Truy cập hiện tại

Đang có 151 khách và không thành viên đang online

Hướng dẫn nhân dân thảo luận, góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng

(TGAG)- Ngày 21/5/2015, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 165-HD/BTGTW về việc hướng dẫn nhân dân thảo luận, góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng. Tuyên giáo An Giang trân trọng giới thiệu toàn văn bản Hướng dẫn.

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; căn cứ Thông báo kết luận số 194-TB/TW ngày 05/02/2015 của Bộ Chính trị về việc thảo luận các văn kiện Đại hội XII tại đại hội đảng bộ các cấp, lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, ý kiến nhân dân và tổng hợp các ý kiến đóng góp vào các văn kiện Đại hội XII của Đảng; Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn nhân dân thảo luận, góp ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1- Mục đích
Tập hợp trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng,góp phần nâng cao chất lượng văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

2- Yêu cầu
Bám sát quy định về thời gian, nội dung lấy ý kiến nhân dân theo sự chỉ đạo Bộ Chính trị và sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy đảng. 

Việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng phải được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, vừa phát huy được trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, vừa phòng ngừa các thế lực xấu lợi dụng để xuyên tạc, chống phá đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội XII của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

II. THỜI GIAN, NỘI DUNG, HÌNH THỨC THẢO LUẬN, GÓP Ý KIẾN

1. Thời gian

- Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng được tiến hành từ ngày 05 tháng 10 năm 2015 đến hết ngày 20 tháng 11 năm 2015.

- Nhân dân thảo luận, góp ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng từ ngày 05 tháng 10 năm 2015 đến hết ngày 20 tháng 11 năm 2015.

2. Nội dung thảo luận, góp ý kiến

2.1. Nhân dân thảo luận, góp ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng gồm: Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

2.2. Việc góp ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng có thể theo toàn bộ nội dung hay theo từng phần, từng vấn đề cụ thể trong hai dự thảo văn kiện nêu trên; trong đó đề nghị tập trung thảo luận, góp ý kiến vào những vấn đề lớn, quan trọng trong nội dung các dự thảo văn kiện Đại hội XII, cụ thể như sau: 

Đối với Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng, đề nghị tập trung thảo luận, góp ý kiến về những nội dung chính sau:

- Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011- 2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016).   

 - Về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới (2016 - 2020).

- Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

- Về hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

- Về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

- Về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

- Về quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

- Về tăng cường quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

- Về nâng cao hiệu quả đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

- Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

- Về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

- Về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

- Về sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại  hội XII.

Đối với Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, đề nghị tập trung thảo luận, góp ý kiến về các nội dung chính sau:

- Bối cảnh quốc tế, tình hình đất nước trước và sau Đại hội XI, Báo cáo nêu đã sát và phù hợp với tình hình thực tiễn chưa ?

- Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém đã đầy đủ và phản ánh sát đúng với thực tế chưa?

- Những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, yếu kém trong dự thảo Báo cáo đã đầy đủ và xác đáng chưa ?

- Dự báo bối cảnh khu vực, quốc tế, cơ hội, thách thức và tác động đến phát triển kinh tế - xã  hội nước ta trong thời gian tới?

- Để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các quan điểm phát triển trong dự thảo Báo cáo đã thể hiện rõ và phù hợp chưa?

- Mục tiêu tổng quát trong dự thảo Báo cáo đã bảo đảm tính bao quát và khả thi chưa?

 - Đề nghị cho ý kiến về các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường trong dự thảo Báo cáo.

- Cho ý kiến về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội nêu trong dự thảo Báo cáo.

3. Hình thức thảo luận, góp ý kiến

Nhân dân thảo luận, góp ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng bằng các hình thức sau:

- Gửi ý kiến đóng góp tới các cơ quan báo chí.

- Gửi ý kiến đóng góp tới cấp ủy đảng các cấp hoặc gửi về Trung ương. 

- Góp ý kiến trực tiếp tại các hội nghị lấy ý kiến nhân dân, các buổi sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội.

III. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI ĐỂ NHÂN DÂN THẢO LUẬN, GÓP Ý KIẾN CÁC DỰ THẢO VĂN KIỆN

1. Tổ chức công bố các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân

- Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng; các báo điện tử: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Việt Nam NET, VnEpress, Dân Trí…đăng toàn văn và đăng xã luận các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng (Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 vào ngày 5/10/2015.

- Các báo đảng bộ địa phương, các báo của các đoàn thể chính trị - xã hội đăng toàn văn các dự thảo văn kiện Đại hội XII trong các số liên tiếp sau khi các Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng… đăng toàn văn; có bài giới thiệu quan điểm, nội dung cơ bản trong các dự thảo văn kiện Đại hội XII.   

