Truy cập hiện tại

Đang có 92 khách và không thành viên đang online

Từ chiếc đồng hồ đến bài học về đoàn kết

(TGAG)- Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta, Người đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một di sản tinh thần vô giá, một hệ thống tư tưởng về nhiều mặt. Trong đó tư tưởng về đại đoàn kết là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường tồn đối với quá trình phát triển của dân tộc ta và của toàn nhân loại. Đấy là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh. Hầu như những bài viết, bài nói chuyện của Người với đồng bào, đồng chí, với bạn bè, anh em Bác luôn nhắc nhở phải giữ gìn sự đoàn kết, “đoàn kết làm ra sức mạnh”, “đoàn kết là then chốt của thành công”.

Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một “Chiếc đồng hồ quả quýt” và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường:

- Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

 Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

 Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

- Thưa không được ạ!

- Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:

- Các chú ạ! Các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một nhà nước, như nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: Trong một chiếc đồng hồ mà anh “kim” đòi làm anh “chữ số”, anh “máy” lại đòi ra ngoài làm “cái mặt đồng hồ”... cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì có còn là cái đồng hồ được không?

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện “Chiếc đồng hồ” của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình.

Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954, Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi nói: “Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy”, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!!!

Sau đó, Bác kết luận rằng: Mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ.

Bao giờ cũng vậy, những mẩu chuyện Bác đưa ra đơn giản, gần gũi, chân thật nhưng mang tính giáo dục cao. Câu chuyện là bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết và ý thức đúng đắn trách nhiệm của mỗi cá nhân trên mọi cương vị, vị trí công tác.

Trong một tổ chức, đơn vị, mỗi cá nhân đều có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ riêng, dù lớn dù nhỏ đều là một phần quan trọng, do đó chúng ta phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn kết chính là chất kết dính và bôi trơn để bộ máy cơ quan, đơn vị vận hành tốt. Cần phải hiểu rằng việc phân cấp, các chức danh, chức vụ trong cơ quan, đơn vị nhằm phân biệt nhiệm vụ, quyền hạn mà bản thân mỗi cá nhân phải thực hiện khi đảm nhận chức trách đó. Việc suy bì, tính toán hơn thiệt về quyền lợi, trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, hoặc hành vi lánh nặng tìm nhẹ, suy nghĩ quan liêu, cục bộ... sẽ dễ dẫn đến sự mất đoàn kết trong nội bộ, từ đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của cả đơn vị.

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân ta, mọi thế hệ cách mạng phải có trách nhiệm duy trì và bảo vệ, cần phải “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Mỗi chúng ta phải tự học tập rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết; đấu tranh chống chủ nghĩa “cá nhân”, lợi ích nhóm; chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguyên nhân, hiện tượng mất đoàn kết; biểu dương kịp thời và có biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cho các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng.

Hiện nay, toàn Đảng đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ là cơ sở để tăng cường xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để xây dựng và bảo vệ đất nước./.

Trúc Hồ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40128575