Bỏ qua chế độ Tư bản Chủ nghĩa là tất yếu lịch sử của Việt Nam
- Được đăng: Thứ ba, 30 Tháng 12 2014 14:58
- Lượt xem: 4467
(TGAG)- Như mọi sản phẩm của đại công nghiệp, không có sản phẩm nào ngay từ loạt sản xuất đầu tiên đã hội đủ mọi ưu điểm của các sản phẩm đại trà. Cách mạng tư sản Anh phải tiến hành 2 lần, lần thứ nhất trong 7 năm liên tục từ 1642 tới 1649 nhưng đến 1652 lại bị Cromwell cưỡng đoạt bằng chế độ độc tài, lần thứ hai phải làm lại từ năm 1688 tới 1689 mới thiết lập được chế độ quân chủ lập hiến. Cách mạng Pháp phải làm tới lần thứ ba: 1789 - 1799, 1830, 1848 nhưng thực tế phải tới năm 1871, sau Công xã Paris mới thoát khỏi sự thống trị của đế chế Napoléon, thiết lập tới nền Cộng hòa thứ III mới tạo thành chế độ Cộng hòa đại nghị.
Trước Cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội mới chỉ là một hệ thống lý luận về một “xã hội tương lai”, có khả năng phát triển nền văn minh công nghiệp mà không áp dụng thiết chế tư bản chủ nghĩa. Nhưng sau Cách mạng tháng Mười và già nửa thế kỷ tồn tại của nhà nước Liên bang Xô Viết thì hệ thống lý luận ấy đã chuyển thành xã hội hiện thực, giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống, từ chống vũ trang can thiệp đến khôi phục và phát triển kinh tế, nâng cao văn hóa, chinh phục các đỉnh cao của khoa học kỹ thuật, đến việc tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần. Đặc biệt là hoàn toàn không dùng đến các thiết chế của chủ nghĩa tư bản.
Chê trách Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu còn nhiều khuyết tật thì chẳng khác gì chê chiếc máy tính điện tử đầu tiên sản xuất năm 1946 tại Mỹ “sao vừa lớn vừa yếu” so với các máy tính điện tử hiện nay. Có một điều cần phải khẳng định với nhau là nếu không có Liên Xô thì chắc chắn không có các nước xã hội chủ nghĩa đang đổi mới hiện nay và không có hàng chục nước ở châu Mỹ La tinh đang quyết tâm tìm ra một mô hình chủ nghĩa xã hội cho thế kỷ XXI, đương nhiên bỏ qua chế độ tư bản.
Là một nước xuất thân từ chế độ thuộc địa, nửa phong kiến trong ngót một thế kỷ, lại bị cả chế độ thực dân cũ và mới quay lại thống trị hàng mấy thập kỷ, dân tộc Việt Nam biết quá rõ thế nào là chế độ tư bản, kể cả chế độ tư bản hiện đại nhất, đó là tư bản Mỹ. Sự bỏ qua chế độ tư bản không phải bây giờ mới được bàn thảo trong thời gian gần đây, mà nó đã được Đảng ta đề xuất và được nhân dân đồng tình từ “chính cương vắn tắt, điều lệ vắn tắt” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương vào năm 1930. Sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân được thể hiện không chỉ bằng những lá phiếu trong dịp bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; mà còn bằng xương, bằng máu đã đổ ra trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Có người Việt Nam nào tham gia 2 cuộc chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ lại không biết: đánh thực dân - đế quốc chính là đánh đổ những dạng thức kết tinh cao nhất của chế độ tư bản, đánh đổ phong kiến, đánh đổ đế quốc để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản? Bởi vậy, kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản là lôgích tất yếu của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đừng “ảo tưởng” chính trị và “ngây thơ” đến mức tin rằng chế độ tư bản “bản xứ” hay chế độ tư bản “dân tộc” tất sẽ “nhân đạo” hơn chế độ tư bản đế quốc. Phải thống nhất và khẳng định với nhau một điều rằng, đã rơi vào guồng máy ấy tất phải quay theo quy trình đã định của guồng máy. Đã là chủ nghĩa phát xít thì dù là màu da nào và bất cứ ở đâu cũng gây ra tội ác gây cho loài người cũng chẳng kém gì nhau như phát xít Đức và phát xít Nhật chẳng hạn.
Đương nhiên “bỏ qua chế độ tư bản” không có nghĩa là “phủ định sạch trơn”. Những thành tựu của nền văn minh công nghiệp, văn minh trí tuệ của kinh tế từ thức là những lực lượng sản xuất đã đạt tới của xã hội loài người, ta phải nhanh chóng tiếp thu, học tập, thậm chí còn phải đi trước, đón đầu mà giành được càng sớm càng tốt. Một chế độ đã biến nền văn minh nông nghiệp cổ truyền thành nền văn minh hậu công nghiệp, tiếp cận nền văn minh trí tuệ mà không có người sùng bái mới là lạ. Nhưng sùng bái chủ nghĩa tư bản đến mức yêu cầu một dân tộc đã bị tư bản đế quốc nô dịch hàng trăm năm phải bám lấy từng vết xe đổ của chủ nghĩa tư bản là khủng hoảng và chiến tranh cùng hàng loạt tai họa đã diễn ra trong lịch sử thì chỉ là sự sùng bái “mù quáng”, không có giá trị.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, kế tục Cương lĩnh năm 1930 và được bổ sung, phát triển năm 2011 đã đưa nước ta vươn lên ngang hàng, sánh vai với các nước tư bản trong vùng, điều này đã khiến chính các nước tư bản hàng đầu ở phương Tây cũng phải coi ta là đối tượng chiến lược và đối xử hoàn toàn bình đẳng về quan hệ ngoại giao; thì việc học lấy mọi thành tựu của nền văn minh trí tuệ trong quá trình toàn cầu hóa, nhưng kiên quyết chối bỏ thiết chế tư bản chủ nghĩa về quan hệ sản xuất chỉ là việc tiếp tục cương lĩnh Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam trong hoàn cảnh mới, không ai được quyền “xét lại!”.
SỰ THẬT