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành tổ chức giới thiệu các nội dung chính của các dự thảo văn kiện trong các chương trình thời sự hàng ngày, liên tục từ ngày 5 đến ngày 15 tháng 10 năm 2015.

- Các báo, tạp chí ngành, hội quần chúng tổ chức đăng tóm tắt hoặc trích đăng những nội dung của các dự thảo văn kiện có liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình. 

- Các báo, đài Trung ương và các tỉnh, thành phố mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề: “Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng” để tiếp nhận, chọn lọc đăng tải và tổng hợp các ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là của các vị lão thành cách mạng, trí thức, nhân sĩ, nhà khoa học… 

 2. Tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân qua thư; tổng hợp và gửi ý kiến góp ý về Trung ương

2.1. Tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân qua thư

- Cấp tỉnh:

+ Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tổ chức tiếp nhận thư góp ý của nhân dân gửi trực tiếp tới cấp ủy; phân công cán bộ làm công tác tổng hợp các ý kiến đóng góp.

Mỗi tỉnh ủy, thành ủy lập một báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII qua thư gửi trực tiếp đến cấp ủy, gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương.

+ Các cơ quan báo, đài các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiếp nhận thư gửi trực tiếp đến báo, đài; tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy để báo cáo.

- Các ban đảng Trung ương tiếp nhận thư của nhân dân gửi trực tiếp tới ban; sau đó chuyển thư về Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Các bộ, ngành Trung ương tiếp nhận thư gửi trực tiếp đến cơ quan, đơn vị mình; tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Các cơ quan báo, đài Trung ương và các bộ, ngành tiếp nhận thư gửi trực tiếp đến báo, đài mình; tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương. 

 2.2. Tổng hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân 

Việc tổng hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII thực hiện theo Hướng dẫn số 46-HD/VPTW ngày 9/2/2015 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

2.3. Gửi các ý kiến đóng góp của nhân dân về Trung ương

- Các báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân qua thư và báo chí gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương trước ngày 25 tháng 11 năm 2015.

- Các báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp gửi về Ban Dân vận Trung ương.

Việc tổng hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân hoàn thành trước ngày 01 tháng 12 năm 2015.

3. Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền việc lấy ý kiến nhân dân

3.1. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo tổ chức tốt việc tuyên truyền lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII, nhất là việc tuyên truyền các dự thảo văn kiện và việc đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3.2. Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác, ngoài việc hướng dẫn, tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của đoàn viên, hội viên vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII theo hệ thống ngành dọc, cần chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là các lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và kiều bào tích cực đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng; nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên, hội viên về nội dung các dự thảo văn kiện.

3.3. Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng và ban hành Hướng dẫn việc lấy ý kiến nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII; chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng tuyên truyền việc lấy kiến nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII trong toàn Đảng, toàn xã hội; theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng, dư luận xã hội xoay quanh nội dung các dự thảo văn kiện; phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị.

3.4. Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền việc lấy ý kiến nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là việc đăng, phát các ý kiến đóng góp của nhân dân; phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức chỉ đạo việc ngăn chặn các trang mạng xã hội, các blog cá nhân có nội dung xuyên tạc các dự thảo văn kiện, chống phá đại hội đảng các cấp và Đại hội XII của Đảng.

3.5. Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hướng dẫn các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tuyên truyền việc góp ý kiến của người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài vào dự thảo văn kiện Đại hội XII. 

3.6. Các cơ quan báo chí trung ương và địa phương lập kế hoạch tuyên truyền việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng; thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc công bố các dự thảo văn kiện và tuyên truyền việc đóng góp ý kiến của nhân dân.

Trong thời gian lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm duyệt, đăng, phát tin bài, phóng sự để không xảy ra tình trạng thông tin sai lệch, gây bất lợi tới việc  chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền và dư luận xã hội.  

3.7. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tham mưu cho cấp ủy đảng hướng dẫn tuyên truyền việc lấy ý kiến nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII; biên soạn và phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền các dự thảo văn kiện; theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung dự thảo văn kiện; chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh, thành phố tăng cường báo cáo, giới thiệu các dự thảo văn kiện; chủ động tham mưu giúp cấp ủy tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo văn kiện Đại hội XII qua thư gửi trực tiếp đến tỉnh ủy, thành ủy.

Trong quá trình tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, tổ chức việc ý kiến nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII, nếu có vấn đề gì chưa rõ, cần thông tin, phản ánh về Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ban Tuyên giáo Trung ương
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40118915