Truy cập hiện tại

Đang có 193 khách và không thành viên đang online

“Gieo chữ” mùa dịch

(TUAG)- Không có sự cân đong đo đếm nào trong đợt dịch COVID-19 rằng ai nhiều công sức hơn ai. Chúng ta nói rất nhiều đến sự cống hiến của các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, chúng ta cũng nói đến bao nhiêu sự vất vả của các chiến sĩ quân đội, công an, các lực lượng ngày đêm căng mình góp phần giữ bình yên cho Nhân dân trong mùa dịch. Nhưng sẽ thiếu, rất thiếu nếu chúng ta không nhắc đến các thầy cô giáo, những kỹ sư tâm hồn vẫn ngày đêm miệt mài bên trang giáo án điện tử truyền tải kiến thức cho biết bao học sinh để sau khi hết dịch các em vẫn đủ hành trang kiến thức quay trở lại trường, bảo đảm không đứt quãng chương trình học tập.

Dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt và học tốt

Bắt đầu từ ngày 5/9, An Giang cùng với nhiều địa phương trong cả nước chính thức khai giảng năm học mới 2021-2022. Từ thời điểm đó, từ khóa “học trực tuyến” được nhắc đến nhiều mỗi khi đọc báo, lướt “phây”. Tất cả là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, sự khó khăn, vất vả của phụ huynh, học sinh và cả sinh viên khi học trực tuyến được nhắc đi nhắc lại với tần suất cao khiến cho người đọc dường như quên mất rằng còn một chủ thể bị ảnh hưởng rất nhiều khi hình thức học mới này được áp dụng đó chính là các thầy cô giáo.

Những ngày chưa dịch bệnh, khi thầy cô đứng trên bục giảng, ngoài kiến thức thì sự tương tác, hành vi, cử chỉ của thầy cô trong suốt buổi học đã góp phần rất lớn vào chất lượng giảng dạy. Một ánh mắt nghiêm nghị, một câu đùa dí dỏm hoặc một cái vỗ vai động viên sẽ khiến học sinh, sinh viên cảm nhận được tình cảm thầy – trò, kính trọng đạo đức, tác phong của người làm nghề giáo. Đó là thứ mà không có mạng 4G, Wifi hay thiết bị hiện đại nào có thể truyền tải được. Vì thế khi giảng dạy trực tuyến, người giáo viên gần như bị tước đi hoàn toàn kỹ năng sư phạm mà xưa nay họ được đào tạo.



Việc dạy học qua môi trường mạng bắt buộc giáo viên phải có kịch bản nhiều gấp đôi, gấp ba so với dạy trực tiếp trên lớp, giáo viên phải chuẩn bị tài liệu trình chiếu, rồi tài liệu văn bản cho học sinh quan sát. Nhiều bài giảng phải sử dụng hình ảnh minh họa để tăng sự hấp dẫn. Ngoài ra, giáo viên phải thông thạo các công cụ hỗ trợ trên máy tính  để tiếp nhận và xử lý phản hồi của từng em học sinh… Những giờ thao giảng ở trường thì chỉ đồng nghiệp dự, những giờ thi giảng chỉ ban giám khảo là người trong ngành dự, còn nay dạy trực tuyến thì có rất nhiều phụ huynh dự đòi hỏi mỗi thầy cô đều phải cố gắng hơn nhiều.

Bao nhiêu khó khăn, nhưng thầy cô vẫn là những người truyền lửa, tạo sự gắn kết giữa thầy và trò, vẫn truyền dạy kiến thức bài học, lồng ghép kĩ năng sống, kĩ năng phòng, chống dịch bệnh COVID-19. “Tình thương và trách nhiệm” của người thầy đối với học sinh, với xã hội thầm lặng nhưng thật đáng trân quý.

Không chỉ là gieo chữ

Giữa chồng chất khó khăn do dịch bệnh, các thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh không chỉ làm nhiệm vụ “gieo chữ” mà còn hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương, đồng hành cùng chính quyền, ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đã có rất rất nhiều thầy cô giáo góp phần vào nhiệm vụ chống dịch của tỉnh. Họ có thể tham gia vào các đội nấu ăn từ thiện, làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch, tham gia đội tầm soát để bóc tách F0,… Cũng có thầy, cô giáo không thể trực tiếp tham gia lực lượng chống dịch tuyến đầu thì đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và góp mặt ở nhiều công việc trong khả năng của mình ở tại địa phương nơi mình sinh sống, đây là những hình ảnh đẹp, thật đẹp vừa là trí tuệ, vừa là chữ tâm, là đức độ của người thầy. Mỗi thầy, cô giáo đã thật sự là một chiến sĩ chống dịch trong phong trào thi đua “An Giang đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Mỗi chúng ta xin hãy thể hiện những cử chỉ, tình cảm thân thương nhất bằng chính TRI THỨC của học trò và sự KÍNH TRỌNG của học sinh, phụ huynh và xã hội dành cho  những người thầy, đây chính là món quà vô giá./.
    
Sự thật
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40585823