Truy cập hiện tại

Đang có 190 khách và không thành viên đang online

Tọa đàm khoa học: "Thoại Ngọc Hầu với những dấu ấn văn hóa - lịch sử để lại trên vùng đất Thoại"

(TUAG)- Sáng ngày 17/4/2021, tại huyện Thoại Sơn, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang cùng UBND huyện Thoại Sơn tổ chức “Tọa đàm khoa học Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại với những dấu ấn văn hóa - lịch sử để lại trên vùng đất Thoại”. Tham dự có ông Lê Văn Nưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang, ông Đặng Hoài Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử trong và ngoài tỉnh.  


Về phía huyện Thoại Sơn có ông Phạm Minh Tâm - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; ông Lê Hữu Nghị - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cùng lãnh đạo huyện Thoại Sơn và các huyện, thị, thành trong tỉnh, nguyên lãnh đạo huyện, và các xã, thị trấn.



Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Nưng đã tri ân đối với bậc tiền nhân Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại có công khai hoang lập làng Thoại Sơn (nay là huyện Thoại Sơn). Ông yêu cầu đối với những người con trên vùng đất Thoại sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị mà Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại đã để lại, phát huy vai trò xây dựng quê hương Thoại Sơn ngày càng giàu đẹp nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Tập trung xây dựng các thế hệ tương lai đưa Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi vùng trũng Văn hóa - Lịch sử. Thực hiện bằng được câu nói “Tiền Hiền khai khẩn - Hậu Hiền khai cơ” và phải luôn luôn nhớ rõ đạo lý ngàn đời của dân tộc ta là “Uống nước nhớ nguồn”.

Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử đã trình bày nhiều tham luận tập trung ở 3 nội dung chính: Dấu ấn văn hóa lịch sử; Giá trị  lịch sử bia Đình Thoại Sơn; Bảo tồn và phát huy, với 35 bài tham luận về những dấu ấn văn hóa lịch sử để lại của Thoại Ngọc Hầu trên vùng đất Thoại Sơn; kênh Thoại Hà qua một số tài liệu tiếng Pháp; Danh thần Thoại Ngọc Hầu với việc đào kênh Thoại Hà và dựng bia Thoại Sơn; Thoại Ngọc Hầu - Công thần khai quốc vùng đất Tây Nam của Tổ quốc; Bảo tồn và phát huy di sản lịch sử văn hóa mang dấu ấn của Nguyễn Văn Thoại trên vùng đất Thoại Sơn; Khai thác lễ hội Kỳ Yên đình thần Thoại Ngọc Hầu tạo đà cho du lịch Thoại Sơn phát triển;…


Các đại biểu cũng có thêm nhiều ý kiến: Cần phát hành Tem thư mang hình ảnh Danh thần Thoại Ngọc Hầu; Quảng bá Du lịch gắn liền với các dấu ấn của Ông như Bia Đình Thoại Sơn, Khu Du lịch Hồ Ông Thoại; Các thành tích của huyện Thoại Sơn là huyện được nhận các danh hiệu cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang; Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và Huyện nông thôn mới. Đối với Ngôi đình mang tên Danh thần cũng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và  Du lịch trao 3 Quyết định công nhận Bia Thoại Sơn, Đình Thần Thoại Sơn và Lễ Hội Văn hóa truyền thống huyện đạt cấp Quốc gia…

Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, ông Đặng Hoài Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang đánh giá cao công tác chuẩn bị và nhiều ý kiến thiết thực của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nói về những dấu ấn văn hóa, lịch sử để lại trên vùng đất Thoại.



Buổi tọa đàm sẽ bổ sung các nguồn tư liệu quý, làm phong phú hơn các giá trị Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia, Lễ hội Kỳ Yên Đình thần Thoại Ngọc Hầu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thoại Sơn trong thời gian tới. Đồng thời giáo dục cho các thế hệ tiếp nối lòng biết ơn Danh thần Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Các thế hệ sau này cần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt là sớm hoàn thành huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao và hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ Thoại Sơn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.

Trang Phong, Anh Thư  
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37131091