu diệt gần đại đội bảo an địch, bắt sống 18 tên, trong đó có tên trung úy đại đội trưởng Vũ Ngọc Điển, thu 19 súng các loại (có 3 khẩu trung liên), 2 máy truyền tin.

Trận chiến đấu chống càn của đại đội 802 địa phương quân Châu Phú cùng du kích xã Vĩnh Tế, Mỹ Đức giành thắng lợi giòn giã. Chỉ trong một thời gian ngắn vừa làm công tác chuẩn bị vừa nổ súng đánh địch, truy kích quân địch trên đồng nước bộ đội ta đã tiêu diệt, bắt sống được nhiều tên địch, thu được vũ khí và phương tiện chiến tranh có giá trị cao để trang bị cho địa phương quân huyện đang rất thiếu thốn vũ khí.

Trận đánh đã làm cho quân dân địa phương vô cùng phấn khởi. Đồng bào các xã vùng sâu tổ chức mít tinh mừng chiến thắng. Trận đánh thắng lợi đã cổ vũ phong trào đấu tranh chống gom dân lập ấp chiến lược, đòi trở về ruộng vườn cũ của Nhân dân trong tỉnh ngày càng tăng. Nhân dân đã cùng bộ đội, du kích phá gỡ nhiều ấp chiến lược của địch, lòng tin và trình độ chiến đấu của bộ đội được nâng lên càng chiến đấu càng trưởng thành./.

PHÒNG LỊCH SỬ ĐẢNG

__________________
* Nguồn: Những trận đánh trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang tỉnh An Giang, tập I. Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Phú (1945 - 1995), xuất bản năm 2002.


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39925388