Truy cập hiện tại

Đang có 260 khách và không thành viên đang online

Tịnh Biên nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo

(TGAG)- Là huyện miền núi, biên giới, dân tộc, có 30.266 hộ, với 121.670 nhân khẩu (trong đó, dân tộc Khmer 35.820 người, chiếm 29,44% tổng số hộ dân của toàn huyện). Dân cư tập trung phần đông ở khu vực nông thôn, chiếm 71,67% dân số toàn huyện.

Mặc dù, còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, những năm qua, Đảng bộ huyện Tịnh Biên xác định phát triển kinh tế phải đồng thời đi đôi với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người nghèo dân tộc và các hộ khó khăn...

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, làm chuyển biến và nâng cao ý thức thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Qua đó, nhận thức của Nhân dân nói chung và người nghèo nói riêng đã được nâng lên, tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở địa phương. 

Triển khai kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước cho các hộ nghèo. Đối với chính sách tín dụng ưu đãi, cung cấp tín dụng cho các hộ nghèo có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, bình quân mỗi năm giải quyết cho 4.195 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay 46,603 tỷ đồng thông qua việc thành lập các tổ vay vốn do các đoàn thể phụ trách. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, 100% người nghèo, cận nghèo đều có thẻ bảo hiểm y tế (trong 05 năm qua đã thực hiện cấp phát 117.784 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và cận nghèo, 60.867 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số). Huyện triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giáo dục, chính sách hỗ trợ nhà ở, chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm...

Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo: năm 2011, toàn huyện có 6.890 hộ nghèo, tỷ lệ 23,23% dân số, dự kiến đến năm 2015 còn 2.393 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,90% dân số; 1.677 hộ cận nghèo, tỷ lệ 5,67% dân số, dự kiến đến cuối năm 2015 còn 903 hộ, tỷ lệ 2,88% (giảm 4.502 hộ nghèo và 774 hộ cận nghèo so với năm 2011). Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 2 - 3%. Hộ nghèo người dân tộc thiểu số năm 2011 là 2.959 hộ, tỷ lệ 36,52% dân số, dự kiến đến năm 2015 còn 996 hộ, tỷ lệ 12,64%, (giảm 1.963 hộ so với năm 2011).

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Nguồn vốn ngân sách bố trí để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững còn thấp, việc huy động các nguồn lực khác còn hạn chế. Nguồn vốn vay hỗ trợ cho đối tượng nghèo, cận nghèo còn hạn chế. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, yếu tố ảnh hưởng do thiên tai dẫn đến tỷ lệ phát sinh nghèo và tái nghèo cao. Đời sống của một bộ phận người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chưa bảo đảm được mức tối thiểu. Nguồn lao động dồi dào, nhưng chưa có việc làm tại địa phương nên đã đi làm việc ở ngoài tỉnh với số lượng khá lớn. Chất lượng lao động còn thấp, một số lao động nghèo còn trông chờ ỷ lại...

Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 05 năm giai đoạn 2015 - 2020, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo, huyện Tịnh Biên đề ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo bền vững.

Chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, phát triển và định hướng đào tạo nghề, phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng. Tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục thực hiện cơ chế và chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho người lao động gắn với phát triển ngành nghề, làng nghề sẵn có ở địa phương.

Thực hiện tốt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015; về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo... Tiếp tục phối hợp vận động xây dựng quỹ vì người nghèo, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết.

Thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 góp phần giảm nghèo bình quân 2%/năm theo nghị quyết đề ra.

Xã hội hóa công tác giảm nghèo, tiếp tục hoàn thiện cơ chế cộng đồng xã hội, các thành phần kinh tế tham gia hỗ trợ cho các xã nghèo. Mở rộng sự tham gia của các đối tác xã hội trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo.

Thực hiện cơ chế phân cấp cho cơ sở. Chủ động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ đột xuất cho người dân bị thiên tai, dịch bệnh, không để người dân đói, trẻ em bỏ học; tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và sản xuất, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo từ các nguyên nhân rủi ro gây nên.

Kiện toàn, nâng chất cán bộ chuyên trách cho cơ quan thường trực thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo ở các cấp, đặc biệt là cán bộ chuyên trách cấp xã.

HU.TB
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40594005