Truy cập hiện tại

Đang có 532 khách và không thành viên đang online

An Giang: Kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

(TUAG)- Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Hoạt động kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển về số lượng lẫn chất lượng, từng bước khắc phục các yếu kém, tồn tại trước đây; xuất hiện nhiều loại hình, mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, góp phần chung vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hỗ trợ quá trình xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 13-NQ/TW tỉnh An Giang: Giai đoạn 2001-2021, tỉnh đã tổ chức hơn 180 lớp tuyên truyền, tập huấn, với 15.000 lượt học viên, thành viên HTX, tổ hợp tác, nông dân tham dự. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% học phí cho cán bộ HTX đi học nâng cao trình độ từ bậc trung cấp trở lên để về làm việc cho HTX. Giai đoạn 2018-2020, An Giang thực hiện chủ trương thu hút nhân sự trẻ có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên về làm việc tại HTX (đã hỗ trợ 47 nhân sự làm việc tại 47 HTX với kinh phí gần 2 tỷ đồng).


Hội nghị thành lập hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Thoại Sơn)

Ước đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 836 tổ hợp tác (THT) với 17.012 thành viên. Lũy kế đến ngày 30/9/2021, toàn tỉnh có 255 HTX, liên hiệp HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực, trong đó có 244 HTX và 01 liên hiệp HTX đang hoạt động (chiếm 96,07%) và 10 HTX nông nghiệp yếu kém, ngưng hoạt động lâu ngày (chiếm 3,93%).

Đến nay, có khoảng 140.050 thành viên tham gia HTX, tăng 10,1% so thời điểm cuối năm 2001. Doanh thu bình quân của 01 HTX là 5 tỷ đồng/năm (tăng khoảng 400% so với năm 2001); lợi nhuận bình quân của 01 HTX là 900 triệu đồng/năm (tăng khoảng 400%); thu nhập bình quân của thành viên đạt 48-60 triệu đồng/năm. Số lao động làm việc thường xuyên trong HTX, liên hiệp HTX là 4.680 lao động (tăng gần 400% so với năm 2013), thu nhập từ 2,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết: “Mô hình kinh tế tập thể đã được nhiều nước phát triển thực hiện thành công, cho thấy đây là khuynh hướng tất yếu, lâu dài. Tại An Giang, mô hình kinh tế tập thể được triển khai khá hiệu quả trên nhiều lĩnh vực (nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, tín dụng, giao thông - vận tải, tài nguyên - môi trường). Trong quá trình phát triển, có nhiều HTX hoạt động tốt, nhưng có những HTX hoạt động cầm chừng, hoạt động yếu kém, một số giải thể; sự tham gia của doanh nghiệp vào HTX còn hạn chế…”.

Giai đoạn tới, tỉnh phấn đấu thành lập mới trung bình 28-33 HTX/năm để đạt số lượng 380-400 HTX vào năm 2025. Trong đó, hơn 70% tổng số HTX hoạt động từ loại khá trở lên; 20% cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX như: Nghị quyết Trung ương 05 khóa IX; Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị; Luật HTX năm 2012 và các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật HTX; Nghị định số 77/2019/NĐ-CP; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; Quyết định số 340/TTg, Quyết định số 1804/QĐ-TTg, Quyết định số 167/QĐ-TTg; Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển HTX nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết phát triển KTTT, HTX của tỉnh An Giang đến năm 2025.

Tập trung xây dựng 06 “Hệ sinh thái HTX” phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh: (1) Hệ sinh thái lúa gạo, (2) Hệ sinh thái cá tra, (3) Hệ sinh thái xoài, (4) Hệ sinh thái bò sữa, (5) Hệ sinh thái heo, (6) Hệ sinh thái của hàng tiện lợi (Bách hóa xanh, nông sản an toàn, OCOP,…); liên kết HTX với doanh nghiệp xây dựng “cánh đồng lớn”. Chú trọng nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, hàng hóa; quan tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm, ngành hàng chủ lực.


Khen thưởng mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả

Kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX ở cấp huyện để thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, phối hợp, điều hành. Tại các xã, phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp chỉ đạo, điều hành về KTTT, HTX. Nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý nhà nước, cán bộ tư vấn về kinh tế hợp tác các cấp (bao gồm cán bộ đoàn thể) về kiến thức quản lý nhà nước liên quan phát triển KTTT, Luật HTX và các văn bản hướng dẫn về liên kết sản xuất và tiêu thụ; từng bước hình thành lực lượng tư vấn về lĩnh vực KTTT, HTX tại chỗ để kịp hỗ trợ khi các HTX, THT có nhu cầu.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình KTTT, HTX tiên tiến, thành công, hiệu quả. Quan tâm, phát triển các tổ chức, cơ sở đảng, đoàn thể trong tổ chức KTTT, HTX...

Ngọc Dựng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40580583